Chuyên gia "phản pháo" chủ trương xây cầu vượt An Dương - Thanh Niên
Liên quan đến chủ trương của UBND TP Hà Nội về việc hạ đê sông Hồng để thực hiện Dự án công trình cầu vượt An Dương - Thanh Niên, trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Ty Niên, nguyên Cục trưởng Cục Đê điều & Phòng chống lụt bão, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, khu vực này là điểm đê trọng yếu (một bên là sông Hồng, một bên là hồ Tây).
Theo ông Niên, thời kỳ xa xưa, mỗi lần sông Hồng có lũ là ở hồ Tây lại xuất hiện mạch sủi, mạch đùn. Còn theo ý kiến ông Vũ Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong Quy hoạch phòng chống lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình được Bộ rà soát năm 2015- 2016.
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã chỉ ra nguy cơ lũ lớn xảy ra trên sông Hồng là hiện hữu. Vì theo lý giải của ông Thành, mặc dù phía thượng nguồn sông Hồng có hệ thống đập thủy điện có thể cắt được lũ nhỏ, nhưng khi xảy ra thiên tai cực đoan, để bảo đảm an toàn hồ chứa bắt buộc phải xả lũ, khi đó khả năng xảy ra lũ lớn sẽ không chỉ dừng ớ mức nguy cơ.
Ông Thành cũng lo ngại: “Chúng ta cũng không biết phía Trung Quốc sẽ vận hành các hồ chứa thủy điện của họ trên sông Hồng như thế nào nên khó có thể tính toán chính xác mực nước lũ dâng cao tối đa…
Thực tế, trong văn bản trả lời đề xuất của UBND TP Hà Nội liên quan tới hạ cao trình đê sông Hồng xuống 12,4m, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có những khuyến nghị Hà Nội về việc tiếp tục xem xét, lấy ý kiến rộng rãi giới chuyên gia, các nhà quản lý để hoàn thiện phương án thi công với mục tiêu cao nhất phải đặt an toàn đê điều là giải pháp trọng tâm trong Quy hoạch phòng chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.