Băn khoăn xung quanh đề xuất xây lại ga Hà Nội cao 40-70 tầng
Ngay sau khi Báo CAND thông tin về việc UBND Thành phố Hà Nội gửi văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan đối với Đồ án quy hoạch phân khu đô thị Khu vực ga Hà Nội và phụ cận, trong đó điểm nhấn công trình cao 200m (khoảng 70 tầng) dự kiến được xây dựng trong khu vực này, đã nhận được những ý kiến cả đồng tình và phản đối của người dân và các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, xây dựng…
Ông Nguyễn Hiếu, nhà ở phố Khâm Thiên cho biết, việc quy hoạch xây dựng lại ga Hà Nội và vùng lân cận là hợp lý.
“Tôi cũng đi nhiều nước, thấy đa phần ga đường sắt đều để ở trung tâm, là nơi kết nối nhiều loại hình vận tải, rất thuận lợi cho người dân. Chính vì vậy, khi biết đến quy hoạch ga trung tâm, lại là một quần thể sầm uất, tôi hy vọng việc quy hoạch này sớm trở thành hiện thực. Song với thông tin sẽ xây một số khu cao tầng gần nhà ga, tôi hơi băn khoăn về việc nhà cao quá có phá vỡ cảnh quan và ảnh hưởng đến các công trình văn hóa khác hay không. Điều này cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu rõ và công bố cho người dân biết”, ông Hiếu nói.
Vẫn còn những ý kiến trái chiều xung quanh kiến nghị xây dựng công trình cao tầng tại ga Hà Nội. Ảnh: Thế Anh |
Theo GS. TSKH Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, việc quy hoạch này của Hà Nội đã bám sát quy hoạch phát triển GTVT đường sắt mà Thủ tướng đã phê duyệt trước đó. Đồ án được đánh giá là hợp lý, các công trình đường sắt đúng với quy hoạch là ga trung tâm.
Sau này, người dân từ các tỉnh bên ngoài như Nam Định về Hà Nội có thể đi tàu, rồi đi đường sắt đô thị vào trung tâm mua sắm, hoặc từ Hải Phòng, Hải Dương… cũng có thể đi tàu về. Như thế sẽ giảm tải cho cả giao thông đường bộ. Việc cải tạo lại toàn bộ khu dân cư để cho không gian của Hà Nội văn minh và hiện đại hơn, có điểm nhấn hơn.
GS Lã Ngọc Khuê phân tích thêm: Việc xây nhiều nhà cao tầng, nhưng vẫn tái định cư tại chỗ nên sẽ không lo dân từ ngoài vào gây ùn tắc. Hiện nay, khu vực xung quanh hồ Linh Quang rất lụp xụp, nếu được cải tạo xây dựng quy mô thì sẽ là điểm nhấn, đời sống người dân sẽ được nâng lên. Nhắc đến vấn đề có ý kiến lo ngại công trình cao hơn 200m, nằm gần phía Văn Miếu nên dễ ảnh hưởng đến di tích Quốc gia, GS Lã Ngọc Khuê cho rằng, có thể điều chỉnh xây dựng về phía Khâm Thiên.
Về phía ngành Đường sắt, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đơn vị chưa nhận được văn bản xin ý kiến. Tuy nhiên, vị ông Hoạch cho biết không ngạc nhiên vì quy hoạch giao thông đã được Chính phủ phê duyệt. Việc xây ga Hà Nội thành ga trung tâm cũng là điều thuận theo sự phát triển. Còn những khu vực xung quanh muốn xây dựng gì thì phải dựa theo quy hoạch và trên tổng thể.
Trong khi đó, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc quy hoạch xây dựng công trình cao từ 40-70 tầng gần ga Hà Nội cần xem xét lại xem có lợi ích nhóm hay không. Bởi lẽ, Quy hoạch cũng cần phải làm rõ khu vực ga Hà Nội còn thiếu cái gì; hiện nay công viên, trường học, công trình văn hóa phục vụ đời sống nhân dân trong khu vực cần thiết hơn khu nhà cao như vậy.
