“Cuộc chơi đột phá" của nhà thơ Đỗ Trung Lai

Chủ Nhật, 05/10/2008, 15:39
“… Nếu nói cuộc triển lãm kết hợp thơ, sách, hội họa lần này là đột phá thì cũng đúng so với tính cách lặng lẽ của tôi như mọi người vẫn thấy, nhưng cũng không đúng, vì thực sự thì đối với tôi, cái ý định mở triển lãm riêng này đã ngấm ngầm có từ rất lâu rồi, chỉ chờ thời điểm chín muồi mà thôi.” - nhà thơ Đỗ Trung Lai, nói.
>> "Thơ Đỗ Trung Lai - Tranh và sách"

Nhà thơ Đỗ Trung Lai sinh năm 1950 tại Mỹ Đức, Hà Đông cũ (nay là Hà Nội). Ông xuất thân trong một gia đình nhà Nho nhưng lại theo học chuyên ngành vật lý tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ông từng là Phó Tổng biên tập thường trực Báo Tiếng nói Việt Nam đến tháng 1/2006 xin thôi việc Nhà nước để tự do chuyên tâm làm văn nghệ.

Hiện nay, ông đang chuẩn bị những khâu cuối cùng cho cuộc triển lãm "Thơ - Đỗ Trung Lai - Tranh và Sách" sẽ được khai mạc vào 16h ngày 5/10 tại Trung tâm Nghệ thuật Việt Art (42 Yết Kiêu, Hà Nội).

- Thưa nhà thơ Đỗ Trung Lai, xưa nay ông vốn là một người sống khá lặng lẽ, bỗng dưng, ông mở một cuộc triển lãm riêng "Thơ - Đỗ Trung Lai - Tranh và Sách" giữa thời buổi mọi thứ dường như quá hối hả, đây phải chăng là một cuộc "đột phá"?

- Thực tình mà nói, những cuộc triển lãm đối với tôi không còn xa lạ vì tôi đã có tới 6 lần triển lãm tranh chung với các họa sỹ khác. Tuy nhiên, sau đó tôi đã không đi theo con đường hội họa mà chỉ vẽ lúc có cảm hứng và vẽ những gì mình thích mà thôi.

Cuộc triển lãm kết hợp thơ, sách, hội họa lần này bắt nguồn từ việc tôi được NXB Giáo dục in 3 cuốn sách thơ Đường do tôi biên soạn và dịch gồm "Lý Bạch - những bài đường thi nổi tiếng", "Đỗ Phủ - Những bài đường thi nổi tiếng" và "Bạch Cư Dị - Những bài đường thi nổi tiếng".

Nếu nói là đột phá thì cũng đúng so với tính cách lặng lẽ của tôi như mọi người vẫn thấy, nhưng cũng không đúng, vì thực sự thì đối với tôi, cái ý định mở triển lãm riêng này đã ngấm ngầm có từ rất lâu rồi, chỉ chờ thời điểm chín muồi mà thôi.

- Nghe nói rằng, những năm 90 anh đã xây được nhà nhờ tiền bán tranh, tại sao anh không theo đuổi nghề hội họa?

- Nói thật, tôi chơi với các họa sỹ nhiều, đi theo họ nhiều thì tôi cầm bút vẽ, sau đó thì mê và theo đuổi. Chuyện tôi bán tranh mà xây được nhà là có thật. Nhưng cũng thời điểm ấy tôi đang phụ trách tờ Quân đội Nhân dân cuối tuần, mà bạn biết đấy, làm báo thì tốn thời gian lắm, chính vì thế mà tôi không theo đuổi đến tận cùng.

- Với ông, hội họa và văn thơ, thứ nào dễ hơn để trút bầu tâm sự của chính mình?

- Hội họa nó không có ngôn ngữ cụ thể gò bó. Nó vốn dĩ là nghệ thuật trừu tượng. Người cầm cọ thả sức thể hiện ý tưởng theo nhiều cách mà không bị gò vào các khuôn khổ chữ nghĩa, thể loại hay vần điệu… Thơ thì khác, ý tưởng khó có thể thả bung theo mạch vì đâu đó vẫn có một thứ ngôn ngữ cụ thể quy ước gò lại. Với tôi, thì cả hai thứ này đều chỉ có thể đến khi trong tôi cảm hứng tràn đầy. Tôi không thể vẽ, không thể làm thơ khi không có cảm xúc.

