Hà Nội:

Dự án xe buýt nhanh trị giá hơn 1.200 tỷ đồng vẫn "mờ mịt"

Thứ Tư, 03/08/2016, 09:19
10 năm thực hiện, 3 lần xin kéo dài thời gian và rất nhiều lời hứa, tương lai của dự án xe buýt nhanh (BRT) trị giá hơn 1.200 tỷ đồng của Hà Nội vẫn mờ mịt.


Vừa không nhanh, vừa tăng nguy cơ ùn tắc?

Như Báo CAND đã nhiều lần phản ánh, dự án xe buýt nhanh được phê duyệt từ năm 2007 bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới. Khi triển khai xây dựng, dự án mang theo nhiều tham vọng. Với đặc điểm nhà chờ hiện đại, tốc độ di chuyển nhanh vì chạy trên làn đường riêng, BRT được kỳ vọng sẽ giúp hiện đại hóa bộ mặt giao thông đô thị. 

Tuy nhiên, với thời gian xây dựng lê thê bất tận, trong khi giao thông Hà Nội thay đổi không ngừng, dự án này đang trong thế tiến thoái lưỡng nan. 

Thứ nhất, hầu hết các hạng mục đã đầu tư của dự án đang xuống cấp trầm trọng. 

Thứ hai, quan trọng hơn, việc phải dành đường riêng cho BRT vào thời điểm đường Hà Nội đã quá tải như hiện nay không những không giúp gì cho việc giảm ùn tắc mà còn có nguy cơ làm gia tăng tình trạng này.

Một nhà chờ tuyến xe buýt nhanh trên đường Láng Hạ (Hà Nội) bị tận dụng làm nơi tập kết vật liệu xây dựng. Ảnh: Minh Sơn.

Từ cuối năm 2015, Báo CAND đã phản ánh sự xuống cấp tệ hại của nhiều hạng mục dự án. Điều này thể hiện rõ nhất ở 21 nhà chờ trị giá 2 tỷ đồng/nhà chờ, nằm chênh vênh trên dải phân cách giữa hai làn đường dọc theo lộ trình từ Bến xe Kim Mã đến Bến xe Yên Nghĩa với tình trạng nơi bung mái, chỗ bung cửa. 

Lúc đó, một số chuyên gia đã lên tiếng cho rằng kể cả không tính đến tiến độ chậm một cách không thể chấp nhận, thì dự án cũng đã bộc lộ quá nhiều bất cập, như chọn luồng tuyến, mặt cắt đường không hợp lý, nhiều tuyến đường trong lộ trình buýt nhanh có mật độ phương tiện dày đặc, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm; lựa chọn vị trí giữa hai làn đường dẫn đến việc bắt buộc phải xây dựng thêm các cầu đi bộ gây lãng phí, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. 

Việc phải nhường một làn đường riêng rất lớn cũng vô cùng bất cập, gây ùn tắc, trong khi công suất vận chuyển của buýt nhanh khó có thể bù lại so với diện tích mặt đường đã phải dành cho nó. 

Khi đó, “trao đổi” với Báo CAND về dự án này, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã cho biết đến thời điểm hiện nay (tức cuối 2015), các hạng mục xây dựng hạ tầng tuyến đang được gấp rút triển khai và dự kiến sẽ hoàn thành vào quý I năm 2016. Tổng số 35 xe buýt sử dụng cho dự án với sức chứa 90 hành khách cũng sẽ được bàn giao vào tháng 6-2016. 

Hiện tại, thời điểm hứa đó đã qua, nhưng dự án vẫn giậm chân tại chỗ. Các viễn cảnh mỹ miều về “tiện tích nổi trội” với vận tốc “nhanh” khoảng 22-25km/h, khả năng vận chuyển có thể vượt khoảng 200% so với dự kiến 90 hành khách của mỗi xe, nhà chờ khép kín với quạt mát… khó mà thành sự thật.

Chúng tôi muốn có ý kiến với Hà Nội về dự án này

Trao đổi với PV Báo CAND bên lề phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, đại biểu mới tái đắc cử của Hà Nội, bà Trần Thị Quốc Khánh, cho biết dự án này chính bà và một số ĐBQH trước đó đã đề nghị rất mạnh mẽ để hướng tới giao thông đô thị văn minh hơn, giảm phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, chủ trương thì đúng, kỳ vọng thì tốt đẹp, còn cách làm lại khiến dự án thành một “cục nợ”.

Hình ảnh xuống cấp trầm trọng của dự án xe buýt nhanh Hà Nội. 

“Không hiểu họ đã làm thế nào mà lại bị chậm như thế, nhiều bất hợp lý như thế. Các cơ quan liên quan phải giải trình vì sao làm như thế, gây bất hợp lý cho người lên xuống, nhất là trong tình trạng xe cộ đông thế này mà (nhà chờ) lửng lơ ở đấy rất mất an toàn giao thông”- bà Khánh bày tỏ. 

Trả lời câu hỏi về việc đã 2 nhiệm kỳ rồi mà dự án vẫn dang dở và tiêu tốn rất nhiều tiền, trách nhiệm của những người liên quan ở đâu, hay cứ ngân sách và người dân chịu, ĐB Trần Thị Quốc Khánh cho rằng “Không được”. 

“Tư duy nhiệm kỳ là một hiện tượng không phải chỉ ở một hai chỗ đâu, nó khá phổ biến trong hệ thống hành chính của mình. Cứ dự án bằng được đi, không phải hoàn toàn tất cả đã phụng sự cho việc chung, sau đó không có người theo đuổi, kiểm tra, giám sát để tình trạng thế này. Nên theo tôi nhân chuyện báo chí lên tiếng, chúng tôi cũng rất ủng hộ, cũng muốn là sẽ có ý kiến với TP về việc này” – bà Khánh khẳng định. 

“Xe buýt nhanh là cần để cho đô thị văn minh và giảm phương tiện cá nhân, phải tạo thuận lợi cho người dân đi lại thuận tiện, nhưng sau đấy cũng không có chương trình nào kiểm tra hay giám sát. Đây là việc của TP thì HĐND TP phải tăng cường giám sát, nhưng tôi nghĩ ĐBQH Hà Nội cũng nên có chương trình giám sát. Có lẽ trong kỳ tới chúng tôi sẽ yêu cầu báo cáo giải trình. Chính các ĐBQH cũng sẽ đưa ý kiến của cử tri ra Quốc hội để có ý kiến với TP, và TP sẽ trả lời với cử tri về việc này”.

Vũ Hân
.
.
.