Bất cập tiếp diễn ở các trạm thu phí: Lỗi ở nhà quản lý?

Thứ Năm, 20/04/2017, 08:37
Nguyên nhân nào dẫn đến việc người dân phản đối trạm thu phí. Việc giải quyết bức xúc của người dân tại trạm thu phí vì sao chậm trễ? Cơ quan nào phải chịu trách nhiệm? Làm thế nào để các dự án BOT trong tương lai không lặp lại các bất cập về trạm thu phí như hiện nay? 


Những câu hỏi trên đây là hàng loạt câu hỏi được đặt ra tại buổi tọa đàm “Giải pháp nào giải quyết bất cập về trạm thu phí” do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 19-4.

Nhà đầu tư BOT: “Dân phản ứng không phải lỗi của chúng tôi”

Là một trong những nhà đầu tư kỳ cựu vào các dự án BOT, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Tasco, khẳng định, quan điểm đầu tư BOT là rất đúng đắn và lợi ích mà nó mang lại là không thể phủ nhận. Thế nhưng, vì sao gần đây doanh nghiệp hoàn thiện đường nhưng thu phí lại khó khăn? Vì sao dân  chặn xe lại phản đối?

“Tôi thấy đây không hoàn toàn là lỗi của dân, cần phải làm rõ về mặt pháp luật”, ông Dũng nói và nêu vấn đề: Trước khi bắt tay vào dự án, chúng tôi đều xin ý kiến của Bộ GTVT. Sau đó, Bộ GTVT tiếp tục xin chỉ đạo từ Chính phủ, sau đó lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố liên quan. Sau khi có đầy đủ ý kiến, chúng tôi mới được cấp chứng nhận đầu tư. Do đó, nếu đổ lỗi và bảo nhà đầu tư sai thì không đúng, các đơn vị liên quan phải cùng nhau ngồi xem xét lại.

Giải đáp nào giải quyết bất cập về trạm thu phí? Ảnh: CTV.

Ông Dũng cũng cho rằng, việc cơ quan nhà nước can thiệp vào hợp đồng của nhà đầu tư là chưa đúng. Đó là lý do, 30 năm đổi mới, chưa một nhà đầu tư nước ngoài nào dám bỏ vốn vào các dự án đường giao thông của nước ta. Đến bây giờ, nếu giải quyết không có tình và có lý thì hậu quả rất lớn.

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch HĐQT Cienco 4 cho hay: “Chúng tôi khẳng định nhà đầu tư không có lỗi gì trong việc thực hiện trách nhiệm hợp đồng BOT, còn quyền lợi đến nay chắc chắn đang bị ảnh hưởng. Vậy, cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc này? Chúng ta phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Chúng ta đang áp dụng hình thức “thu phí hở” nên có bất cập là người đi đường dài, đường ngắn mà lại phải trả tiền như nhau. Nếu “thu phí kín” thì sẽ công bằng và chính xác hơn. Nhưng tổng hòa lại thì tôi nghĩ, hai hình thức thu phí cũng một 9 một 10. Cùng đó, nhà đầu tư mà giảm giá vé, kéo dài thời gian thì chúng tôi rất thiệt hại và nhiều rủi ro. Chúng tôi không kịp thời trả lãi cho ngân hàng, thời gian bảo trì tăng lên... Như vậy tổng hòa chi phí của dự án BOT lại tăng lên”.

“Tôi không đi đường BOT thì không được thu phí của tôi”

Không ủng hộ quan điểm của các nhà đầu tư, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Viêt Nam phản bác: “Hiện trạng người dân quây trạm, nối đuôi nhau gây ùn tắc giao thông là do trạm thu phí đặt chưa hợp lý. Còn nhà đầu tư anh giải thích thế nào thì giải thích, nhưng tôi không đi đường BOT thì không được thu phí của tôi. Hiện nay, các anh nói là đúng quy trình, nhưng tôi xin khẳng định cái gì cũng đúng hết, không dại gì các nhà đầu tư làm bậy. Nhưng quy trình của ta có vấn đề vì ta chưa đi đến tận nhà các hộ dân để lắng nghe, lấy ý kiến của họ. Sau này họ không đi đường mà vẫn yêu cầu họ nộp phí thì sao gọi là đúng được.

