Cần lộ trình phù hợp trong hạn chế phương tiện cá nhân

Bài 2: Thu phí phương tiện vào nội đô có giảm được ùn tắc?

Thứ Ba, 19/03/2019, 10:04
Ngoài giải pháp cấm xe máy, thì theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, trong năm 2019. Đề án thu phí phương tiện ra vào nội đô để giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm sẽ được đơn vị này trình lên HĐND TP Hà Nội. Nếu được thông qua, Đề án sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. 

Theo đó, đối tượng thu phí Đề án đề cập đến là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đi vào vùng hạn chế phương tiện. Phạm vi thu phí là theo khu vực, tuyến đường các quận nội thành cần hạn chế phân vùng hoạt động của phương tiện…

Thu phí vào nội đô không phải tăng thu ngân sách     

Theo thống kê, giai đoạn 2011-2016, trên địa bàn thành phố có trên 5 triệu xe máy, gần 500 nghìn ôtô (chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông). Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2016 của ôtô là 10,2%/năm, của xe máy là 6,7%/năm. 

Chỉ tính đồng thời 60% số phương tiện cùng hoạt động đã chiếm dụng vượt 1,34 lần so với năng lực của hệ thống đường đô thị (trong khu vực trung tâm là 3,72 lần). 

Dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay của ôtô và xe máy, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có hơn 843.000 ôtô, hơn 6 triệu môtô, xe gắn máy; đến năm 2030 số ôtô là hơn 1,9 triệu, xe máy là hơn 7,5 triệu (hiện nay là 5 triệu xe máy, 500.000 ôtô).

Dòng phương tiện lấn làn buýt nhanh BTR trên đường Lê Văn Lương.

Hà Nội tiến hành thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn là một trong những biện pháp kinh tế để kéo giảm ùn tắc và đảm bảo môi trường, có lộ trình thực hiện từ năm 2017-2020. Thế nhưng, cũng theo lý giải của đơn vị đang chủ trì xây dựng Đề án là Sở GTVT Hà Nội thì mục tiêu thu phí phương tiện vào nội đô không phải tăng thu ngân sách. 

Theo Giám đốc Sở GTVT, đây là biện pháp để người dân lựa chọn đường đi hợp lý, kéo giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường... Ngoài ra, việc thu phí phương tiện vào nội đô cũng nhằm góp phần phát triển vận tải công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân và điều chỉnh thói quen tham gia giao thông của người dân. Hà Nội định hướng thu phí phương tiện vào nội đô từ đường Vành đai 3. 

Với đề án này, ông Thanh Bình (65 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đồng ý với việc đưa ra các biện pháp để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên, thu phí vào nội thành là cách làm không thích hợp, sẽ tạo thêm nhiều chốt chặn, nhiều nút thắt cục bộ. Hằng ngày, người dân ra vào thành phố để làm ăn, buôn bán, nếu bị thu phí vào nội thành có thể dẫn đến việc bỏ thêm một đồng phí thì người ta sẽ tìm cách thu thêm hai đồng lợi, dẫn đến nhiều hệ lụy”.

Phải xác định chỗ nào là điểm ùn tắc thì mới thu phí    

Đồng quan điểm, một số chuyên gia giao thông cho rằng, Hà Nội phải xác định được nơi ùn tắc thì mới thu phí được. Ngoài ra, sẽ thu phí bằng cách nào, nếu theo kiểu không dừng thì phải lập trạm. 

Cụ thể, theo TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn cao cấp dự án JICA (Nhật Bản) cho biết: “Việc thu phí phương tiện vào các điểm ùn tắc giao thông có khía cạnh riêng của nó. Trên thế giới người ta đã áp dụng phương án thu phí này rồi”. 

“Tuy nhiên, không phải cứ thế giới dùng được là chúng ta dùng được. Để đưa ra một đề xuất thì sở GTVT phải nhìn nhận một cách tổng thể, toàn diện nhất trong đó có các mặt về thể chế, kinh tế, tài chính, kỹ thuật, môi trường, xã hội. Do đó, đề xuất của Hà Nội nảy sinh ra hàng loạt vấn đề”, TS Đức nói. 

Theo TS Đức, phải sửa luật mới áp dụng thu phí được. Ngoài ra, Hà Nội phải xác định chỗ nào là điểm ùn tắc thì mới thu phí, nhưng ùn tắc giao thông ít khi xuất hiện cả ngày, chỉ ùn tắc trong một thời gian nhất định. 

“Đấy là chưa kể hôm nay, ở ngã tư này ùn tắc nhưng ngày mai lại ùn tắc ngã ba khác, các điểm ùn tắc không cố định tại một điểm thì làm thế nào để Hà Nội xác định được vị trí ùn tắc mà thu phí. Có một điều là, ùn tắc đâu phải lỗi của người dân mà có cả lỗi của đơn vị quy hoạch, quản lý nữa chứ. Một đoạn đường hẹp phải gồng gánh tới hàng chục tòa nhà chung cư thì tắc đường là chuyện hiển nhiên”, TS Đức nhìn nhận.

Đứng ở góc nhìn của những người từng hoạt động trong lĩnh vực vận tải lâu năm, ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội - cho rằng, đây là cách làm được nhiều nước áp dụng và thành công, song để thành công thì Hà Nội cần phải quyết tâm giải quyết vấn đề về công nghệ thông tin, vấn đề đồng bộ giữa hệ thống ngành giao thông với ngành ngân hàng... 

Tiền thu từ phí chống ùn tắc sẽ được đầu tư ngược lại vào hạ tầng, điều tiết giao thông. Để thu phí được phương tiện vào nội đô, ông Liên cho rằng UBND TP Hà Nội sẽ phải thực hiện các vấn đề về hạ tầng. Hà Nội phải đầu tư, nâng cấp về hạ tầng để cho đảm bảo trật tự, cho người dân được thừa hưởng dịch vụ tốt hơn. Khi đó, dù phải bỏ thêm tiền, người dân cũng chấp nhận. 

Đặc biệt, không thể lập các trạm thu được mà phải áp dụng công nghệ thông tin. Có nghĩa là xe đi qua phải thu phí nhưng không thể dừng xe lại thu được sẽ gây ùn tắc. Tất cả phải tự động.

Theo quan điểm của Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, việc thu phí vào nội đô là cần thiết, góp phần giảm ùn tắc giao thông trong vùng lõi Thủ đô. 

Thế nhưng, Trung tá Hùng cũng vẫn băn khoăn: “Việc thu phí cụ thể theo mức nào, các cơ quan chức năng có thể căn cứ vào quy định về phí, lệ phí mà HĐND TP Hà Nội đã ban hành. Khi triển khai việc thu phí, ngành chức năng cần tính toán cách thức tổ chức thu phí hợp lý, khoa học để vừa thuận tiện cho người tham gia giao thông, vừa không làm ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân”.

Phạm Huyền
.
.
.