Xử phạt nghiêm, giữ vững “thương hiệu” Nghị định 100
Trót uống bia, mất hàng chục triệu đồng
Uống 20 cốc bia, thổi máy đo nồng độ cồn cho kết quả lên đến 1,03mg/l, một người đàn ông tên Nguyễn Hoàng H tại Hà Nội đã bị lực lượng CSGT, Công an TP Hà Nội khi làm nhiệm vụ tại ngã tư Xuân Thủy- Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy lập biên bản và xử phạt với mức 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng theo Nghị định 100. Lúc bị xử phạt, anh ta chỉ còn nhớ là đã uống đến… 20 cốc bia sau giờ làm việc và đang lái xe đưa sếp về nhà.
Ban đầu, khi được yêu cầu xuống xe kiểm tra nồng độ cồn, người đàn ông này đã lấy nhiều lý do để từ chối mặc dù mặt rất đỏ và hơi thở nồng mùi bia rượu. Tuy nhiên, sau khi được Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội thuyết phục, anh này đã xuống xe và mức phạt 35 triệu đồng có lẽ khiến anh ta… tỉnh rượu luôn.
Gương mặt đỏ bừng, hơi thở phả ra mùi bia, đôi mắt còn lờ đờ chưa tỉnh hẳn, giày dép xộc xệch - đó là tình trạng của lái xe máy anh Nguyễn Văn Phong, SN 1981, trú tại Ba Vì, Hà Nội, khi bị lực lượng CSGT thuộc Đội CSGT số 14, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, kiểm tra tại chốt giao thông Nguyễn Hữu Thọ-Nguyễn Xiển. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn của Nguyễn Văn Phong là 0,322mg/l.
Thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được giấy phép lái xe và đăng ký xe. Lực lượng CSGT đã lập biên bản xử phạt lái xe Nguyễn Văn Phong 4,5 triệu đồng về vi phạm nồng độ cồn và tạm giữ 1 xe máy. Nghe thấy mức phạt, Nguyễn Văn Phong rầu rĩ: “Thưởng Tết có được bao nhiêu mà chỉ vì mấy cốc bia, em mất hết tiền thưởng”.
CSGT lập biên bản xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn. |
Trên đây chỉ là 2 trong hàng trăm vụ việc các lái xe vi phạm về nồng độ cồn bị lực lượng CSGT xử phạt hàng ngày trên phạm vi cả nước. Nếu không được xử lý và ngăn chặn kịp thời, không ai có thể chắc chắn rằng, các lái xe vi phạm nồng độ cồn trên đây sẽ điều khiển xe an toàn suốt cả quá trình di chuyển khi mang trong mình hơi men như vậy. Nếu có vụ việc về giao thông xảy ra, chắc chắn hậu quả là khôn lường.
Tai nạn giao thông giảm sâu nhất trong thập kỷ vừa qua
Trong những ngày trước và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, cùng với nhiều nhiệm vụ công tác khác, các đội CSGT thuộc Phòng CSGT, Công an Hà Nội vẫn tổ chức các tổ công tác phối hợp với lực lượng Công an các quận, huyện tiến hành kiểm tra, xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn.
Thiếu tá Phùng Đức Hà, cán bộ Đội CSGT số 14, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội chia sẻ với chúng tôi, sau 1 năm Nghị định 100 có hiệu lực thi hành, ý thức người tham gia giao thông đã được nâng cao hơn một cách rõ rệt. Cuối năm là thời điểm các cuộc liên hoan, tổng kết hay diễn ra, đi kèm là hoạt động uống bia, rượu.
