Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh:

“Bắt bệnh” tài xế nghiện ma túy, bia rượu

Chủ Nhật, 05/07/2015, 08:04
Sau khi tài xế ngậm thiết bị trên từ 3-5 phút để nước bọt ngấm vào, thiết bị sẽ được đưa qua máy phân tích. Chỉ trong vòng 3 phút, máy sẽ phân tích được 6 thành phần của ma túy nên tài xế nghiện ma túy sẽ không thể chối cãi được.

Chỉ trong vòng 6 tháng TP Hồ Chí Minh xảy ra 23 vụ TNGT liên quan đến xe đầu kéo, trong đó vụ TNGT nghiêm trọng nhất xảy ra tại Thủ Đức khiến 5 người trong gia đình Việt kiều đi làm từ thiện tử vong. Đa phần nguyên nhân dẫn đến việc xe đầu kéo gây tai nạn nghiêm trọng là do tài xế sử dụng bia rượu, chất kích thích (ma túy). 

Trước tình hình này, Phòng CSGT ĐB – ĐS - CATP (PC67) đã phối hợp với các ban ngành khác mở đợt cao điểm xử lý các phương tiện vi phạm TTATGT. Một qui trình khép kín giữa các lực lượng cùng với các thiết bị kiểm tra nồng độ cồn, ma túy theo tiêu chuẩn quốc tế đã được đưa vào vận hành cho kết quả nhanh, thuận lợi trong việc xử lý vi phạm giao thông…

Đợt cao điểm kéo dài từ ngày 1/7 cho đến hết tháng 7 nhằm phòng ngừa và kéo giảm TNGT do các phương tiện vận chuyển quá tải, quá khổ, xe đầu kéo container trên các tuyến QL, các tuyến đường thường xuyên có phương tiện này lưu thông như xa lộ Hà Nội, đường Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Nguyễn Văn Linh… Phòng PC67 sẽ phối hợp với các đơn vị như CSCĐ, Cảnh sát hình sự, Công an phường, Thanh tra giao thông, TNXP, Kiểm soát quân sự và y tế, sử dụng các thiết bị hiện đại chuẩn quốc tế để kiểm tra xử phạt trong một qui trình khép kín. Các tổ chuyên đề này sẽ hoạt động xuyên đêm, bắt đầu từ 21h.

Để tài xế “tâm phục, khẩu phục”, Phòng PC67 đã trang bị nhiều thiết bị hiện đại như máy đo nồng độ cồn định tính (không cần sử dụng ống thở), máy đo nồng độ cồn định lượng (sử dụng ống thở), máy kiểm tra phát hiện nhanh tài xế dương tính với các loại ma túy.

Đêm 1/7, tại khu vực trạm thu phí cầu Phú Mỹ, phóng viên ghi nhận một cách làm mới, khép kín của các lực lượng phối hợp. Một làn thu phí được sử dụng cho việc lắp đặt, thiết kế hệ thống máy móc khép kín. Các phương tiện buộc dừng kiểm tra chủ yếu là xe đầu kéo, xe tải có kết cấu thùng sai qui định, quá tải trọng. Khi phát hiện ra CSGT cắm chốt kiểm tra, các tài xế thông báo cho nhau bằng điện thoại nên nhiều phương tiện đi phía sau đã nháy đèn tấp vào lề. Một tổ tuần tra được lệnh, tất cả các phương tiện “né” này phải được đưa vào khu vực kiểm tra.

Một tổ công tác hướng dẫn các phương tiện có dấu hiệu vi phạm vào khu vực kiểm tra, sau đó một tổ công tác khác tiến hành kiểm tra giấy tờ và đo nồng độ cồn định tính. Khi máy báo có dấu hiệu có nồng độ cồn trong hơi thở hoặc biểu hiện nghiện ma túy, tổ công tác sẽ chuyển tài xế đến một tổ khác sử dụng máy kiểm tra phát hiện ma túy nhanh.

“Thiết bị kiểm tra ma túy nhanh cho mỗi lần kiểm tra có giá khoảng 1,4 triệu đồng. Sau khi tài xế ngậm thiết bị trên từ 3-5 phút để nước bọt ngấm vào, thiết bị sẽ được đưa qua máy phân tích. Chỉ trong vòng 3 phút, máy sẽ phân tích được 6 thành phần của ma túy nên tài xế nghiện ma túy sẽ không thể chối cãi được. Mọi quy trình kiểm tra ma túy đều được giám sát bởi bác sỹ của bệnh viện Công an ngay tại hiện trường”. Trong vòng 3 giờ đồng hồ, phóng viên ghi nhận nhiều tài xế lần đầu tiên “được” sử dụng thiết bị này tỏ ra bối rối và e dè. Khi có kết quả không phát hiện ra ma túy, các tài xế đều thở phào…

Trong đêm 1/7, hơn 20 phương tiện và tài xế bị kiểm tra nhưng không phát hiện ra trường hợp tài xế sử dụng ma túy, nồng độ cồn vượt mức cho phép khi điều khiển phương tiện. Tổ liên ngành đã lập biên bản xử phạt một trường hợp xe chở hàng quá tải và ra quyết định tạm giữ xe.  

Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó Trưởng Phòng PC 67 cho biết: “Các thiết bị hiện đại theo chuẩn quốc tế này PC67 vừa được Bộ Công an cung cấp. Sau khi thí điểm cao điểm xử lý TTATGT bằng thiết bị hiện đại, mô hình này sẽ được đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn thành phố”. 

Mạnh Đức
.
.
.