Nét đẹp văn hóa từ hội bài chòi ngày xuân

Chủ Nhật, 25/02/2018, 09:16
Vào những ngày đầu năm mới Mậu Tuất, đông đảo người dân và du khách thập phương kéo về làng Thanh Thủy Chánh chiêm ngưỡng cầu ngói Thanh Toàn và vui hội bài chòi. Theo các cụ già cao niên ở đây, từ hàng trăm năm về trước, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, nhiều làng quê ở xứ Huế đã tổ chức hội bài chòi. 


Nhiều năm qua, hội bài chòi truyền thống vào dịp đầu xuân mới vẫn được người dân ở xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) nỗ lực gìn giữ. Không ai khác, chính những nghệ nhân thực hành nghệ thuật bài chòi là các “ông hiệu”, “bà hiệu” cùng với các nghệ nhân làm thẻ bài ở khu vực miền Trung đã đóng góp công sức không nhỏ để “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ” được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Vào những ngày đầu năm mới Mậu Tuất, đông đảo người dân và du khách thập phương kéo về làng Thanh Thủy Chánh chiêm ngưỡng cầu ngói Thanh Toàn và vui hội bài chòi. Theo các cụ già cao niên ở đây, từ hàng trăm năm về trước, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, nhiều làng quê ở xứ Huế đã tổ chức hội bài chòi.

Tuy nhiên đến nay, Thủy Thanh là địa phương duy nhất ở vùng đất Cố đô còn lưu giữ và tổ chức thường niên hội bài chòi độc đáo từ ngày mùng 2 Tết kéo dài đến mùng 10 tháng Giêng. So với những năm trước, hội bài chòi ở Thủy Thanh năm nay được tổ chức hoành tráng hơn khi ban tổ chức dựng 11 chòi, trong đó 5 chòi được chia đặt làm 2 bên và 1 chòi ở giữa, còn phía trên là bàn của người điều khiển hội chòi. Đến với hội bài chòi, người chơi được bố trí ngồi trong các chòi dựng bằng những thân tre chắc chắn, phần mái lợp tranh.

Hội bài chòi ở xã Thủy Thanh được tổ chức vào đầu năm Mậu Tuất thu hút đông đảo người chơi.

Với bộ bài gồm 33 quân với các tên gọi như: nhứt trò, thái tử, ông ầm, con xe, nhứt nọc, con đấu, con quăng, lá liễu… Vào cuộc chơi, “ông hiệu” (người hô thai) xốc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên.

Để tăng sự hồi hộp, bắt người chơi phải suy đoán, “ông hiệu” hô lên một câu thai; hoặc một câu ca dao, một điệu hò có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để “ông hiệu” mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới”, người chơi sẽ được cắm lá cờ đỏ nhỏ vào chòi kèm một phần thưởng nho nhỏ. Và mỗi hội bài được chia làm 9 ván như thế.

Dù đã ngoài tuổi 80 nhưng dịp Tết này cụ Nguyễn Hữu cũng đăng ký tham gia vào hội bài chòi của địa phương. Theo giải thích của cụ Hữu, ngoài mang giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, thể hiện phong tục tập quán đặc trưng của vùng đất xứ Huế, hội bài chòi còn là dịp để mọi người dân, không phân biệt tuổi tác đến chung vui nhằm cầu mong một năm mới gặp may mắn, gặt hái được nhiều thắng lợi.

Và, cứ mỗi dịp Tết đến, cả khúc sông bên cầu ngói Thanh Toàn trở nên vui như hội bởi những câu hò dí dỏm từ hội bài chòi. Khác với những lễ hội khác, hội bài chòi xứ Huế mang đặc trưng rất riêng và độc đáo bởi những câu ca dao, câu hò được “ông hiệu”, “bà hiệu” thể hiện tương ứng với mỗi quân bài.

Sau nhiều năm tham gia làm “bà hiệu” của hội bài chòi, bà Trần Thị Hoa được nhiều du khách “ngưỡng mộ” khi bà có thể hò được hàng chục làn điệu từ ca dao, dân ca, câu hò gắn liền với các quân bài để phục vụ người chơi.

“Khi người rao bài bắt đầu hò: Gió Xuân phơ phất cành tre, bà con cô bác lắng nghe bài chòi”, tức là ván bài chòi bắt đầu. Tiếp đó, tùy theo thẻ bài tên gì thì “ông hiệu”, “bà hiệu” sẽ hò những câu hò tương ứng. Ví như quân bài tên xe thì câu hò sẽ là “Ai về cầu ngói Thanh Toàn, cho em về với một đoàn… chín xe”. Hay quân bài thầy sẽ gắn liền với điệu hò “Ngọn gió hiu hiu đưa người quốc học, ngọn đèn leo lét nhớ tới bình dân. Các anh em mình ơi, có công mài sắt thì đua nhau học tập mà làm ông, làm thầy”. Chính nhờ những điệu hò như thế mà hội bài chòi ngày Tết thu hút rất đông người dân và du khách đến xem và dự chơi. Vì thế mà dân làng chúng tôi từng có câu ca, rằng: “Rủ nhau đi đánh bài chòi, để cho con khóc đến lòi rốn ra…”, bà Hoa giới thiệu những điệu hò tại hội bài chòi.

Với những nét độc đáo riêng có, hội bài chòi Thủy Thanh luôn luôn hấp dẫn người chơi, từ trẻ nhỏ cho đến người già, đặc biệt là du khách trong nước và quốc tế. Thậm chí, có nhiều du khách sẵn sàng đợi hàng giờ đồng hồ để đến lượt chơi bài chòi.

Anh Nguyễn Văn Vinh (ở TP Hồ Chí Minh) cùng 6 người thân trong gia đình khi đến tham quan di tích cầu ngói Thanh Toàn vào ngày đầu xuân và được nghe những câu hò chân chất, mộc mạc từ hội bài chòi nên đã đăng ký vào chơi hội bài chòi.

“Dù chưa một lần tham gia chơi bài chòi nhưng thấy hội bài chòi ở đây quá hay, lôi cuốn rất đông người chơi nên tôi và nhiều người trong đoàn quyết định vào chơi và được các bậc cao niên hướng dẫn rất kỹ về cách chơi bài chòi. Nếu Tết năm sau quay lại Huế, chúng tôi sẽ tiếp tục về đây để tham gia chơi hội bài chòi”, anh Vinh trải lòng.

Ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, ngoài dịp Tết cổ truyền, hội bài chòi ở xã Thủy Thanh còn được tỉnh chọn tham gia vào các kỳ lễ hội của Festival Huế để phục vụ người dân và du khách.

Mỗi lần tổ chức hội bài chòi, địa phương đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan và vui hội. Chính vì thế, ngoài chú trọng công tác tổ chức, chúng tôi còn tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống của miền Trung từ hội bài chòi để cho du khách hiểu thêm, nhất là khi “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ” vừa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Qua những hội bài chòi ngày đầu xuân mới thấu hiểu được rằng, chính những người nông dân chân chất là những “ông hiệu”, “bà hiệu” ở vùng quê Thủy Thanh cùng với người dân ở các tỉnh, thành miền Trung đã có công gìn giữ bài chòi, góp phần tôn vinh, quảng bá “Nghệ thuật Bài Chòi” đến với bạn bè, du khách quốc tế…

Anh Khoa
.
.
.