Trạm thu phí Bắc Thăng Long Nội Bài là 1 trong 3 trạm đặt ngoài phạm vi dự án.

Tôi đề nghị: Nếu chủ đầu tư lấy ý kiến từ địa phương thì phải lấy từ người dân, chứ lấy ý kiến của Chủ tịch, Phó Chủ tịch thì ai chẳng thích, chẳng đồng tình. Cùng đó, đừng đặt trạm ở đầu đường hay cuối đường, không nên đặt ở gần thị tứ, thị trấn, mà nên đặt ở giữa đoạn đường BOT”.

Là người hay đi qua các trạm thu phí BOT, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, TS Lưu Bình Nhưỡng cũng bày tỏ: “Một số trạm đặt chưa đúng vị trí nên nảy sinh bất cập. Khi làm, anh không tự mình giải thích những cái lợi cho dân thì người dân sẽ bức xúc. Nếu lấy ý kiến, cho bà con đề xuất thì đã khác.

Tôi là đại biểu Quốc hội và tôi hứa nếu sai thì tôi sẽ phản đối đến cùng. Cái gì lợi cho dân là làm. Sứ mệnh của chúng ta là làm sao có lợi cho dân, cho nhà nước. Tôi cho rằng, những bất cập ở trạm thu phí bắt đầu phải từ chính doanh nghiệp. Không phải vì doanh nghiệp làm sai pháp luật mà vì doanh nghiệp làm chưa kín kẽ”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

“Nước xa không cứu được lửa gần, địa phương mới là quan trọng”

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư, Bộ GTVT cho rằng “Nước xa không cứu được lửa gần, địa phương mới là quan trọng”.

Vị này nhấn mạnh: Phản ánh của người dân có lý nhưng cần sự chia sẻ chung. Người dân bị bất cập nhưng nhà đầu tư cũng bất cập. Do đó, nhà đầu tư và doanh nghiệp cần có sự chia sẻ với những khó khăn của đất nước. Không thể công bằng một cách tuyệt đối được.

Về việc chậm vào cuộc của các cơ quan chức năng đối với tình trạng người dân phản ứng tại trạm thu phí, ông Huy cho hay: Khi có thông tin về trạm thu phí Bến Thủy, chúng tôi cử ngay người vào làm việc. Chúng tôi rất chia sẻ với nhà đầu tư. Bộ GTVT không được bỏ rơi và không thể bỏ rơi nhà đầu tư. Bên cạnh đó cũng rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Nước xa không cứu được lửa gần. Bộ ở Hà Nội, còn địa phương ở đó mới là quan trọng.

Về bất cập trạm thu phí đặt ngoài vị trí dự án, ông Nguyễn Danh Huy cho biết thêm: Hiện có 3 trạm thu phí đặt ngoài phạm vi dự án, gồm: Trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) thu phí hoàn vốn cho đường tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), trạm ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa), thu phí QL5 hoàn vốn cho đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Về bất cập thì tùy mức độ nhưng đã thu phí thì đều có bất cập cả.

Về giải pháp lâu dài để giải quyết tình trạng bức xúc tại trạm thu phí hiện nay, ông Huy cho biết, Bộ GTVT sẽ cùng các bộ, ngành liên quan, nhà đầu tư, ngân hàng xây dựng một chính sách chung, theo hướng: Sẽ miễn giảm cho người dân xung quanh trạm thu phí theo khoảng cách và mức độ. Chẳng hạn, cách trạm thu phí bao nhiêu kilômét sẽ được miễn hoàn toàn, cách bao nhiêu kilômét sẽ được miễn 70%, 50% hay 20% trạm thu phí.

Đặng Nhật
.
.
.