Nhà thơ Đỗ Trung Lai và “Tổng tập thơ chữ Hán Nguyễn Du”

Chủ Nhật, 20/09/2020, 13:23
Sau một loạt cuốn sách dịch lại những tác phẩm của các thi sĩ nổi tiếng như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị và các sách “100 nhà thơ Đường”, “Trúc Lâm Tam Tổ thi – Thơ của ba vị Tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử”, nhà thơ Đỗ Trung Lai tiếp tục ra mắt tập sách dịch “Tổng tập thơ chữ Hán Nguyễn Du”. 


Đây không chỉ là công trình giàu ý nghĩa trong dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du mà còn là cầu nối giúp bạn đọc ngày nay dễ tiếp cận hơn với kho di sản quý giá được tiền nhân để lại cho dân tộc, cho nhân loại.

Bao gồm gần 500 trang sách, cuốn tổng tập giới thiệu đến bạn đọc 250 bài thơ chữ Hán đã được phiên dịch, dịch thơ kèm các chú giải về những điển tích vốn dày đặc trong các tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du. Với công trình này, đông đảo bạn đọc, nhất là người đọc không biết chữ Hán, vẫn có thể vừa tiếp cận các tác phẩm, vừa có dịp tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp về một bậc đại thi hào của dân tộc, danh nhân văn hóa của thế giới – Nguyễn Du. 

Bởi, nói theo chính nhà thơ Đỗ Trung Lai trong lời đầu sách thì “Qua thơ chữ Hán, nhân sinh quan, thời thế, gia cảnh, hành trạng, tình cảnh và tình cảm của ông hiện ra rõ mồn một. Có thể nói, đời Nguyễn Du dường như “chồng khít” lên thơ chữ Hán của ông vậy”.

Nhà thơ Đỗ Trung Lai và bìa sách “Tổng tập thơ chữ Hán Nguyễn Du” do nhà thơ Đỗ Trung Lai soạn và dịch thơ.

Mặc dù đây là cuốn sách dịch vô cùng đầy đặn, công phu, kỹ lưỡng nhưng theo nhà thơ Đỗ Trung Lai, “Tổng tập thơ chữ Hán Nguyễn Du” được ông thực hiện trong vỏn vẹn gần 3 tháng. Vào cuối tháng 5/2020, Giáo sư Mai Quốc Liên, Giám đốc Trung tâm Quốc học gọi điện, gợi ý ông nên dịch thơ của cụ Nguyễn Du. Thời điểm này, ông đang dịch lại thơ chữ Hán của một bậc danh nhân khác là cụ Nguyễn Trãi. Ông quyết định tạm dừng dịch thơ của cụ Nguyễn Trãi vì ngày 16/9/2020 là kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du. 

“Đây là dịp thích hợp để hậu thế, một lần nữa, “trả lời” câu hỏi đau đáu của thi hào lúc sinh thời: “Bất tri tam bách dư niên hậu – Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?” (Ba trăm năm nữa, trong thiên hạ - Ai là người ngồi khóc Tố Như lang?) – nhà thơ Đỗ Trung Lai viết trong lời đầu sách “Tổng tập thơ chữ Hán Nguyễn Du”.

Nhà thơ Đỗ Trung Lai cũng cho biết, ông bắt tay thực hiện cuốn sách trên vào đầu tháng 6/2020, đến tháng 8 thì xong và tháng 9 đưa đi in. Sở dĩ ông có thể làm nhanh được như thế là vì đã dịch lại thơ Đường nhiều năm nên cũng đã quen việc. Ông lại có trong nhà quyển “Thơ chữ Hán của Nguyễn Du” được Nhà xuất bản Văn học in năm 1965. Sách này do các ông Lê Thước, Trương Chính sưu tầm, chú thích, phiên dịch; các ông Phạm Khắc Khoan, Ngô Ngọc Can, Nguyễn Văn Tú, Nguyễn Hữu Bồng, Trần Thanh Mại, Vũ Mộng Hùng, Nguyễn Xuân Tảo và Hoàng Tạo dịch thơ; ông Nguyễn Sĩ Lâm hiệu đính; ông Trương Chính giới thiệu. 

Sau đó, Giáo sư Mai Quốc Liên còn gửi cho ông trọn bộ 2 quyển “Nguyễn Du toàn tập”, được Nhà xuất bản Văn học in năm 2015. Bộ sách này do chính Giáo sư Mai Quốc Liên và ông Vũ Tuân Sán dịch nghĩa, chú thích. 

