Đối tượng “biến thái tình dục” xâm hại phụ nữ có biểu hiện như thế nào?

Thứ Sáu, 08/01/2016, 10:06
Đối tượng “biến thái tình dục” xâm hại phụ nữ thường có đặc điểm tâm lý gì? Qui luật hoạt động của chúng ra sao?... phần hai bài viết của TS Đoàn Văn Báu - Phó trưởng Khoa Tâm lý – Đại học An ninh nhân dân sẽ lý giải rõ hơn về vấn đề này.


* Đặc điểm tâm lý của các đối tượng “biến thái tình dục”

Có hứng thú ở mức độ cao với hành vi xâm hại phụ nữ: Hứng thú với hành vi xâm hại phụ nữ là yếu tố chính dẫn đến hành vi xâm hại phụ nữ của các đối tượng “biến thái tình dục”. Ở các đối tượng này, hứng thú với hành vi xâm hại phụ nữ luôn tiềm ẩn và bùng phát ở mức độ cao, thôi thúc đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.

Một khi hứng thú này phát triển ở mức độ cao, đối tượng rất khó có khả năng kiềm chế bản thân nên phải tìm đủ mọi cách để thực hiện hành vi xâm hại phụ nữ. Theo lời khai của “Tiểu sát thủ” Hồ Lê Đăng Khoa, sau khi thực hiện hành vi đâm phụ nữ, đối tượng cảm thấy rất sảng khoái, thoải mái; Trần Hữu Phúc cũng vậy, y cảm thấy rất thích cảm giác được đâm vào vùng kín của phụ nữ, được nghe tiếng kêu đau đớn của họ…

Thủ đoạn của các đối tượng "biến thái tình dục" rất tinh vi và khó phát hiện.

Hành động liều lĩnh để thỏa mãn nhu cầu bệnh hoạn: Một khi hứng thú “bệnh hoạn” của các đối tượng “biến thái tình dục” phát triển ở mức độ cao, đến mức không thể kiềm chế được, đối tượng sẽ tìm mọi cách để thỏa mãn nhu cầu, thậm chí hành động rất liều lĩnh để thỏa mãn nhu cầu.

Đối tượng Phó Văn Chính khi gây ra hàng loạt vụ cướp, hiếp, mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, quần chúng nhân dân được nâng cao ý thức cảnh giác, lưới mai phục đã bủa vây khắp nơi nhưng y vẫn tiếp tục liều lĩnh gây án nhằm thỏa mãn nhu cầu bệnh hoạn của bản thân…

Hoặc, Trần Hữu Phúc sau khi gây án, biết được các cơ quan chức năng tăng cường điều tra, mật phục, thậm chí đặc điểm nhân dạng của y đã được tuyên truyền phổ biến để người dân nâng cao cảnh giác, xác xuất bị bắt khi tiếp tục thực hiện hành vi xâm hại phụ nữ là rất cao nhưng y vẫn liều lĩnh tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội và bị bắt.

Đối tượng Phó Văn Chính và chân dung các họa sĩ vẽ lại qua lời kể của các nạn nhân.

Khéo léo che giấu, sợ người khác phát hiện hành vi “biến thái tình dục”: hành vi “biến thái tình dục” là hành vi xấu, thường bị dư luận xã hội lên án, hơn nữa “biến thái tình dục” dẫn đến xâm hại phụ nữ là hành vi phạm tội. Do đó, các đối tượng “biến thái tình dục” xâm hại phụ nữ rất lo sợ người khác phát hiện ra hành vi bệnh hoạn của mình.

Vì vậy, các đối tượng này thường rất khéo léo trong việc che giấu thân phận, thậm chí rất “thông minh” trong việc lên kế hoạch thực hiện hành vi phạm tội nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Đối tượng Phó Văn Chính khi gây án luôn lợi dụng đêm tối, địa bàn thưa dân cư, tự trang bị cho mình một hình ảnh rất đáng sợ để uy hiếp tinh thần nạn nhân (chỉ mặc quần lót màu đỏ, người bốc mùi hôi khó chịu, để tóc dài…), làm cho nạn nhận không dám kháng cự, thậm chí không dám tố cáo hành vi phạm tội của y.

