Bệnh viện Việt Đức ngày Tết: TNGT chiếm gần nửa ca cấp cứu

Thứ Sáu, 08/02/2019, 19:36
Theo ghi nhận của phóng viên Báo CAND vào sáng mùng 4 Tết tại Bệnh viện Việt Đức, điều đáng mừng là năm nay không có ca TNGT đặc biệt nghiêm trọng hoặc tai nạn hàng loạt vào cấp cứu.     


TNGT chiếm 45% tổng số ca vào cấp cứu

Sáng mùng 4 Tết, tại khu vực khám cấp cứu của Bệnh viện Việt Đức, các y bác sỹ luôn bận rộn bởi lượng bệnh nhân nhập viện đông. Người bệnh vào cấp cứu có đủ loại, từ TNGT đến tai nạn do bất cẩn trong sinh hoạt ngày Tết. 

Bà Nguyễn Thị Hoa (Nam Định) đưa con gái bị TNGT tới bệnh viện thở phào cho biết: “May quá, cháu chỉ bị gãy xương đòn, đầu không vấn đề gì”. Con gái bà năm nay 20 tuổi, mùng 2 Tết đèo em gái hơn 10 tuổi trên xe máy, do tránh ô tô lúc sang đường đã va vào một xe máy khác nên bị thương. Người em gái chỉ bị xây xát nhẹ, chị thì gãy xương đòn. 

Không được may mắn như con gái bà Hoa, trong 1 giờ ở tại khu vực khám cấp cứu, chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp bị TNGT khá thương tâm. Một bệnh nhân nam từ Thái Bình được xe cấp cứu chuyển lên trong tình trạng bất tỉnh, bộ quần áo lấm lem máu. Gia đình cho biết do chạy xe máy tốc độ cao nên người thanh niên này đã va vào một xe máy đi ngược chiều. Tại đây chúng tôi bắt gặp tiếng khóc thút thít của người nhà khi chứng kiến người thân của mình bệnh chuyển biến nặng.

Tại Phòng cấp cứu , những ánh mắt lo lắng đượm buồn của người nhà bệnh nhân đang chăm sóc người thân. Phòng có 8 máy thở cấp cứu bệnh nhân nặng thì cả 8 máy đều sử dụng hết công suất. Chị Hoa, người nhà một bệnh nhân cho biết, chồng chị phải thở máy từ ngày mùng 1 Tết tới nay mà vẫn chưa thấy tiến triển. Trong phòng có nhiều bác sĩ, y tá túc trực để xử lý bất kể tình huống nào xảy ra. Đây đều là những ca nặng, được theo dõi đặc biệt nghiêm ngặt.

Bệnh nhân nặng phải thở máy ở Bệnh viện Việt Đức mùng 4 Tết

Ths.BS Phạm Gia Anh, Phó trưởng Khoa Ung bướu, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Trưởng ca trực cấp cứu Bệnh viện Việt Đức ngày mùng 4 Tết cho biết, trung bình một ngày có từ 150 -170 ca khám cấp cứu, ngày mùng 1 và 2 Tết lượng người vào khám cấp cứu giảm so với những năm trước. 

Bệnh nhân bị TNGT vào cấp cứu chiếm khoảng 45% trên tổng số ca khám cấp cứu. Từ ngày 30 Tết đến mùng 3 Tết có 524 ca vào cấp cứu, trong đó có 252 ca TNGT, 40 ca nồng độ cồn dương tính, 113 ca mổ cấp cứu lớn. Từ 30 Tết đến mùng 4 Tết không có ca TNGT đặc biệt nghiêm trọng, tai nạn hàng loạt vào cấp cứu.

Cấp cứu bệnh nhân một cách tốt nhất

Theo Ths.BS Phạm Gia An, không chỉ TNGT mà ngày Tết các ca tai nạn thương tích trong sinh hoạt vào cấp cứu chiếm từ 15-20%, có ngày lên tới 30%/tổng số các ca khám cấp cứu. Ngày mùng 3 Tết nam thanh niên 17 tuổi ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội) được gia đình đưa vào viện trong tình trạng mất máu nghiêm trọng, 2 tay bị đứt. Sau khi thăm khám, bệnh nhân được đưa vào điều trị đặc biệt. Nguyên nhân khiến bệnh nhân bị thương nặng là trong quá trình sử dụng bếp gas, bình gas phát nổ dẫn tới mất cả 2 tay. 

Những ca tai nạn thương tích vào cấp cứu chủ yếu là tự ngã, đánh nhau, va chạm. Có những ca tai nạn hết sức hy hữu, chỉ vì những nguyên nhân không đáng mà mất tay, chân hoặc chấn thương sọ não. 

Theo thống kê tại Bệnh viện Việt Đức, từ 26 đến 30 Tết, lượng bệnh nhân mổ cấp cứu gần 37-38 ca/ngày, cá biệt có ngày lên tới 39 ca, tăng 150% so với ngày thường, trong đó có nhiều ca bị chấn thương sọ não do TNGT. Bệnh nhân khám cấp cứu và nhập viện đông nhất vào cuối buổi sáng, cuối giờ chiều và 23h, chủ yếu ở Hà Nội sau khi ăn uống hoặc các bệnh nhân tuyến dưới chuyển lên.

Bệnh viện phân công ứng trực cấp cứu cho bệnh nhân nặng ngày mùng 4 Tết

Với lượng bệnh nhân nhập viện đông, để cấp cứu và điều trị cho người bệnh một cách tốt nhất trong 9 ngày Tết, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh viện đã chuẩn bị về mặt cơ sở vật chất, trong đó đã tổ chức hiến máu tại bệnh viện và 5 điểm tại Bắc Ninh, số máu tiếp nhận được cơ bản đáp ứng đủ điều trị Tết. 

Theo ghi nhận của phóng viên, riêng tại khu vực trực cấp cứu ngày mùng 4 Tết có 50 bác sĩ, y tá, 5 khu vực tiếp đón và một phòng cấp cứu bệnh nhân nặng. Trong 9 ngày Tết, mỗi ngày bệnh viện có khoảng 300 bác sĩ ứng trực 24/24h, 10 GS, BS tham vấn chuyên khoa, sẵn sàng ứng phó khi có ca tai nạn hàng loạt, báo động đỏ. Bệnh nhân đông, áp lực công việc lớn, nhưng do xử lý uyển chuyển trong cấp cứu nên không xảy ra tình trạng người nhà bệnh nhân bức xúc gây rối hay có thái độ không đúng với bác sĩ.

Theo khuyến cáo của Ths.BS Phạm Gia Anh, khi đã uống rượu, bia thì không điều khiển phương tiện giao thông. Bởi người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông thường đi tốc độ cao, khi xảy ra tai nạn tri giác kém, việc mô tả cho bác sĩ dễ bị lệch. Sử dụng rượu bia gây ảnh hưởng đến hô hấp, tuần hoàn, chức năng gan, thận, não…dẫn đến việc chẩn đoán, hồi sức, gây mê và sau mổ hồi phục đều khó khăn hơn so với người không sử dụng.


Trần Hằng
.
.
.