Đọc kỹ và so sánh hai bộ sách, nhà thơ Đỗ Trung Lai thấy rất bổ ích. Quyển sau bổ khuyết cho quyển trước, thơ chữ Hán của cụ Nguyễn Du ngày thêm tường minh. Tuy nhiên, đa phần những bản dịch thơ trong cả hai bộ sách nói trên đều là những bản dịch có từ những năm 60 của thế kỷ trước nên đôi chỗ, lời quốc ngữ còn hơi khó hiểu đối với tuyệt đại đa số bạn đọc ngày nay – những người vốn “đứt mạch” với Hán học từ lâu.

Cũng theo nhà thơ Đỗ Trung Lai, với mong muốn cập nhật và phổ cập phần “Quốc ngữ hóa” thơ chữ Hán của Nguyễn Du hơn nữa, ông tự bắt mình dịch lại toàn bộ thơ chữ Hán của cụ. Nhưng, nếu không có những tác giả của các cuốn sách nói trên, ông sẽ không thể thực hiện cuốn “Tổng tập thơ chữ Hán Nguyễn Du” nhanh như thế. 

Nếu không có Giáo sư Mai Quốc Liên nhắc, giục, gửi sách, chắc chắn, ông cũng chưa có đủ động lực làm. Để thực hiện cuốn sách, ông còn có sự hỗ trợ rất tích cực từ nữ Tiến sĩ Hán học Vũ Hương. Chị là người đã giúp ông làm sách “100 nhà thơ Đường” và “Trúc Lâm Tam Tổ thi” trước đây. Đó còn là sự hỗ trợ từ anh Nguyễn Kinh Long – người đã ngày đêm không quản vất vả “gõ phím – soát hình” suốt gần 3 tháng. Hỗ trợ nhà thơ thực hiện cuốn sách lần này cũng không thể không cảm ơn Nhà xuất bản Hội Nhà văn và cá nhân Giám đốc Nguyễn Quang Thiều cùng xí nghiệp in Ba Đình – Bộ Công an…

Tất nhiên, với nhà thơ Đỗ Trung Lai, dù ông không kể thì bạn đọc cũng phần nào hình dung được những áp lực từ khối công việc khổng lồ mà ông đã làm trong thời gian 3 tháng qua, khi thực hiện “Tổng tập thơ chữ Hán Nguyễn Du”. Về phía nhà thơ, ông cũng chia sẻ một cách vui vui là “quả thực, cũng “không thể nhớ hết số tách cà phê mà cụ Nguyễn Du “bắt” chúng tôi “phải dùng” trên đường hoàn thành bản thảo cuốn sách nhỏ, góp phần “khấp Tố Như” dịp này”.

Theo nhà thơ Đỗ Trung Lai, sự nghiệp thơ của Nguyễn Du chia làm 2 phần. Thơ chữ Nôm thì Truyện Kiều là kiệt tác. Thơ chữ Hán gồm: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục. Nguyễn Du để lại “khoảng” 400 bài thơ chữ Hán. Đó thật là một di sản lớn. Tuy nhiên, theo chúng tôi, với thế hệ hậu sinh hôm nay thì bất kỳ người nào nào cầm trên tay cuốn sách “Tổng tập thơ chữ Hán Nguyễn Du” cũng đều thuận lợi khám phá “kho” di sản quý này. Đây là “cánh cửa” được nhà thơ Đỗ Trung Lai mở ra, chỉ còn chờ bạn đọc.

Nhà thơ Đỗ Trung Lai sinh năm 1950 tại Mỹ Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông đã có rất nhiều đầu sách được xuất bản gồm: Đêm sông Cầu (1990); Anh em và những người khác (1990); Đỗ Trung Lai – Thơ và tranh (2000); Người chơi đàn nguyệt ở Hàng Châu (2000); Đỗ Trung Lai – Đêm sông Cầu & thơ mới (2002); Thơ Hà Nội ngàn năm tinh tuyển (tuyển chọn, năm 2007); Lý Bạch - Những bài Đường thi nổi tiếng (2008); Đỗ Phủ - Những bài Đường thi nổi tiếng (2008); Bạch Cư Dị - Những bài Đường thi nổi tiếng (2008); Vi ô lang – Thời thơ ấu của chàng lau sậy (2008); Phạm Tiến Duật toàn tập (chủ biên, năm 2009); 100 nhà thơ Đường (2013); 30 Đỗ Trung Lai (2013); Ơ thờ ơ (2013); Kể chuyện rong về những ngày có giặc (trường ca, năm 2015); Trúc Lâm Tam Tổ thi – Thơ của ba vị Tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (2016); Bảo dông dài, ừ dông dài… (2019); Tổng tập thơ chữ Hán Nguyễn Du (2020).
N.Nguyễn
.
.
.