Cầu bộ hành lãng phí tiền tỷ

Thứ Hai, 01/12/2014, 09:59
Nhằm giải quyết nạn ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm, tại những giao lộ trung tâm, các KCN, trường học, chợ, bệnh viện, khu du lịch…, ngành GTVT TP Hồ Chí Minh đã cho xây dựng nhiều cầu vượt bộ hành. Để xây dựng một cầu vượt đi bộ phải tốn trên một tỷ đồng nhưng hiệu quả các công trình này mang lại rất hạn chế, gây lãng phí đáng kể trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, Sở GTVT vẫn quyết tâm đầu tư thêm 120 tỷ đồng xây thêm 13 cầu bộ hành đến cuối năm 2015. Nhưng xây cầu như thế nào, tại địa điểm nào để phát huy hiệu quả là câu chuyện dài…

Thực tế đang có nhiều cầu vượt bộ hành ở TP.HCM vắng hoe mòn mỏi đợi người đi qua và đang là nỗi e sợ, kinh hoàng của người đi bộ vào ban đêm bởi tình trạng nhếch nhác, mất vệ sinh, thậm chí trở thành nơi tụ tập chích hút ma túy. Tại chân cầu bộ hành Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) nối Bệnh viện Nhân dân Gia Định với Bệnh viện Ung bướu, anh Lê Tấn Trung - quê Bình Thuận nuôi người nhà bị ung bướu giải thích: “Thời gian leo lên leo xuống cầu, bằng qua đường cả mười vòng”. Nhưng không đảm bảo an toàn…? Trung cười hì hì: “Các loại xe đến chỗ này đều chạy chậm nhường đường cho người bệnh và người nuôi bệnh. Sợ gì”. Trung nói không sai, hình như có 3-4 nữ sinh trường y thực tập cố lách dòng xe cộ bóp còi inh ỏi để qua đường. Từng tốp người nuôi bệnh, tay xách nách mang cũng dàn ngang qua đường. Có khoảng 3 người đang đứng trên cầu để ngắm trời đất, trông bộ dạng nhếch nhác rất đáng ngại. Tư Long lái xe ôm khẳng định: “Tụi hút chích đó anh. Trông đứa nào cũng lờ đờ, dật dờ”…

Một số cầu bộ hành xây dựng không hợp lý nên không phát huy hết hiệu quả, gây lãng phí.

Theo Sở GTVT, TP.HCM hiện có 6 cầu vượt bộ hành, gồm: Cống Quỳnh (quận 1) nối hai cơ sở của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, cầu vượt Nguyễn Trãi (quận 5), cầu vượt Hoàng Văn Thụ (đường Phan Thúc Duyện, quận Phú Nhuận); cầu vượt Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), cầu vượt Văn Thánh (đường Điện Biên Phủ) và cầu vượt Suối Tiên (quận Thủ Đức). Ngoài ra, còn có 2 hầm vượt băng qua QL1A trước khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức) và vòng xoay Nguyễn Văn Linh (Bình Chánh). Cầu vượt bộ hành được nhiều người chê trách nhất ở trước chợ Văn Thánh. Do trước đây công trình xây dựng chợ Văn Thánh thành trung tâm thương mại lớn, việc phân luồng giao thông trên đường Điện Biên Phủ mở rộng, kết nối hai cây cầu Sài Gòn với cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh sẽ tăng lưu lượng xe và mật độ giao thông cao, nên cầu bộ hành Văn Thánh là giải pháp an toàn cho người đi bộ qua lại hai phường 22 và 25, quận Bình Thạnh. Nhưng theo bà Hai An, buôn bán cạnh chân cầu thì: Cầu dốc cao, leo lên leo xuống bất tiện. Băng qua đường cẩn thận thì vừa nhanh vừa khỏe hơn. Khi quan sát tại đây, chúng tôi đã phải giúp một bà cụ nhặt ve chai với bao vỏ nhựa lê từng nấc để lên cầu. Chưa nói bên trên nhếch nhác, dơ bẩn và đã từng là nơi dành cho bọn tiêm chích ma túy vứt ngổn ngang các loại kim tiêm. Nay cũng là lúc công trình chợ Văn Thánh nằm im bất động nhiều năm qua chuyển đổi công năng thành khu dự án nhà cao cấp SSG Tower, nhu cầu đi lại cũng chưa có, cây cầu bỗng trở nên vô cùng lãng phí.

