Chi tiền tỷ bồi dưỡng nhân viên mà tai nạn đường sắt vẫn xảy ra
- Thêm một nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn đường sắt kinh hoàng
- Tai nạn đường sắt kinh hoàng ở Hà Nội, 5 người tử vong3
Ông Nguyễn Tá Tùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thống kê: Từ ngày 1-1 đến ngày 4-2, trên các cả nước đã xảy ra 43 vụ TNGT đường sắt, làm chết 19 người, bị thương 38 người, giảm 2 vụ, tăng 8 người bị thương so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, chỉ tính riêng trong 7 ngày nghỉ Tết Đinh Dậu (từ 26-1 – 1-2), cả nước xảy ra 8 vụ, làm chết 6 người, bị thương 11 người. So với cùng kỳ năm 2016 tăng 3 vụ (60%), tăng 3 người chết (100%), tăng 7 người bị thương (175%).
Điều đáng nói là nguyên nhân các vụ tai nạn, theo VNR là không mới, chủ yếu vẫn do người dân vi phạm quy định pháp luật khi qua khu vực giao cắt đường sắt - đường bộ (chiếm đến 54%). Một nguyên nhân đáng kể khác là do người dân đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt và dọc hai bên đường sắt (chiếm 32%). Các nguyên nhân khác được kể đến là có quá nhiều điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ (gần 5.800 điểm, tỷ lệ lối đi dân sinh chiếm 74%). Thực tế, 80% số vụ TNGT đường sắt xảy ra tại các điểm giao cắt này.
Ông Vũ Tá Tùng cho biết thêm, hằng năm VNR phải tự trích cả tỷ đồng để bồi dưỡng cho các nhân viên đường sắt tình nguyện gác tại 39 đường ngang, đường dân sinh. “Thực hiện quy chế phối hợp giữa các tỉnh và Bộ GTVT, hiện đã có 20 tỉnh tổ chức cảnh giới 183 điểm đen TNGT đường sắt từ nguồn ngân sách của tỉnh. Ngược lại, vẫn còn tới 13 tỉnh có đường sắt đi qua không tổ chức cảnh giới”, ông Tùng cho biết.
Trước đó, trong năm 2016, VNR đã lắp đặt cần chắn tự động tại 102/366 đường ngang cảnh báo tự động; lắp đặt động cơ điện cho cần chắn, giàn chắn tại 153/641 đường ngang có gác. Trong năm 2017, VNR sẽ tiếp tục kế hoạch này. Với hơn 4.200 lối đi dân sinh, VNR đề nghị xây dựng hệ thống đường gom để gom toàn bộ lối đi dân sinh đưa về vị trí đường ngang hợp pháp (ưu tiên thực hiện trước ở nơi tập trung khu dân cư, đô thị). Tuy giải pháp này được xem là hữu hiệu để kéo giảm TNGT đường sắt, xóa bỏ những đường ngang “tử thần” nhưng việc thực hiện không đơn giản bởi đòi hỏi kinh phí lớn.
Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu áp dụng nhiều giải pháp để sớm kiềm chế tai nạn đường sắt. Ảnh: Diễn đàn Otofun. |
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, vốn cho duy tu đường sắt hằng năm dao động từ 1.700-2.000 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Quy mô đầu tư nhỏ, đan xen, không có tác dụng làm thay đổi đồng bộ kết cấu hạ tầng của đường sắt Việt Nam.
Khi bàn đến giải pháp, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng đề xuất: Làm gờ giảm tốc tại các đường ngang không người gác, đường dân sinh là biện pháp cấp bách cần thực hiện ngay trong năm 2017. Đề xuất này của lãnh đạo Uỷ ban ATGT cũng nhận được sự đồng tình của các đại biểu tham dự cuộc họp.
“Cần rà soát, xem xét lại cụ thể cũng như quy định rõ thời gian, hình thức cảnh giới…”, đại diện Cục CSGT nói. Đồng quan điểm, ông Vũ Tá Tùng bổ sung: Các địa phương cần tổ chức cảnh giới 24/24h, nếu không sẽ thành cái “bẫy” đối với người tham gia giao thông bởi “cứ tin tưởng có người cảnh giới, đến khi không có sẽ thiếu chú ý, tưởng không có tàu, dễ xảy ra tai nạn”.
Khẳng định TNGT đường sắt dịp Tết vừa qua diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu VNR quản lý tốt hạ tầng đường sắt, tổ chức rà soát khẩn trương những điểm đen trên đường ngang và đường dân sinh và đưa ra giải pháp xử lý cụ thể trên các cung đoạn, ưu tiên mật độ chạy tàu nhiều, nguy cơ xảy ra tai nạn cao. Đồng thời phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam khẩn trương làm việc với các địa phương để thống nhất các giải pháp cần phải làm ngay như lắp thêm thiết bị cảnh giới, gờ giảm tốc…; lực lượng Thanh tra, CSGT tăng cường tuần tra, cảnh giới tại địa phương trong lúc tàu chạy, xử lý nghiêm các vi phạm về ATGT đường sắt. VNR nghiên cứu ngay một số giải pháp về đèn tín hiệu lắp trên tàu, giúp cho người tham gia giao thông nhìn thấy từ xa, tại những chỗ khuất tầm nhìn; làm gờ tại những chỗ ưu tiên; điều chỉnh kế hoạch thực hiện ngay trong năm 2017.
Thứ trưởng cũng đề nghị lực lượng CSGT tăng cường hoạt động, tuần tra, xử lý nghiêm các vi phạm về ATGT đường sắt. Giải pháp lâu dài về xử lý đường ngang và lối đi dân sinh, Thứ trưởng giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông rà soát, phối hợp cùng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng lộ trình và giải pháp thực hiện đến năm 2020; xác định vị trí xây dựng đường gom, làm gờ cho tất cả các đường ngang theo thứ tự ưu tiên; đề xuất kinh phí làm cần chắn tự động, ngoài ra xây dựng hệ thống thông tin quản lý đường ngang...