- Nhưng ông lại triển lãm tranh trừu tượng với thơ Đường, một thứ thơ có niêm luật khắt khe, gò bó. Có vẻ như hơi mâu thuẫn?

- Đấy, đấy, cái khác của tôi là ở chỗ đó. Nếu bạn xem triển lãm của tôi, bạn sẽ thấy được những thứ tưởng như khắc nhau nhưng lại hài hòa trong cùng một khối. Các cụ ta xưa là nhà Nho, họ dịch thơ Đường bằng nhãn quan của một nhà Nho.

Tôi là một nhà thơ, chính vì thế, cùng với việc chuyển nghĩa bài thơ Đường, tôi dịch thơ theo cách của các nhà thơ hiện đại vẫn làm, thay vì thể thơ song thất lục bát, thơ tứ tuyệt, tôi chuyển theo thể thơ bốn chữ, năm chữ hoặc thơ tự do để dễ hiểu, để gần gũi hơn với người đương thời mà âm hưởng Đường thi không thay đổi. Tôi quan niệm, dịch thơ là sự đồng sáng tạo, chứ không phải "dịch là diệt".

- Xưa nay, người ta biết đến Đỗ Trung Lai như là một ông nhà thơ khá cẩn trọng nếu không muốn nói là khó tính. Tôi đang tự hỏi là ông học chữ Hán lúc nào để tiếp cận với các bậc Tiên thơ, Thánh thơ đời Đường?

- Có nhiều người cũng ngạc nhiên như bạn. Bố tôi là nhà Nho, ông ru tôi ngủ bằng thơ Đường và tôi lớn lên đã thấm đẫm tinh thần Nho học của ông. Thơ Đường đã ngấm vào tôi lúc nào không hay. Tôi cũng đã tự học, tự mày mò và cho đến nay vốn kiến thức về Hán học trong tôi cũng đủ để có thể dịch sách và biên soạn sách.

- Theo như tôi biết, thì có nhiều áng thơ Đường, qua bàn tay dịch thuật của các cụ ta xưa đã trở thành bất hủ, ông làm sao để có thể vượt qua được họ?

- Tôi xin thôi việc Nhà nước, cặm cụi liền 1 năm thì dịch được khoảng 200 bài (Gần 80 bài của Lý Bạch, 50 bài của Đỗ Phủ và cũng ngần ấy bài của Bạch Cư Dị), xếp thành 3 cuốn. Lại cặm cụi 1 năm nữa, tham khảo người đi trước để bổ sung bản dịch nghĩa, chú thích.

Trong quá trình tìm hiểu, tôi nhận thấy, có nhiều bản dịch của bậc tiền bối là bất hủ như Tỳ bà hành (Phan Huy Vịnh), Thu Hứng (Nguyễn Công Trứ), Phong kiều dạ bạc, Hoàng Hạc lâu (Tản Đà)… Không có các bậc tiền bối ấy, làm sao tôi, một người "Tây học", lại có thể biết, có thể yêu, có thể dựa vào đó mà dịch lại, mà soạn sách.

Nhưng như cụ Nam Trân, người đứng chủ biên và cũng là dịch giả chính, hai tập Thơ Đường do Viện Văn học và NXB Văn hóa xuất bản năm 1962 đã nói: "Không phải tất cả các bản dịch trước đây đều tốt, và ngay cả những dịch giả nổi tiếng cũng có bài chưa đạt". Xem thế thì đủ biết, chúng ta, lớp hậu sinh, càng không nên lười nhác, coi mọi bản dịch đã có đều là mực thước, mà quên rằng mình cũng phải góp phần làm cho các bản dịch "chưa đạt" ấy, dần dần trở nên đạt vậy.

- Ông nghĩ sao khi hiện nay, lớp trẻ dường như không mặn mà lắm với Đường thi và ông có buồn không, nếu trong cuộc triển lãm này sẽ vắng bóng họ đến chiêm ngưỡng thơ Đường?

