Chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư: Các dự án đường sắt đô thị vẫn đứng đầu bảng

Thứ Năm, 08/10/2020, 07:27
Thông tin trên vừa được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thừa nhận trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII về lĩnh vực giao thông vận tải.

Thống kê từ Bộ GTVT cho thấy, trong tổng số 50 công trình, dự án trọng điểm ngành triển khai, hiện mới có 24 công trình đã được đưa vào khai thác, sử dụng; 26 dự án chưa hoàn thành. Trong lĩnh vực đường bộ có 1 dự án chậm tiến độ là đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Liên quan đến đường sắt, có tới 5 dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư.

Cụ thể, với Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Bộ GTVT cho hay, hiện sản lượng đạt khoảng 78,19% (chậm 17,20%). Nguyên nhân các gói thầu vốn ADB chậm do bị dừng giải ngân vốn nước ngoài và vốn đối ứng (vốn nước ngoài bị dừng do các thủ tục đầu tư như Hiệp định vay và thời gian thực hiện dự án chưa được điều chỉnh do hiện nay chưa xác định được cơ quan chủ quản, cấp quyết định đầu tư; vốn đối ứng bị dừng vì dự án được áp dụng cơ chế vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, người vay lại phải tự thu xếp nguồn vốn đối ứng).

Nguyên nhân các gói thầu JI, J3 sử dụng vốn JICA chậm do vốn đầu tư công từ năm 2019 chưa được bố trí cho VEC. Mặc dù các vướng mắc của dự án về thẩm quyền cấp quyết định đầu tư về duyệt điều chỉnh chủ trương, dự án đầu tư và điều chỉnh hiệp định vay ADB đã cơ bản được giải quyết, nhưng các vướng mắc về mặt bằng, vốn vẫn chưa được giải quyết.

Bộ GTVT đã có báo cáo, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tháo gỡ vướng mắc về vốn đối ứng, vốn nước ngoài và giao vốn cho dự án để thực hiện. Bên cạnh đó, với Dự án đường sắt đô thị TP HCM, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên (UBND TP HCM làm chủ đầu tư), đến nay sản lượng cũng mới ước đạt 76,3%.

Một trong những dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ.

Dự án đường sắt đô thị TP HCM, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương (UBND TP HCM làm chủ đầu tư) đã hoàn thành 1/8 gói thầu; các gói thầu còn lại đang thực hiện giải phóng mặt bằng, triển khai thủ tục thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu. 

Với Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội (UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư) có 9 gói thầu chính xây lắp và thiết bị. Sản lượng thực hiện đạt 64,27%, riêng đoạn trên cao đạt 79,09%. Một số vướng mắc chính của dự án cũng được chỉ ra là liên quan đến mặt bằng tại các ga S5, S7, ga ngầm S10.

Tương tự, tại Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông (Bộ GTVT làm chủ đầu tư) đã cơ bản hoàn thành, đang được các bên hoàn thiện các thủ tục để nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác. Tuy nhiên, còn một số tồn tại, vướng mắc liên quan đến thiết bị khu Depot, đánh giá an toàn đoàn tàu, công tác vận hành toàn hệ thống và thanh quyết toán... 

Bộ GTVT đang chỉ đạo giải quyết vướng mắc, khắc phục các tồn tại và hoàn thiện các hạng mục còn lại. Khó khăn chính hiện nay là công tác huy động nhân sự là các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam hoàn thành công tác đánh giá an toàn hệ thống để nghiệm thu, bàn giao đưa vào vận hành khai thác. 

Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Ngoại giao có công hàm đề nghị cấp có thẩm quyền của Pháp hỗ trợ, tháo gỡ để các chuyên gia tư vấn ACT (Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống) sớm sang Việt Nam thực hiện dự án. 

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi (Bộ GTVT làm chủ đầu tư): Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về định hướng phát triển đường sắt khu vực thành phố Hà Nội, phương án tổng thể triển khai dự án, đề xuất cơ quan chủ quản đầu tư, xử lý Hiệp định vay VN12-P4,... 

Xét đề nghị của Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến về việc xử lý các vướng mắc liên quan đến kế hoạch thực hiện và thủ tục điều chỉnh dự án, Bộ GTVT đang chỉ đạo các cơ quan tham mưu, Ban Quản lý dự án Đường sắt triển khai thực hiện.

Ngoài việc đưa ra hiện trạng của các công trình trọng điểm, Bộ GTVT cũng thừa nhận, hầu hết các dự án trọng điểm đều là dự án quy mô lớn, đòi hỏi quy trình quản lý, công nghệ thi công phức tạp; có những dự án lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam (các dự án đường sắt đô thị), trong khi chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện; năng lực nhà đầu tư, ban quản lý dự án, tổng thầu, nhà thầu, tư vấn còn hạn chế, chưa thực sự chuyên nghiệp…, dẫn đến các khó khăn, vướng mắc không được xử lý triệt để, nhiều nội dung phải điều chỉnh, dẫn đến việc thời gian thực hiện bị kéo dài, điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư... 

Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân khách quan như: biến động lớn về giá đầu vào cho các công trình xây dựng, tỷ giá hối đoái thay đổi làm tăng tổng mức đầu tư của dự án; công tác xử lý kỹ thuật, xử lý lún kéo dài, điều kiện địa chất phức tạp, thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án… 

Về cơ bản, việc để chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án trách nhiệm trước tiên thuộc về các chủ đầu tư, tuy nhiên các yếu tố chủ quan khác, cũng là nguyên nhân chính gây ra việc chậm tiến độ. 

Đơn cử như công tác quy hoạch tại một số địa phương chưa thực sự tốt, mất nhiều thời gian tham vấn, xin ý kiến cơ quan chuyên môn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án (như tại dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi, công tác quy hoạch chi tiết 1/500 các ga quốc gia Hà Nội, Giáp Bát, Gia Lâm, quy hoạch 1/2.000 phân khu ga Hà Nội, phương án tuyến cầu vượt sông Hồng chậm phê duyệt cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ tại dự án). Trách nhiệm liên quan đến công tác quy hoạch thuộc địa phương.

Phạm Huyền
.
.
.