Chuyến tàu Thống nhất đầu tiên nối hai miền Nam - Bắc

Thứ Ba, 03/05/2016, 13:25
Trong ký ức của những cán bộ, công nhân viên đường sắt và nhiều người dân sống dọc tuyến đường sắt Bắc Nam vẫn còn nhớ như in cảm giác xúc động được chứng kiến đoàn tàu thống nhất đầu tiên nối hai miền Nam Bắc 40 năm về trước.


Hình ảnh đoàn tàu Thống nhất rực rỡ cờ hoa băng qua những làng mạc, vùng quê dọc chiều dài đất nước mang theo niềm vui sum họp của những người con sau nhiều năm xa cách.

Dũng sĩ Bình Trị Thiên kể chuyện khôi phục đường sắt Bắc Nam

Chúng tôi tìm đến phố Ngô Thì Nhậm (Hà Nội) gặp lại ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Đại đội phó tự vệ, Tiểu đoàn Tự vệ đường sắt thuộc Tổng cục Đường sắt. Người đã trực tiếp tham gia chiến dịch khôi phục đường sắt Bắc Nam và là đại biểu đi trên chuyến tàu lịch sử đầu tiên nối hai miền Nam Bắc sau ngày thống nhất đất nước. Bốn mươi năm đã trôi qua, nhưng trong câu chuyện với chúng tôi người lính tự vệ già của ngành đường sắt vẫn còn nguyên cảm xúc bồi hồi rạo rực của một ký ức đầy nhiệt huyết và tươi trẻ.

Đất nước thống nhất, ngày 14-11-1975 Hội đồng Chính phủ ra Mệnh lệnh đặc biệt số 358-TTg quyết định khôi phục nhanh chóng tuyến đường sắt thống nhất nối lại hai miền Bắc – Nam đã bị chia cắt. Những năm tháng chiến tranh, tuyến đường sắt là mục tiêu đánh phá ác liệt của không quân Mỹ nhằm cắt đứt con đường vận chuyển chiến lược của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. 

Ông Nguyễn Minh Quang và hình ảnh đón chuyến tàu Thống nhất đầu tiên vào ga Sài Gòn 4-1-1977.

Sau nhiều năm gánh chịu bom đạn, hàng chục km đường sắt, đầu máy và gần hai ngàn toa xe đã bị phá hủy. Hơn 5.000m cầu trong đó có các cầu lớn như Long Biên, Việt Trì, Hàm Rồng… bị đánh sập hoặc hư hỏng. Mệnh lệnh khôi phục đường sắt được triển khai trong khí thế của những ngày đất nước vừa được giải phóng, hàng vạn cán bộ, quân dân đã nô nức lên đường vào chiến dịch mới. Các công trường khôi phục đường sắt được gấp rút triển khai, hoạt động suốt ngày đêm với quyết tâm nhanh chóng thông tuyến đường sắt Thống nhất.

Ông Nguyễn Minh Quang hồi ấy đang công tác tại Ga Hà Nội và tham gia Đại đội tự vệ thuộc Tiểu đoàn Tự vệ đường sắt Tổng cục Đường sắt. Trong chiến dịch khôi phục đường sắt này, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ tham gia khắc phục đoạn từ cầu Tiên An qua sông Bến Hải đến đầu đường 9, Quảng Trị. Thời điểm ấy hết sức vất vả, khó khăn, thời tiết khắc nghiệt cùng với việc lương thực thực phẩm cực kỳ khan hiếm. 

“Hàng tuần bà nhà tôi và anh em ngoài ga phải mua lương thực, thực phẩm tiếp tế vào bằng đường ôtô. Để kịp tiến độ của tuyến đường, anh em dựng luôn lán trại ngay tại công trường để sinh hoạt, ăn ngủ”. 

Để tăng tính hiệu quả của công việc, thay vì tổ chức lao động theo giờ, ông đã nghĩ ra cách khoán khối lượng công việc. Mỗi ngày mỗi tổ được khoán đào hơn chục mét khối đất. Để tránh cái nắng như thiêu như đốt của miền Trung, họ thức dậy làm việc từ 4h đến 9h sáng. Trưa nghỉ ngơi tránh nắng và đến chiều mát lại tiếp tục ra công trường. 

Bằng cách làm khoa học, hợp lý đại đội của ông đã liên tục dẫn đầu năng suất lao động. Suốt hơn 3 tháng trời ròng rã, đơn vị của ông đã hoàn thành nhiệm vụ. Từ những thành tích trong chiến dịch khôi phục đường sắt, ông Nguyễn Minh Quang được phong danh hiệu Dũng sĩ Bình Trị Thiên.

Chuyến tàu hòa bình, sum họp

Phải mất hơn 1 năm làm việc quên mình không kể ngày đêm của hơn 10 vạn cán bộ, công nhân, bộ đội và nhân dân dọc tuyến đường sắt, cuối năm 1976 tuyến đường sắt Bắc Nam dài hơn 1.730 km đã được nối liền. Để khánh thành tuyến đường, phải xây dựng mới hơn 20km cầu, đặt mới 660km đường ray, kéo 1.686km dây thông tin cùng với gần 3 triệu m3 đất được đào đắp và khai thác 70.000m3 gỗ làm đường...