- Tôi không buồn mà chỉ nghĩ tiếc cho họ. Vì nếu nhìn lại lịch sử phát triển của thi ca Việt Nam, không có chữ Nho và Đường thi sẽ không có thơ Việt bằng chữ Nho như ta đã có, không có chủ nghĩa lãng mạn Pháp, không có Thơ Mới, không có được sự phát triển phong phú của các dòng thơ thời hội nhập bây giờ... Tôi, trên hết vẫn chỉ mong muốn khơi gợi lại cái hay cái đẹp cho hậu thế mà họ không quan tâm thì cũng chả còn cách nào khác được. Điều đó chỉ cá nhân tôi không thể làm được gì.

- Cổ nhân vẫn nói "thi trung hữu họa" thì ông đã có, ông chỉ thiếu âm nhạc trong cuộc triển lãm này. Ông có một bài thơ tình "Đêm sông Cầu" với những câu thơ giàu nhạc điệu như "Tình yêu có từ phương em/ Đi qua năm tháng đợi chờ/ Tình yêu cũng từ phương anh/ Lửa rừng bồn chồn góc núi/ Tình yêu có từ hai ta/ Chẳng đủ gần mà giận dỗi/ Nhà xa, mặt trận càng xa/ Gặp nhau lần nào cũng vội…", sau này, bài thơ đã được nhạc sỹ quá cố Phan Lạc Hoa phổ nhạc rất thành công, tôi nghĩ, nếu để làm một cuộc tổng kiểm kê, đáng lẽ ông nên đưa vào?

- Vâng, tôi phải vô cùng cảm ơn nhạc sỹ Phan Lạc Hoa vì anh đã phổ nhạc bài thơ rất thành công và đưa bài thơ của tôi đến được với mọi người. Nhưng "thi trung hữu nhạc" có lẽ nên để dành vào một cuộc khác.

- Hơi tò mò, nhưng tôi thấy rằng, những người mở triển lãm vẫn có đằng sau các nhà tài trợ, ông thì sao?

- Tôi làm vì ý thích của mình. Tôi đã quyết là làm. Tôi dốc tất cả số tiền "về hưu sớm" của tôi ngót trăm triệu vào cuộc triển lãm này. Không có bất cứ nhà tài trợ nào.

- Còn cuốn tiểu thuyết "Thời thơ ấu của chàng lau sậy"(NXB Hội Nhà văn - 2008) cùng ra mắt trong đợt này?

- Tôi in mất 29 triệu đồng.

- Vợ con ông nói sao về sự "quyết liệt" của ông?

- Vợ tôi có hơi… sợ vì cái tính "ngang" của tôi. Các con tôi thì ủng hộ hết sức. Thật may là tôi có hai cô con gái đều học chuyên ngành đồ họa (Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội) nên tất cả các khâu đánh máy, thiết kế, tìm nơi in ấn… chúng tôi đều cùng "làm việc theo nhóm", vừa tiết kiệm lại nhanh trông thấy (cười).

- Xưa nay, tôi (và nhiều người) vẫn nghĩ rằng, Đỗ Trung Lai là một nhà thơ "Khốt-ta-bít", nhưng qua cuộc "chơi Đường thi" này, có lẽ ông sẽ tạo ra được một "hình ảnh mới"?

- Tôi xưa nay vẫn thế, với thơ, tôi luôn là một người khó tính, vì tôi quan niệm về thơ rất nghiêm túc. Nhưng đã là nhà thơ thì ai cũng có phần lãng mạn, bay bổng, thăng hoa... Là người làm công việc sáng tạo tôi luôn có "cái mới" trong mình, chẳng qua chưa đúng thời điểm để bộc lộ ra thôi.

- Ông đã có dự định gì sau khi kết thúc cuộc triển lãm này?

- Tôi sẽ tiếp tục làm cuốn "Bách gia đường thi" biên soạn về những nhà thơ Đường còn lại theo đơn đặt hàng của NXB Giáo dục.

- Vâng, xin cảm ơn ông!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.
.