Trên đường vành đai TP từ xa lộ Đại Hàn, vòng qua đại lộ Võ Văn Kiệt, nhiều cầu, hầm vượt bộ hành ngang qua QL1A như cầu vượt khu du lịch Suối Tiên (quận Thủ Đức), hầm chui Linh Trung, Vĩnh Lộc… là những nơi tập trung hàng chục ngàn công nhân, du khách băng qua đường khi vào ca, tan ca và tham quan du lịch. Đại lộ Võ Văn Kiệt dài 22km nối các quận 1, 5, 6, 8, Bình Chánh, Bình Tân… Đây là con đường hiện đại bậc nhất ở TP.HCM nối nội ô thành phố với QL1A, cao tốc Trung Lương đi các tỉnh miền Tây. Vì tuyến đường chạy dọc theo bờ kênh Tàu Hũ, chia cắt các quận trung tâm với vùng lân cận như quận 4, quận 8… nên chính quyền đã cho xây các cầu vượt bộ hành cho người dân hai bên dễ đi lại, trồng nhiều hoa và cây xanh trên các cầu vượt, lắp những khung vuông, mái vòm để cho hoa mọc và leo lên. Những cây cầu vượt được trồng hoa chuông vàng, hoa giấy rực rỡ sắc màu tạo nên cảnh quan rất đẹp. Ngoài kinh phí xây dựng tốn kém tiền tỷ ra, còn thêm kinh phí chăm sóc, trồng hoa, bảo quản không nhỏ nhưng do vị trí xây cầu không hợp lý, không nằm tại các khu vực đông đúc dân cư hai đầu cầu nên trở thành nơi trú ngụ của những người lang thang và nơi dân nghiện tiêm chích ma túy. Từ An Lạc vào, cầu bộ hành số 1, 2, 3 hai bên đường là cỏ dại mọc um tùm, chưa hình thành các khu dân cư nên cầu xây xong để trồng hoa chơi như môt chậu kiểng đặt trên không trung đại lộ. Khách bộ hành chắc chắn không ai sử dụng ngoài gái mại dâm và con nghiện. Từ cầu số 5, 6 vắt qua đại lộ qua kinh Lò Gốm nối quận 5 với quận 8 nơi rất đông dân cư và phương tiện trên bờ, dưới sông hoạt động, nhưng nhiều giờ đồng hồ trôi qua, quan sát vẫn không thấy bóng người qua cầu. Theo ông Tám An nhà gần đầu cầu quận 8 cho hay: Buổi sáng tôi có thấy vài người tập thể dục hoặc bưng thúng qua bên quận 5 bán mua lặt vặt thôi… Hoa phủ kín cầu vượt bộ hành rất đẹp, nhưng hiệu quả kinh tế, xã hội từ những cây cầu này còn phải chờ tương lai.

Những cây cầu vượt phủ đầy hoa trên đại lộ Võ Văn Kiệt chờ khách bộ hành.

Tại cầu vượt Từ Dũ, được xem là hiện đại nhất TP.HCM với mái che, kính chắn kiên cố, vào giờ cao điểm mật độ giao thông qua tuyến đường này rất cao và nhu cầu qua lại giữa hai cơ sở của bệnh viện luôn rất đông đúc, nhưng lại rất ít người sử dụng. Người dân và thậm chí cả các y, bác sĩ của bệnh viện đều băng ngang qua đường vừa nhanh, vừa đỡ mất công leo lên cầu vượt mà lại không tiện lợi do vị trí xây dựng chưa hợp lý. Theo thiết kế, cầu được nối trực tiếp lên lầu một của Bệnh viện Từ Dũ nhưng cuối cùng không làm được. Và gần đây, khi cơ sở mới Bệnh viện Từ Dũ được xây dựng thì cầu vượt này hầu như bị bỏ hoang… Rất lâu mới thấy có bóng người đi xuống từ cầu vượt sang trọng như cầu dẫn ra máy bay này.

Hoàng Châu
.
.
.