BOT Mỹ Lộc phải xả trạm trước sự phản đối của các tài xế

Thứ Năm, 26/07/2018, 17:21
Sáng 26-7, trạm thu phí BOT Mỹ Lộc (Nam Định) đã phải xả trạm để tránh gây ùn tắc kéo dài trên cả 2 tuyến quốc lộ Nam Định - Hà Nội, do một số lái xe đã không đồng ý mua vé khi qua trạm vì cho rằng, mình không đi đoạn đường của nhà đầu tư thì không phải trả phí.


Trao đổi với báo chí, Đại tá Đặng Quang Tuyên, Trưởng phòng Tham mưu (Công an tỉnh Nam Định) cho biết, sáng 26-7, có khoảng 10 xe ô tô (cả xe ô tô con và loại 16 chỗ ngồi) dán biển trên xe "không đi BOT thì không trả tiền", tập trung phản đối tại trạm BOT Mỹ Lộc. Theo đó, từ 8h30' đến 9h sáng 26-7, tình hình giao thông qua trạm có ùn ứ, số xe có lúc lên tới trên 50 xe, một số xe phải quay đầu đi hướng khác. 

Tuy nhiên, sau đó việc phân luồng đã được thực hiện, nên tình hình giao thông đã ổn định trở lại. Hiện các lực lượng chức năng đã tiếp tục ứng trực tại trạm thu phí để đảm bảo tình hình an ninh trật tự. Cũng theo Đại tá Tuyên, các xe phản đối chủ yếu ở các tỉnh khác, không phải xe thuộc tỉnh Nam Định.

Các lái xe treo biển không trả tiền vì không đi BOT

Theo ghi nhận của phóng viên Báo CAND, nguyên nhân của vụ việc là do các lái xe cho rằng, họ chỉ đi đường làm từ ngân sách nhà nước, không sử dụng đường BOT, nên không đồng ý trả phí khi qua trạm BOT Mỹ Lộc. Đồng thời, họ cũng phản đối việc Trạm thu phí Mỹ Lộc (Nam Định) lâu nay áp dụng mức thu phí cao bất thường (trên đoạn đường dài chỉ 3,9 km, nhưng các xe thuộc nhóm 1 hiện phải trả 30 nghìn đồng/lượt; xe nhóm hai 40 nghìn đồng/lượt; xe nhóm ba 60 nghìn đồng/lượt; xe nhóm bốn 100 nghìn đồng/lượt; xe nhóm năm 160 nghìn đồng/lượt).

Dự án BOT Mỹ Lộc có thời gian thu phí hơn 17 năm. Tình hình phản đối của những lái xe đã kéo dài trong nhiều tháng nay, tập trung chủ yếu vào các ngày cuối tuần.

Còn về phía đơn vị quản lý thu phí cho rằng, việc thu phí tại trạm Mỹ Lộc đã được Chính phủ, Bộ GTVT và tỉnh Nam Định đồng ý nên đơn vị này sẽ tiếp tục thực hiện và không nhượng bộ các lái xe; nếu xảy ra ách tắc giao thông thì các lái xe phải chịu trách nhiệm.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nam Định cho biết:  theo quy hoạch, tuyến đường 21B từ Nam Định đến Hà Nam dài hơn 25 km, trong đó tuyến đường tránh TP Nam Định dài 3,9 km (nối từ Quốc lộ 10 lên địa bàn thị trấn Mỹ Lộc, huyện Mỹ Lộc) rộng 48 m, với 6 làn xe, một giải phân cách ở giữa rộng 10,5 m... Đoạn đường hơn 21 km là do Nhà nước làm, còn đoạn đường tránh 3,9 km là do Công ty Tasco đầu tư theo hình thức BOT, với mức đầu tư là gần 400 tỷ đồng.

Lực lượng Công an đã được triển khai để đảm bảo an ninh, trật tự tại trạm thu phí Mỹ Lộc

Tuy nhiên, theo hợp đồng ký kết giữa UBND tỉnh Nam Định và nhà đầu tư Tasco vào năm 2008, về việc đầu tư xây dựng tuyến đường tránh TP Nam Định theo hình thức BOT, nhà đầu tư Tasco chỉ làm tuyến đường này rộng 4 làn xe và một giải phân cách ở giữa rộng 20,5 m... 

Sau đó, để phát huy hiệu quả của tuyến đường, giải quyết nhu cầu cấp bách về ách tắc giao thông trên Quốc lộ 21 A (chạy song song) và để phù hợp với quy hoạch ban đầu của tuyến đường đi Hà Nội, tỉnh Nam Định đã có chủ trương hỗ trợ thêm ngân sách để hoàn thiện tuyến đường tránh theo quy hoạch... 

Cụ thể, theo hồ sơ lưu tại Ban quản lý dự án thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh, ngày 24/1/2011, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định khi ấy là ông Đoàn Hồng Phong đã ký quyết định số 161 về việc phê duyệt dự án xây dựng mở rộng mặt cắt ngang phần đường xe chạy, tuyến đường tránh TP Nam Định, đoạn từ thị trấn Mỹ Lộc tới Quốc lộ 10. 

Theo quyết định này, dự án thực hiện mở rộng thêm làn đường chính mỗi bên 5 m (lấy từ đất của giải phân cách giữa dài 20,5m) so với mặt cắt ngang thiết kế của dự án đường BOT. Tổng kinh phí thực hiện dự án hỗ trợ là gần 86 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách của tỉnh. Số kinh phí trên không tính vào tổng vốn đầu tư của dự án BOT. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nam Định được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư dự án, qua tổ chức đấu thầu, chính Công ty Tasco trúng thầu việc thi công...

Sau khi dự án hỗ trợ hoàn thành, tuyến đường tránh TP Nam Định được tăng từ 4 lên 6 làn xe, giải phân cách ở giữa thu hẹp lại chỉ còn 10,5 m và được Sở Giao thông Vận tải Nam Định bàn giao lại cho Tasco chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng cho đến hết thời hạn thu hồi vốn...

Như vậy, để giải quyết vấn đề trên, chính quyền tỉnh Nam Định cần làm việc với Công ty Tasco để sớm đưa ra phương án giải quyết dứt điểm tình hình. Đồng thời cần phải làm rõ những vấn đề chính như việc vị trí đặt trạm thu phí BOT đã đúng chưa? Mức thu phí thấp nhất là 30.000/lượt cho 3,9 km BOT đã hợp lý chưa? Và số tiền thu phí từ năm 2009 đến nay Công ty Tasco đã thu hồi xong vốn hay chưa?

Trần Xuân
.
.
.