Bài cuối: Thành phố ngầm tương lai
>> TP HCM: Những công trình dưới lòng đất
Gói thầu số 1A xây dựng nhà ga Bến Thành đến nhà ga Nhà hát TP. Gói thầu số 1B xây dựng đoạn ngầm từ Nhà hát TP đến nhà ga Ba Son. Gói thầu số 2 xây dựng 17,1km Metro trên cao từ nhà ga Ba Son đến Suối Tiên. Gói thầu số 3 thiết kế xây dựng lắp đặt đầu máy toa xe. Gói thầu số 4 lắp đặt hệ thống công nghệ thông tin cho văn phòng công ty vận hành và bảo dưỡng.
Trước tiên, sự khác biệt hoàn toàn của nhà ga ngầm nằm dưới đất 3m với các nhà ga trên mặt đất nằm ở chỗ: các ga thông thường, ta có thể xác định ngay chiều đến và chiều đi của tàu. Nhưng với ga ngầm Metro, hành khách phải chọn tầng hai hoặc tầng bốn để biết chiều đi và chiều về trung tâm TP.
Mô hình mặt cắt nhà ga ngầm Metro 01. |
Theo thiết kế, gói thầu 1B thi công hai nhà ga ngầm Nhà hát TP và nhà ga Ba Son sẽ được thi công đào hở, có độ sâu 40m thi công theo phương pháp top-down (thi công tường vây và cọc chống trước, sau đó đào đất và thi công các sàn từ trên xuống) nhằm giảm thiểu rủi ro lún sụt.
Ga ngầm Nhà hát TP được thiết kế dài 190m, rộng 26m, gồm bốn tầng. Tầng 1 tập trung các trang thiết bị phục vụ hành khách như sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động, nhà vệ sinh, phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách. Tầng 2 là sân ga, nơi có tàu dừng, đỗ để đón trả khách.
Tầng 3 là tầng trang thiết bị cho nhân viên ga, trung tâm kiểm soát thảm họa, khu vực nghỉ ngơi và các phòng thiết bị điện, máy điều hòa không khí và hệ thống thông gió, phòng cơ điện, hệ thống bơm nước thải, các ống thông gió của nhà ga. Tầng 4 là sân ga, nơi tàu dừng, đỗ để đón trả khách.
Hệ thống đường Metro ngầm nối kết các nhà ga ngầm sẽ hình thành nên những trung tâm thương mại, phố mua sắm dưới lòng đất sâu 30 - 40m hiện đang nằm trong thiết kế và là kế hoạch trong mơ của người dân và du khách.
Một viễn cảnh không xa của TP Hồ Chí Minh khi tuyến Metro đầu tiên đưa vào hoạt động, các trung tâm mua sắm ngầm dưới lòng đất cũng sẽ hoạt động, phát triển. Với chiều dài 20km của Metro 1, có 3/14 nhà ga thiết kế ngầm thuộc khu vực trung tâm TP, trong đó quy mô lớn nhất là không gian ngầm nhà ga trung tâm Bến Thành, là nơi đón nhận 4 tuyến Metro đổ về trung tâm và là nơi có trung tâm mua sắm thương mại, nằm sâu dưới 40 mét dưới đường Lê Lợi.
Khu vực mua sắm nằm trên đoạn kết nối giữa nhà ga Trung tâm Bến Thành và nhà ga Nhà hát Thành phố, có diện tích khoảng 25.500m², phần ở giữa tầng hầm là lối đi công cộng và phố đi bộ có diện tích hơn 22.120m². Nếu tính cả khu nhà ga trung tâm thì tổng diện tích ngầm ở khu vực này khoảng 45.000m².