Để đánh dấu sự kiện quan trọng này, ngày 31-12-1976 Chính phủ đã quyết định tổ chức hai đoàn tàu Thống nhất xuất phát cùng giờ, cùng ngày tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn khai thông tuyến đường sắt Bắc Nam thống nhất. 

Ông Nguyễn Minh Quang và những nhân chứng có mặt trên hai chuyến tàu lịch sử đó đã nhớ mãi hình ảnh, 7h sáng ngày 31-12-1976 trên sân ga Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã diễn ra cuộc mít tinh trọng thể đầy cảm động chào mừng và tiễn đoàn tàu Thống nhất Bắc Nam xuất phát. 

Hành khách trên hai chuyến tàu đặc biệt này ngoài các đồng chí lãnh đạo, đại diện ngành giao thông vận tải, khách mời quốc tế là những gương mặt tiêu biểu của các ngành, các lực lượng. 

Nguyễn Minh Quang, nguyên Đại đội phó tự vệ, Tiểu đoàn Tự vệ đường sắt thuộc Tổng cục Đường sắt vinh dự được chọn là đại biểu chính thức của ngành đường sắt trong số 200 đại biểu ưu tú đại diện miền Bắc đi trên chuyến tàu Thống nhất xuất phát tại ga Hà Nội.

Đường sắt Bắc - Nam hôm nay.

Chuyến tàu thống nhất đầu tiên đó được kéo bằng đầu máy hơi nước và có 6 toa xe, trong đó có 4 toa giường nằm. Do đặc điểm đường sắt lúc bấy giờ mới khôi phục và để đảm bảo an ninh nên tàu chỉ chạy ban ngày, đêm nghỉ lại tại các ga chính như: Vinh, Đồng Hới, Đà Nẵng… 

Trên suốt hành trình mỗi lần tàu dừng lại thì có các địa phương tổ chức đón tiếp rất trang trọng. Ngày 4-1-1977, sau 4 ngày hành trình với 80 giờ lăn bánh, đoàn tàu Thống nhất Bắc Nam đầu tiên đã tiến vào sân ga Sài Gòn trong sự chào đón, mừng vui khôn xiết của đông đảo cán bộ, người dân Thành phố mang tên Bác. 

Đón đoàn tàu Thống nhất Bắc Nam tại ga Sài Gòn hôm đó có đồng chí Võ Văn Kiệt – Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, lãnh các ban ngành và người dân thành phố mang tên Bác. Đó là chuyến tàu chở cả khát khao của cả dân tộc, chuyến tàu hòa bình, hàn gắn và sum họp.

Nhớ lại thời điểm đó, ông Quang cho biết: Vào đến TP Hồ Chí Minh ông và đoàn đại biểu được bố trí ăn nghỉ tại khách sạn REX, một khách sạn sang trọng nhất lúc bấy giờ. Sau 5 ngày tham quan, giao lưu tại TP Hồ Chí Minh, ông cùng đoàn đại biểu trở ra Bắc. Món quà mà hầu như tất cả các đại biểu mua về là búp bê và khung xe đạp. 

Sau chuyến tàu lịch sử, ông Nguyễn Minh Quang tiếp tục công tác tại Tổng cục Đường sắt cho đến lúc nghỉ hưu. Là một người mê văn nghệ lại từng được học sân khấu điện ảnh, ông đã tham gia viết nhiều vở kịch về đường sắt và đã có những vở diễn nổi tiếng như: “Những trụ cầu vững chắc”, “Chiếc vé tàu”… đoạt thứ hạng cao trong các Hội diễn văn nghệ và được công chiếu tại các rạp lớn ở Hà Nội.

Kể từ thời điểm đoàn tàu Thống nhất Bắc Nam đầu tiên với hành trình 80 giờ chạy tàu năm ấy, giờ đây ngành đường sắt đã có những bước phát triển nhanh chóng. Mỗi ngày có cả chục đoàn tàu Thống nhất lăn bánh để phục vụ hành khách. Trong đó có những đoàn tàu hiện đại tiện nghi được xếp hạng 5 sao với hành trình Hà Nội – TP Hồ Chí Minh rút ngắn chỉ còn 29 giờ. 

Trò chuyện với người lính tự vệ già Nguyễn Minh Quang, chúng tôi như được truyền thêm nhiệt huyết từ thế hệ cha anh đã sống, chiến đấu và lao động quên mình cho đất nước và cảm nhận được không khí “Năm xưa anh phá núi em mở đường trên đỉnh Trường Sơn đồi núi trập trùng/Năm nay cũng những bàn tay lấp hố bom xây cuộc sống/ Tự hào nào bao cô gái, tự hào nào những chàng trai tuổi thanh niên/Sức như Phù Đổng cháu con của Bác Hồ đi mở đường tàu Thống Nhất quê hương”... như lời bài hát “Đường tàu mùa xuân” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã viết vào thời điểm đoàn tàu thông đường năm ấy.

Đức Thọ
.
.
.