Để đảm bảo ATGT, Đội CSGT số 14 duy trì 2 tổ công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn. Nhờ ý thức của người dân đã được nâng cao hơn nên trung bình mỗi ngày mỗi tổ chỉ xử lý khoảng 2 đến 3 trường hợp. Còn Đại úy Lê Văn Chiển, Phó Đội trưởng Đội tuần tra đường bộ cao tốc số 3, Phòng Hướng dẫn tuần tra đường bộ cao tốc, Cục CSGT, Bộ Công an, làm nhiệm vụ tại ngã tư Pháp Vân - Cầu Giẽ thì cho biết, từ đầu năm đến nay, tổ công tác vẫn tiến hành kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm về chất kích thích, trong đó có nồng độ cồn và ma túy. Với các biện pháp tăng cường về công tác tuyên truyền cũng như tăng chế tài xử phạt hiện nay, qua theo dõi cho thấy ý thức của người dân đã được nâng cao.
Giờ đây, tại các bữa tiệc, những câu nói “Lái xe đấy, đừng uống rượu bia”, “Uống bia rượu rồi đi taxi về thôi cho an toàn” trở nên quen thuộc cho thấy sự thay đổi trong nhận thức của người lái xe. Từ chỗ bị xử phạt nặng, người lái xe đã quan tâm và ý thức hơn đến vấn đề đảm bảo an toàn cho tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông.
Trong 1 năm vừa qua, có những thời điểm, trung bình mỗi ngày, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã xử lý khoảng 500 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, bên cạnh những lái xe chấp hành nghiêm quy định “đã lái xe không uống rượu, bia”, lực lượng CSGT cũng đã xử lý nhiều lái xe vi phạm nồng độ cồn.
Theo Cục CSGT, Bộ Công an, chỉ tính riêng trong ngày 12/2 (tức mùng 1 Tết), lực lượng CSGTđường bộ đã phát hiện, xử lý lập biên bản 1.764 trường hợp vi phạm; trong đó, phát hiện xử lý 178 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 3 trường hợp sử dụng ma túy. Lái xe vi phạm nồng độ cồn đã được ngăn chặn và xử lý nghiêm, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc.
Có thể nói, cùng với sự quyết liệt của các cơ quan chức năng, Nghị định 100 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tình hình TTATGT. Những hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT như vi phạm về nồng độ cồn, ma túy… được nâng cao mức xử phạt. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia khẳng định, Nghị định 100 là một trong những động lực cực kỳ quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu kéo giảm TNGT với số người chết giảm trên 12%, số người bị thương giảm 21%. Thương vong do TNGTgiảm sâu nhất trong thập kỷ vừa qua.
Còn theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSGT đã và đang tiếp tục tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo Nghị định 100, trong đó tập trung xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy. Đây được xác định là nguyên nhân đe dọa đến ATGT và có thể dẫn tới các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng.
Thời gian tới, Cục CSGT tiếp tục chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý vi phạm giao thông trong đó tập trung kiểm soát, xử lý mạnh các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGTnhư điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy, chạy quá tốc độ, giữ vững “thương hiệu” Nghị định 100 đảm bảo an toàn cho người dân mỗi khi ra đường.
Những con số trên đây chính là những kết quả cụ thể nhất, rõ nét nhất minh chứng cho hiệu quả của việc thực hiện Nghị định 100. Kết quả này còn do sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công cuộc chung tay kéo giảm TNGT, đảm bảo TTATGT, sức khỏe và tính mạng cho người tham gia giao thông.
Thượng tá Tô Ngọc Dũng, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Lạng Sơn: Ngoài tăng cường phối hợp tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100, chúng tôi vừa xử lý để tạo tính răn đe. Về phía cơ quan thực thi pháp luật, tôi cho rằng, qua 1 năm thực hiện Nghị định 100, đã có hiệu quả tác động tích cực đến xã hội, đặc biệt với địa bàn Lạng Sơn. Mức phạt đối với người sử dụng rượu bia điều khiển ôtô, xe máy rất cao, đã mang lại hiệu quả thiết thực bước đầu. Tỷ lệ vi phạm có giảm so với trước, tuy nhiên ở một góc độ nào đó, cần phải có thời gian để có sự chuyển biến dần đối với địa bàn miền núi như tỉnh Lạng Sơn. |