Mở rộng đối tượng tham gia Liên hoanTiếng hát người làm báo

Thứ Tư, 19/09/2018, 16:36

So với các đợt tổ chức trước đây, Liên hoan toàn quốc Tiếng hát người làm báo năm 2018 sẽ mở rộng đối tượng dự thi cho các sinh viên, giảng viên giảng dạy báo chí trên cả nước. Đó là khẳng định của ban tổ chức Liên hoan vào chiều ngày 19-9 tại Hà Nội.  


Liên hoan toàn quốc Tiếng hát người làm báo mở rộng lần thứ VI năm 2018 là hoạt động chào mừng kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2018) do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Liên hoan là “sân chơi” cho những người làm báo gặp gỡ, giao lưu, trao đổi với tiêu chí “Vui, trí tuệ, hấp dẫn và văn hóa”, thắt chặt thêm tình đồng nghiệp, học hỏi, giúp đỡ và hỗ trợ nhau trong công việc, đồng thời tạo đợt sinh hoạt văn hóa,  tinh thần hào hứng, phấn khởi, đoàn kết tại các cấp Hội Nhà báo Việt Nam.

Ban tổ chức trao đổi với báo chí về Liên hoan toàn quốc Tiếng hát người làm báo năm 2018

 Đối tượng tham dự là hội viên hoặc nhà báo, công nhân viên của các đơn vị báo chí, giảng viên, sinh viên Khoa báo chí, phát thanh, truyền hình của các trường có đào tạo chuyên ngành báo chí. Việc mở rộng đối tượng được kỳ vọng sẽ mang lại không khí tươi trẻ, mới lạ cho Liên hoan.

Cũng theo ông Lợi, tại Liên hoan năm nay, mỗi cấp Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, Liên Chi hội nhà báo được chọn tối đa 3 tiết mục (riêng Hội Nhà báo TP. Hà Nội và Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh chọn tối đa 5 tiết mục). Mỗi Chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương Hội chọn 1 tiết mục. Trường hợp Chi hội có trên 50 hội viên có thể chọn tối đa 2 tiết mục. Các tiết mục dự Liên hoan tập trung vào chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi tình yêu con người, tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống hào hùng của dân tộc, báo chí cách mạng Việt Nam.

Các tiết mục tham dự thuộc nhiều thể loại âm nhạc như: ca khúc mang âm hưởng dân ca, cách mạng, thính phòng, nhạc trữ tình, nhạc nhẹ, nhạc tài tử, cổ nhạc…, gồm đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca, hợp xướng, độc tấu nhạc cụ. Ban tổ chức đặc biệt khuyến khích các tiết mục tự dàn dựng, được đầu tư công phu (có hát bè, múa minh họa), các tiết mục sáng tác hưởng ứng việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Liên hoan có sự tham gia của các giọng ca đến từ 43 cơ quan báo chí, Liên Chi hội, Chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo các địa phương trong cả nước, các khoa báo chí. Trong số 95 tiết mục đăng ký, có 87 hợp lệ. Ban tổ chức đã chọn được 40 tiết mục vào vòng bán kết khu vực.

 Vòng bán kết khu vực Bắc, Trung, Nam diễn ra vào các đêm 30-9, 5-10, 13-10.  Vòng chung kết xếp hạng diễn ra vào đêm 27-10 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Các đêm bán kết khu vực, chung kết sẽ tường thuật trực tiếp trên các các Kênh Truyền hình Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Kỹ thuật số VTC, Quốc phòng Việt Nam, TP Hồ Chí Minh và Đài Phát thanh,Truyền hình một số tỉnh,, thành khác.

Giải thưởng gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 7 giải phụ: Thí sinh hát ca khúc truyền thống hay nhất; Thí sinh hát dân ca, tài tử, cổ nhạc hay nhất; Thí sinh trẻ tuổi nhất vào chung kết; Thí sinh được báo chí bình chọn; Đơn vị dự thi có nhiều tiết mục vào chung kết; Thí sinh có phong cách biểu diễn ấn tượng;  Thí sinh được khán giả yêu thích nhất.


Hoa Nguyễn
.
.
.