Xa rồi thời "máy ảnh dạo"

Chủ Nhật, 12/03/2017, 17:59

“Chị với cháu chụp một kiểu nhé”, người đàn ông nhẹ nhàng hỏi hai mẹ con, đáp lại là cái lắc đầu. Trong khoảng gần một tiếng đồng hồ, tại Triển lãm hoa anh đào Nhật Bản (vườn hoa Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), ông không tìm được một khách hàng nào.



Ông Đức Thái chụp ảnh dạo tại Triển lãm hoa anh đào Nhật Bản cho biết, từ tối khai mạc ngày hôm trước tới giờ chưa chụp được một bức hình nào cả. "Giờ người ta có điện thoại chụp ảnh tốt lắm, chỉ bấm là có ảnh ngay. Mà buồn cười, người chụp thì ít mà người nhờ chụp lại rất nhiều. Họ cứ cầm điện thoại ra bảo thợ ảnh chụp đẹp lắm nhỉ, vậy thì chụp…hộ mấy tấm" - nhà nhiếp ảnh tuổi xế chiều này nói.

Giờ lớp trẻ đi chụp nhiều nên “lứa già” tụ về khu vực quanh Hồ Gươm, tháp rùa và đi theo các đoàn xích lô chở khách du lịch. Thu nhập thì bập bõm, ngày nhiều thì được vài trăm, có ngày chẳng có đồng nào. 

“Chiếc máy ảnh” dạo không còn được ưa chuộng trong xã hội hiện tại

Vào khoảng những năm 1990, ông kể mình như một “ngôi sao” với chiếc máy ảnh cơ chụp phim. Người ta đặt hàng từng tuần, lịch kín liên tục; có nhà hẹn chụp cưới nhưng vì trùng lịch nên ông từ chối thì họ… dời ngày cưới sang hôm sau để thợ ảnh phải đến cho bằng được. Sáng dậy sớm, quần áo sẵn sàng rồi phóng xe ra Giảng Võ, chụp cho nhà trai từ tờ mờ sáng. Xong xuôi lại chạy về chụp cho xóm trên, xóm dưới. Chiều muộn về nghỉ hàng xóm lại gọi, không đi vợ lại "quát" nên đành đi tiếp. 

Ngày ấy, cứ đếm ảnh rồi tính tiền nên thu nhập khá lắm. Chủ nhà phải trả tiền nên “xót của”, bảo chỉ chụp lấy khoảng 30 tấm thôi nhưng ông bảo họ lễ cưới phải đầy đủ, còn tặng quan khách những kiểu có mặt họ nữa nên có khi lên đến 70, 80 kiểu là ít. Khi trẻ còn ham đi nên cả ngày, chạy liên tục được, giờ hơn 60 sức khỏe không cho phép nên chỉ có thể theo những chỗ “tĩnh”.

Những người thợ ảnh khác nghe về câu chuyện cũng góp lời. Phải chụp sao để lấy được ảnh đẹp, “chụp phát ăn ngay”, diễn tả được hết ý nghĩa sự kiện…. Chuyện về nghề được chia sẻ đầy say mê. Bỏ bẵng gần nửa giờ đồng hồ chẳng mời khách, họ nhắc về cái thời đẹp đẽ khi được được làm nghề họ yêu mà không phải lo lắng về kinh tế. Tôi hỏi họ có thấy buồn không, “thời thế vậy thì mình thích nghi theo thôi”, ông Thái nói. Quanh đó, cũng rất nhiều những “chiếc máy ảnh dạo” khác. Họ nhìn sự đổi thay của xã hội và chấp nhận một cách nhẹ nhàng khi “thời vàng” của họ đã qua.

Trung Hiếu
.
.
.