Các trung tâm thương mại, mua sắm ngầm dưới đất tại nhiều quốc gia trên thế giới là chuyện bình thường. Tại sân bay quốc tế Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất), đã có lần tôi suýt trễ chuyến bay vì mải mê ngắm hàng hóa bán dưới tầng ngầm. Còn ở Qatar - Trung Đông ai đặt chân đến cũng không bỏ lỡ dịp tham quan khu đại trung tâm mua sắm Villaggio Mall nằm ở phía Tây thủ đô Doha. Khu chợ này có lối kiến trúc rất độc đáo, đó là trên trần nhà được vẽ cảnh trời xanh biếc, mây trắng lững lờ trôi như trên trần các khu Casino.
Hiệu ứng ánh sáng đèn, khiến người đi mua sắm quên cả thời gian, cứ ngỡ mình đang đi dưới “bầu trời xanh” mát mẻ, dù bên ngoài là nắng nóng và gió sa mạc. Hay tại Singapore, tập đoàn Keppel Land đầu tư vào khu mua sắm Marina Bay Link Mall rộng 18.000m² ngầm dưới chân dự án Marina Bay Financial Center, nơi kết nối với hệ thống giao thông ngầm rộng khắp đảo quốc này.
Dự án trung tâm mua sắm ngầm đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh là tòa nhà Vincom Đồng Khởi cao 26 tầng, nằm tại góc đường Lê Thánh Tôn - Đồng Khởi - Lý Tự Trọng, là một tổ hợp gồm trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn và căn hộ cao cấp, có 6 tầng hầm với diện tích hơn 7.000m². Bên cạnh còn có khu mua sắm ngầm dưới đất tòa nhà Union Square, khu tứ giác Eden với 6 tầng hầm và 9 tầng nổi. Tòa nhà này đã được thiết kế sẵn cửa nối ra nhà ga Nhà hát TP đang xây dựng, kết nối với Quảng trường đi bộ rất liên hoàn.
Dân số gia tăng cơ học, đất đai đang dần khan hiếm, thu hẹp trong quá trình đô thị hóa đã làm nảy sinh nhu cầu khai thác không gian ngầm như một quy luật tất yếu. Tuy việc chi phí đầu tư cho các trung tâm thương mại ngầm cao hơn nhiều so với việc xây nổi bên trên, nhưng đang là xu hướng phát triển tất yếu nên vẫn được các nhà đầu tư quan tâm.
Thói quen mua sắm của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ không chỉ tìm đến các trung tâm mua sắm hàng hiệu, hàng chất lượng cao, hàng sang mà còn là xu hướng tìm đến những khu chợ, trung tâm mua sắm hiện đại để xem phim, trò chơi giải trí, ăn uống, Spa… sau một tuần hay một ngày, một chuyến đi làm ăn xa, mệt nhọc, căng thẳng.
Theo ông Lê Quốc Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh - CII, việc xây dựng trung tâm thương mại trong lòng đất gắn liền với nhà ga Metro ở trung tâm TP Hồ Chí Minh sẽ tạo điều kiện hấp dẫn hành khách đi Metro và đi mua sắm.
Quy mô đầu tư khoảng 7.000 tỉ đồng xây dựng trung tâm thương mại là số vốn khá lớn. Hiện nay Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) cùng hợp tác với Samco để nghiên cứu phát triển những dự án xung quanh ga Suối Tiên, có đoạn đi ngầm dài 2,6km. Các trung tâm mua sắm sẽ làm thỏa mãn người dân, du khách khi đến đây có thể tìm thấy bất cứ loại hàng hóa nào phù hợp.
Ngoài những công trình ngầm quy mô, TP Hồ Chí Minh hiện đã hoàn thành trung tâm điều khiển hiện đại và tiện nghi nằm ngầm ngay dưới lòng đất Quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ. Trung tâm điều khiển bắt đầu thử nghiệm mọi hoạt động của tuyến phố với hàng chục camera an ninh giám sát chặt chẽ, là nơi điều khiển nhạc nước điện tử, hệ thống chiếu sáng, tín hiệu phát âm thanh của đèn giao thông… và nhiều dự án ngầm các bãi giữ xe công viên Lê Văn Tám, Tao Đàn, Hoa Lư…