Cấp cứu người bị tai nạn giao thông phải đúng cách

Thứ Tư, 28/01/2015, 09:23
Ngày 27/1, liên quan đến việc xe cấp cứu bỏ nạn nhân mang thai 7 tháng tại hiện trường vụ tai nạn giao thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGTQG) đã có công văn gửi thẳng tới Công an và Sở Y tế Hải phòng đề nghị xác minh, làm rõ vấn đề về tinh thần, thái độ của cán bộ y tế trong ca cấp cứu đó. Trên thực tế, đã xảy ra chuyện người gặp tai nạn giao thông không được cấp cứu kịp thời, đúng cách, dẫn đến tàn tật suốt đời, thậm chí là tử vong.
Xe cấp cứu bị nghi bỏ thai phụ gặp nạn giữa đường

Ngày 26/1, Ủy ban ATGTQG đã tiếp nhận thông tin phản ánh về vụ tai nạn sáng 26/1 tại đường Tôn Đức Thắng, phường An Đồng, quận An Dương, TP Hải Phòng. Xe khách của Công ty TNHH buýt Hải Phòng đang lưu thông theo hướng Hải Phòng - Hà Nội đã cán phải một phụ nữ đi xe máy cùng chiều.

Theo cơ quan chức năng, người phụ nữ đang mang thai 7 tháng bị cuốn vào bánh ôtô khách, tử vong tại chỗ. Nhân chứng tại hiện trường cho biết, khoảng 15 phút sau tai nạn, xe cấp cứu đến hiện trường, nhưng thấy nạn nhân được đắp chiếu nên họ lại rời đi ngay mà không kiểm tra tình trạng của nạn nhân, dẫn đến không phát hiện thai nhi 7 tháng, cũng như không can thiệp y tế với nạn nhân.

Để khắc phục hậu quả, ngăn ngừa những hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác cấp cứu người bị tai nạn giao thông, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGTQG đã có công văn đề nghị Công an thành phố Hải Phòng vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn và xử lý nghiêm người gây tai nạn. Ngoài ra, Sở Y tế Hải Phòng phải xác minh rõ những nội dung phản ánh về tinh thần, thái độ của cán bộ y tế trong ca cấp cứu có mặt trên xe cứu thương, xử lý trách nhiệm nếu vi phạm.

Chỉ một nửa nạn nhân tai nạn giao thông được sơ cứu đúng chuyên môn

Trước đó, tại Hội nghị ATGT Việt Nam 2014, một chủ đề “ứng phó sau tai nạn giao thông” đã được thảo luận sôi nổi. Nhiều ý kiến cho rằng, cấp cứu tai nạn thương tích trước bệnh viện (trong đó chủ yếu là tai nạn giao thông) chưa đáp ứng được nhu cầu. Theo TS.Nguyễn Đức Chính, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt – Đức, trong số các ca đến cấp cứu tai nạn thương tích tại Bệnh viện Việt – Đức thì có đến 76% là TNGT, chiếm tỷ lệ cao nhất. Điều đáng tiếc là hầu hết khi đưa nạn nhân đến bệnh viện, đa số đều được sơ cấp cứu không đúng quy cách, dẫn đến hậu quả để lại di chứng cho nạn nhân.

Một vụ tai nạn giao thông xảy ra, nếu được cấp cứu kịp thời, hậu quả sẽ bớt đau lòng.

Tham luận tại hội thảo, GS Vũ Văn Đính, Chuyên gia cao cấp Bộ Y tế, nguyên Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Chủ tịch Hội hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cho biết thêm: “Theo báo cáo cuối kỳ của Nghiên cứu quy hoạch tổng thể ATGT đường bộ tại Việt Nam về chăm sóc y tế trước khi đến bệnh viện đáp ứng với TNGT, các thông tin về cấp cứu còn chậm, không đáp ứng được nhu cầu về “thời gian vàng” trong cấp cứu chấn thương. Theo đó, cấp cứu tại hiện trường phần lớn do cộng đồng thực hiện. Có 34,8% không được xử trí cấp cứu. Trong 65,2% ca được xử trí cấp cứu thì có hơn một nửa không đạt yêu cầu về chuyên môn. Đặc biệt, nhiều nạn nhân không được vận chuyển đến bệnh viện bằng các xe cấp cứu chuyên dụng mà bằng các phương tiện khác, như: taxi, xe ôm, thậm chí bằng cả xe tải.

Theo ông Đính, tình trạng này xuất phát từ nguyên nhân chúng ta chưa có hệ thống đào tạo chuyên ngành cấp cứu trước bệnh viện. Do chưa được quan tâm đúng mức nên thiếu cơ hội nâng cao tay nghề, chưa được nhân dân và cán bộ y tế ủng hộ nên nhân viên phục vụ trên xe cấp cứu chưa gắn bó với nghề, thường chuyển sang bệnh viện khác khi có điều kiện. Một yếu tố xã hội khác gây ảnh hưởng không nhỏ đến cấp cứu TNGT, đó là còn tồn tại quan niệm việc cấp cứu TNGT là “công việc của riêng ngành Y tế”, vì vậy những lực lượng khác như lái xe… chưa được đào tạo về cấp cứu tai nạn giao thông hoặc chưa nhiệt tình tham gia cấp cứu TNGT.

Để khắc phục thực trạng trên, TS.Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh: “Giải pháp then chốt thời gian tới là nâng cấp hệ thống quản lý thông tin liên lạc, như: quản lý xe cứu thương, các đội cấp cứu tại trung tâm hoặc tại các trạm bằng hệ thống định vị toàn cầu một cách hiệu quả. Đặc biệt, cần có liên lạc giữa hiện trường, xe cấp cứu và trung tâm điều phối thông tin với các khoa cấp cứu, các bệnh viện”.

Trong khi đó, ông Vũ Văn Triển, Cục trưởng Cục Y tế GTVT cho rằng, thực tế tỷ lệ tử vong do TNGT ở nước ta ở mức cao dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra. Theo đánh giá thì ai sẽ là người tiếp cận trước tiên với nạn nhân TNGT, đó là lái xe và những người dân sinh sống tại những cung đường. Những người này phải được đào tạo về kỹ năng sơ cấp cứu TNGT. Theo đề án của Bộ GTVT, trong năm 2016 sẽ phải đào tạo xong những đối tượng này để góp phần vào việc sơ cấp cứu TNGT ngay khi tai nạn xảy ra.

Đặng Nhật
.
.
.