2,8 triệu ôtô bắt buộc phải dán thẻ thu phí tự động
Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau khi các quy định có hiệu lực, việc gắn thẻ Etag không chỉ mang lại sự tiện lợi cho lái xe, mà còn cho cả cơ quan quản lý trong việc kiểm soát phương tiện qua các trạm thu phí, thậm chí kiểm soát được cả vấn đề về vi phạm an toàn giao thông.
Tại hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg và Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng ngày 16-3, theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ, đã có 19 trạm thu phí không dừng đi vào vận hành thương mại, còn 6 trạm sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới.
“Cả nước mới thực hiện được hơn 500.000 ôtô, còn 2,3 triệu ôtô nữa chưa dán thẻ, nên từ nay đến cuối năm phải bắt buộc dán. Quốc lộ 1 và quốc lộ 14 từ nay cuối năm sẽ có 100% trạm thu phí tự động không dừng, nếu không yêu cầu các xe dán thẻ sẽ gây khó khăn trong việc thu phí”, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho hay.
Ông Tô Văn Toàn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: “Hình thức thu giá không dừng có nhiều lợi ích, Nhà nước dễ quản lý hơn, nhất là vấn đề minh bạch giá qua trạm BOT. Mỗi khi xe qua trạm, chủ xe sẽ nhận được tin nhắn trừ tiền phí, giảm thiểu ùn tắc giao thông qua trạm.
Nhà đầu tư BOT và Tổng cục Đường bộ cũng có thể truy nhập hệ thống, bất kỳ thời điểm nào để kiểm soát vấn đề thu phí. Đặc biệt, với mỗi xe dán thẻ Etag, khi qua hệ thống sẽ phát hiện được ngay xe nào biển số giả, hay hết hạn đăng kiểm...
Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phát triển hệ thống để kết nối với Bộ Công an, nhằm phát hiện vi phạm an toàn giao thông của xe đi qua trạm”.
Tại hội nghị, đại diện một số đơn vị và chủ xe cũng đặt ra các câu hỏi như: “Một tài khoản có thể thanh toán nhiều xe? Có được xuất hoá đơn không? Bảo hành thẻ 5 năm nhưng khi bị hỏng dán lại vẫn mất phí thì làm thế nào?
Có cơ chế ưu đãi hoặc khuyến mãi để khuyến khích chủ xe dán thẻ? Xe qua trạm nhưng nếu hết tiền trong thẻ thì có được thế chấp khấu nợ trước không?...
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, hiện nay trạm nào bán được vé tháng, vé quý sau khi chuyển sang ETC thì vẫn chuyển sang vé tháng, vé quý như bình thường.
Ví dụ, trên quốc lộ 1 có khoảng 20 trạm, một xe mua vé quý vé tháng chỉ 2-3 trạm, trạm nào mua thì tính vé quý, tháng, trạm nào không mua thì hệ thống tự trừ tiền vé lượt. Hệ thống thu phí tự động đều nhận diện được và các lái xe có thể yên tâm.
Theo ông Huyện, Bộ Giao thông Vận tải đang ráo riết xây dựng sửa đổi Nghị định 46, bổ sung cho hành lang pháp lý và trình Chính phủ phê duyệt mới ban hành triển khai xử phạt những trường hợp đi qua trạm BOT không có tiền trong tem, thẻ thu phí không dừng.