Băn khoăn với phương án sân bay Long Thành

Chủ Nhật, 22/03/2015, 09:14
Ngày 21/3, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý TP Hồ Chí Minh (Hascon) đã tổ chức hội thảo khoa học “Xây mới sân bay Long Thành hay nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất”.

Hội thảo đã thu hút được đông đảo đại diện các tổ chức, nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực hàng không và những người quan tâm đến lĩnh vực này cùng tham gia.

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không của Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh đã nêu ra các luận điểm về thực trạng đường băng cất hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất chưa được khai thác hết năng suất. Trên thế giới hiện còn rất nhiều sân bay lớn nằm trong trung tâm thành phố và đưa ra con số cụ thể về khoảng cách từ sân bay đến trung tâm thành phố của 100 sân bay đông khách nhất thế giới.

Đồng thời chứng minh rằng sân bay Tân Sơn Nhất hiện mới chỉ có công suất 30 triệu khách/năm là chưa quá tải và có khả năng tăng công suất lên từ 60 – 100 triệu hành khách/năm. Từ đó PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đặt vấn đề không nên “khai tử” sân bay Tân Sơn Nhất để xây dựng sân bay Long Thành.

Nhiều chuyên gia khẳng định sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chưa được khai thác hết công suất. Ảnh: NLĐ.

Cùng quan điểm này, thạc sỹ Nguyễn Phụng Tâm, Kỹ sư trưởng hàng không hãng Emirates, sân bay Kennedy, New York (Hoa Kỳ) cũng chứng minh khả năng chưa được khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất bằng cách so sánh các thông số về hành khách, chiều dài và số lượng đường băng cất hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất và các sân bay tương tự trong khu vực cũng như trên thế giới.

Từ kết quả so sánh về khoảng cách từ các sân bay vào trung tâm những thành phố lớn, kỹ sư Nguyễn Phụng Tâm cũng cho rằng sân bay Long Thành sẽ bất lợi do vị trí quá xa trung tâm.

Tại hội thảo, TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch hội Hascon cũng nêu ra một loạt nội dung về khoảng cách giữa 2 đường băng song song của sân bay Tân Sơn Nhất so với Nội Bài. Từ số liệu khảo sát, so sánh về năng lực lưu thông và lưu lượng hành khách từ sân bay Tân Sơn Nhất đổ ra hướng chính là đường Trường Sơn, TS Phúc cho rằng, với công suất 56 triệu hành khách/năm, sân bay Tân Sơn Nhất không ảnh hưởng nhiều đến hệ thống giao thông tiếp cận.

Nếu được đầu tư khai thác tốt, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ phát huy tối đa công suất.

Và sau khi dùng các dữ liệu để chứng minh việc có thể nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất lên 80 triệu hành khách/năm với kinh phí đầu tư khoảng 3 tỷ USD, TS Phúc cũng nêu ra 7 lý do chưa nên vội xây dựng sân bay Long Thành.

Băn khoăn trước kết quả khai thác của sân bay quốc tế Cần Thơ những năm qua, TS Trương Thị Minh Sâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ cho rằng, cần nhìn sân bay quốc tế Cần Thơ để rút kinh nghiệm cho sân bay quốc tế Long Thành khi sau 4 năm đưa vào khai thác, mỗi năm sân bay này chỉ có chưa đầy 300 ngàn lượt hành khách đi lại.

TSKH Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP Hồ Chí Minh cũng nêu ra một loạt nội dung về số lượng hành khách, về giải pháp huy động vốn xây dựng. Nhất là về chi phí đầu tư khi số tiền đầu tư xây dựng của các nước trong khu vực chỉ có 81 USD/hành khách trong lúc chi phí xây dựng sân bay Long Thành lên tới 187 USD/khách.

Ngoài ra, các nhà khoa học, chuyên gia tham dự cũng đã đề cập đến nhiều nội dung liên quan như xây dựng sân bay Long Thành trong thực trạng kinh tế xã hội, tương quan của ngành hàng không trong nước và hàng không quốc tế; sân bay Tân Sơn Nhất và câu chuyện tắc nghẽn bầu trời, chồng lấn vùng trời và khu vực cấm bay của TP Hồ Chí Minh; đánh giá dự án sân bay quốc tế Long Thành trên phương diện kinh tế, kỹ thuật và xã hội…

Đ.Thắng
.
.
.