Sau một tuần thực hiện cấp biển số cho xe máy điện miễn phí:

Mới có hơn 2.200 xe máy điện đi đăng ký biển số

Chủ Nhật, 13/12/2015, 08:23
Tính đến thời điểm này, sau 1 tuần triển khai thực hiện Thông tư 54/2015/TT-BCA về đăng ký xe máy, trên cả nước mới có hơn 2.200 xe máy điện được đăng ký biển số thành công. 

Nếu mang con số này so sánh với hàng triệu xe đang lưu hành trên cả nước, mới thấy rằng, chẳng thấm vào đâu. Vậy vì sao thủ tục không phức tạp, miễn phí hoàn toàn, mà người dân lại chưa mặn mà?!

Ngày đầu tiên, Hà Nội cấp biển số thành công cho 43 trường hợp xe máy điện. Sau một tuần, con số đã là 400 trường hợp. Thế nhưng, trên thực tế, ngoài việc nhiều người dân vẫn thờ ơ với việc đưa xe đi đăng ký biển số, thì không phải người dân nào muốn cũng được đăng ký ngay.

Còn nhiều trường hợp đi xe điện không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: CTV

Bạn Hà Phương, hiện đang là  sinh viên năm thứ 3 của một trường Đại học tại Hà Nội cho biết: Qua nghiên cứu các quy định về việc đăng ký biển kiểm soát (BKS) cho phương tiện này, Phương rất băn khoăn vì mình không có hộ khẩu tại Hà Nội. Phương chia sẻ: “Em thấy việc cơ quan chức năng tiến hành cho đăng ký biển kiểm soát là việc làm rất đúng đắn, tuy nhiên, như cá nhân em thì em chưa biết phải làm như thế nào? Ở Hà Nội thì em không có hộ khẩu, nếu em mang phương tiện về quê để đăng ký thì vô cùng mất công và tốn chi phí”.

Chị Phạm Thu Hà (đường Ngọc Hồi, Hà Nội) cũng bày tỏ: “Tôi mua một chiếc xe điện cho con tôi đi học, xe có bàn đạp hai bên, khi hết điện có thể di chuyển bằng bàn đạp, nhưng tôi thấy vận tốc tối đa của xe khá lớn, đạt khoảng 40km/h. Vậy xe của tôi là xe đạp điện hay xe máy điện?”. Theo quy định, thì chỉ xe máy điện mới phải đăng ký biển kiểm soát, tuy nhiên, hiện nay rất nhiều người sử dụng phương tiện không biết được mình đang sở hữu loại phương tiện nào trong hai loại phương tiện trên.

Chúng tôi mang vấn đề này hỏi Cục Đăng kiểm Việt Nam, ông Nguyễn Văn Phương - Phó trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm) cho biết, quy chuẩn của Bộ Giao thông vận tải quy định, xe đạp điện phải có bàn đạp 2 bên, bàn đạp phải có cơ cấu dẫn động từ bàn đạp tới bánh xe, có vận tốc đối đa không vượt quá 25km/h. Quy định là vậy, nhưng thực tế, để phân biệt bằng mắt thường lại gặp không ít khó khăn, chính vì lý do đó nhiều người dân cũng không biết chiếc xe mình đang sở hữu là xe máy điện hay xe đạp điện.

Cảnh sát giao thông đội 2 (Công an TP Hà Nội) xử lý một trường hợp đi xe điện không đội mũ bảo hiểm.

Thừa nhận thực tế này, Trung tá Lương Minh Thuận, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông trật tự phản ứng nhanh Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, trên địa bàn chỉ có vài ba trường hợp đến đăng ký xe máy điện. Còn lại rất nhiều trường hợp bà con không phân biệt được xe máy điện và xe đạp điện vẫn mang phương tiện tới làm thủ tục đăng ký. Với những trường hợp như thế, cán bộ tổ đăng ký xe đã giải thích bà con tận tình cách phân biệt xe đạp điện khác xe máy điện ở chỗ có bàn đạp và vận hành được bằng thủ công như xe đạp khi hết nhiên liệu.

Còn theo Trung tá Lê Văn Phiêu, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông, trật tự, phản ứng nhanh Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), việc lấy số khung, số máy khá khó khăn vì thiết kế đặc biệt của xe máy điện. Đối với những xe chỉ có số máy hoặc số khung; không có số máy và số khung; có số máy, số khung nhưng bị mờ, hoen gỉ thì cơ quan đăng ký cấp biển số và tổ chức đóng số máy, số khung theo biển số, nhưng đóng ở đâu cũng là vấn đề.

Với hàng loạt khúc mắc chưa được giải đáp rõ ràng, ngày 12-12, Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tập huấn Thông tư số 54/2015/TT/BCA của Bộ Công an quy định về đăng ký xe mô tô điện, xe máy điện.

Tại hội nghị, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội cho biết, dù nỗ lực song lực lượng Cảnh sát giao thông cũng đã gặp không ít khó khăn trong công tác đăng ký, bởi hiện chưa có một tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng nào về xe máy điện, xe môtô điện. Nhìn bằng mắt thường, rất khó xác định công suất của xe, nhất là với xe môtô điện tháo bàn đạp trước. Thậm chí, nếu căn cứ theo kiểu xe máy điện có chỗ ngồi rộng bao nhiêu, thì cũng rất khó xử lý vì không phải lúc nào Cảnh sát giao thông cũng mang cân và thước đo bên mình…

Giải đáp những thắc mắc trên, đồng chí Trần Văn Hà (cán bộ Phòng 6, Cục Cảnh sát giao thông) cho rằng,  có nhiều cách để phân biệt như căn cứ vào động cơ để phân biệt xe máy điện, xe đạp điện; căn cứ thông qua sổ bảo hành, chỗ ngồi, xe có bàn đạp hay không bàn đạp, phiếu kiểm tra xuất xưởng. Đối với những xe máy điện không có số khung, số máy, đồng chí Trần Văn Hà cũng yêu cầu Cảnh sát giao thông các quận, huyện tạo điều kiện cho người dân, phải đóng ở nơi thuận lợi, dễ nhìn.

Tuy nhiên, khi đóng số khung số máy mới thì phải có phiếu đề xuất xin ý kiến lãnh đạo Công an quận, huyện. Vì không phu phí, nên chí phí bỏ ra cho chương trình này sẽ khoảng 150 tỷ đồng. Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết, sau ngày 30-6-2016, việc xử phạt xe máy điện không biển số sẽ được tiến hành.

Thông tư của Bộ Công an quy định, hồ sơ thủ tục đăng ký xe gồm: Giấy khai đăng ký máy, xe máy điện; Bản photocopy sổ hộ khẩu (đối với trường hợp chủ xe là cá nhân); giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức (đối với trường hợp chủ xe là cơ quan, tổ chức); Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân của người đến đăng ký xe; trường hợp chủ xe là cá nhân xuất trình thêm bản chính sổ hộ khẩu để đối chiếu. Đặc biệt, đối với xe không có số máy mà cơ quan đăng ký xe không đóng được số máy thì trong giấy chứng nhận đăng ký xe cấp cho chủ xe ghi từ “không có” vào mục “số máy”.

Cũng theo quy định việc đăng ký sẽ được triển khai đến hết ngày 30-6-2016, người dân đăng ký xe môtô điện, xe máy điện sẽ không phải đóng thuế trước bạ, không thu lệ phí đăng ký xe. Từ ngày 1-7-2016, xe môtô, xe máy điện khi đăng ký sẽ phải đóng thuế trước bạ, lệ phí và những xe không ký sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đặng Nhật
.
.
.