Theo ông Liêm, thành phố phải dành quỹ đất ở khu vực này để tính toán sao cho đường Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng kết nối thông suốt với trục đường phía Tây. Còn việc tạo thuận lợi cho người dân, thì ai có nhu cầu đi phía Bắc có thể sang ga Gia Lâm, ai có nhu cầu đi phía Nam có thể xuống ga Ngọc Hồi, không nhất thiết phải tập trung hết vào trung tâm.
Ông Liêm cũng kiến nghị thành phố nên tập trung nguồn lực hoàn thiện hạ tầng đang bị “đắp chiếu” ở các khu vực như Mỹ Đình, Hà Đông, Hoàng Mai và Bắc Nam quận Từ Liêm, hơn là cứ lao vào đầu tư xây dựng các khu đất “vàng” nội thành. “UBND TP Hà Nội phải tỉnh táo trong việc này, không nên chỉ nghĩ đến lợi ích của doanh nghiệp bất động sản mà quên mất lợi ích của nhân dân”, ông Liêm nói.
Gần đây, trong lần trả lời báo chí về đề xuất di dời ga Hà Nội ra khỏi nội đô, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, về vị trí ga Hà Nội và tổ chức giao thông tại đây đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, đã được phê duyệt. Đối với đường sắt khu vực Hà Nội, hiện đã có nhiều quy hoạch như: Chiến lược phát triển đường sắt quốc gia, Quy hoạch phát triển đường sắt quốc gia, Quy hoạch đường sắt đầu mối Hà Nội… Các quy hoạch này là kết quả nghiên cứu nhiều năm, có cả tư vấn trong và ngoài nước.
“Các quy hoạch đều xác định sẽ có tuyến đường sắt vành đai, có tuyến đường sắt quốc gia xuyên tâm (Yên Viên - Gia Lâm - Hà Nội - đi vào phía Nam). Với các tuyến này, có thể kết nối tàu khách liên vận quốc tế từ Đồng Đăng về tận ga Hà Nội. Hơn nữa, tàu tốc độ cao sau này cũng vào trung tâm ga Hà Nội, giống như tàu TGV của Pháp vào ga trung tâm Paris, như tàu Shinkansen vào Tokyo”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Về tổ chức giao thông, đối với tuyến xuyên tâm, chức năng chủ yếu là vận tải khách. Chính vì vậy, trong quy hoạch tổng thể đã kết hợp đường sắt quốc gia với đường sắt đô thị trên trục này. Từ ga Hà Nội có thể đi tất cả các hướng phía Bắc và phía Nam, thậm chí cả kết nối vận tải liên vận quốc tế. Ga Hà Nội được xác định là ga trung tâm, các tuyến khác sẽ kết nối vào đây để giải tỏa khách hoặc cung cấp khách.
Trước đó, ngày 8-8, tại Hội nghị sơ kết công tác an toàn giao thông 7 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn Hà Nội đã có ý kiến đề xuất di dời ga Hà Nội ra khỏi nội đô. Theo Thiếu tướng Phạm Xuân Bình, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, hiện thành phố có khoảng 10km đường sắt liên tỉnh đi xuyên tâm, với rất nhiều đường ngang giao cắt. Đặc biệt, trên thế giới chỉ còn Hà Nội và 5 thành phố khác là còn đường sắt liên tỉnh trong nội thành; vừa nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự, an toàn giao thông. Vì vậy, ông Bình kiến nghị UBND thành phố và các cơ quan chức năng Trung ương xem xét, di dời ga Hà Nội ra khỏi khu vực trung tâm thành phố nhằm xoá bỏ hẳn đường sắt liên tỉnh trong khu vực nội thành. Ngay sau đó, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, đường sắt trên toàn thế giới đều thể hiện 2 ưu việt đó là tính an toàn và nằm trong nội đô để đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân. Theo ông Minh, một đoàn tàu có thể chuyên chở được từ 700-1.000 hành khách, thay vì vận chuyển như hiện nay thì vài trăm phương tiện khác đi vào sẽ vẫn gây áp lực lên giao thông nội đô. Do vậy, phải xem xét kỹ việc di chuyển đường sắt ra ngoại thành. Ông Minh đưa ra giải pháp có thể nghiên cứu phương án cho đường sắt đi ngầm hoặc đi trên cao chứ không thể di chuyển đường sắt quốc gia ra ngoài trung tâm, trong khi nhu cầu đi lại của người dân rất lớn. |