Hoặc, Trần Hữu Phúc sử dụng hung khí là vật nhọn làm bằng gỗ làm hung khí, tháo bảng số xe khi gây án, thái độ ung dung tự tại sau khi gây án, làm việc sinh hoạt bình thường sau khi gây án để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng… Ngay cả bạn gái của Phúc, là người rất gần gũi nhưng cũng không hề hay biết bạn trai của mình chính là người gieo nỗi khiếp sợ cho các nữ sinh viên ở Thành phố Huế.

Có lối sống khép kín, ngại quan hệ tiếp xúc với mọi người: các đối tượng “biến thái tình dục” thường có lối sống tương đối khép kín, ngại tiếp xúc với mọi người, các mối quan hệ giao tiếp thường hạn chế, khả năng hòa nhập vào các nhóm xã hội kém.

Đây chính là lối sống dẫn đến “biến thái tình dục” đồng thời cũng là biểu hiện tâm lý trong sinh hoạt của các đối tượng “biến thái tình dục”. “Tiểu sát thủ” Hồ Lê Đăng Khoa, “Yêu râu xanh” Phó Văn Chính đều là người có lối sống tương đối khép kín, quan hệ giao tiếp với mọi người xung quan rất hạn chế. Ngay cả đối tượng Trần Hữu Phúc, mặc dù có bạn gái nhưng cũng rất ít quan hệ bàn bè, khả năng hòa nhập kém, hạn chế trong quan hệ xã hội.

Đối tượng Trần Hữu Phúc tại cơ quan Công an.

* Thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng “biến thái tình dục”

Đối tượng “biến thái tình dục” xâm hại phụ nữ thường hoạt động phạm tội theo qui luật sau:

Lập kế hoạch phạm tội rất chi tiết: Các đối tượng “biến thái tình dục” xâm hại phụ nữ thường hành động rất liều lĩnh nhằm thỏa mãn nhu cầu, hứng thú bệnh hoạn của mình. Tuy nhiên, hầu hết các đối tượng đều lập kế hoạch phạm tội rất kỹ càng, chi tiết, từ việc lựa chọn địa bàn gây án, đối tượng nhắm đến, chuẩn bị dụng cụ, phương tiện hung khí gây án, tính toán chi tiết cách thoát thân, thậm chí tạo chứng cứ ngoại phạm để tránh sự phát hiện của cơ quan điều tra.

Thực tế cho thấy, các đối tượng như Phó Văn Chính,Trần Hải Phúc hoặc “kẻ biến thái” ở khu Công nghệ cao Q9… đều có sự chuẩn bị, lên kế hoạch rất kỹ càng cho hoạt động phạm tội của mình nên nhiều lần các đối tượng này đã thoát khỏi vòng vây của các lực lượng truy bắt, mai phục.

Lấy lời khai đối tượng Trần Hữu Phúc.

Lựa chọn đối tượng xâm hại: nghiên cứu các vụ xâm hại phụ nữ do các đối tượng “biến thái tình dục” thực hiện có thể nhận thấy hầu hết nạn nhân của chúng đều có các điểm chung, tương đối giống nhau. Nạn nhân của Hồ Lê Đăng Khoa thường là các cô gái trẻ mặc trang phục có màu sắc sặc sở, nhất là màu đỏ; nạn nhân của Phó Văn Chính chủ yếu là thiếu nữ trẻ hoặc trẻ em sống ở khu vực thưa dân cư; nạn nhân của Trần Hữu Phúc cũng chủ yếu là sinh viên hoặc phụ nữ trẻ…

Tương tự như vậy, nạn nhân của “kẻ biến thái” thực hiện hành vi đâm kim tiêm ở Khu Công nghệ cao Q9 tất cả đều là nữ công nhân… Việc xác định đối tượng xâm hại của các đối tượng “biến thái tình dục” là rất rõ ràng nhưng khi thực hiện hành vi xâm hại chúng lại thường thực hiện một cách ngẫu nhiên. Chỉ cần thấy bất kỳ phụ nữ nào có đặc điểm đã được xác định đối tượng sẽ ra tay, bất chấp hậu quả.

Quyết tâm thực hiện hành vi xâm hại đến cùng: bị thôi thúc bởi nhu cầu, hứng thú bệnh hoạn, các đối tượng “biến thái tình dục” quyết tâm thực hiện hành vi xâm hại phụ nữ đến cùng cho dù có nguy cơ bại lộ, bị bắt rất cao vẫn quyết không từ bỏ.

Chẳng hạn, sau khi thực hiện một số vụ xâm hại nữ sinh viên Đại học quốc gia Huế, mặc dù biết được các cơ quan chức năng đã mai phục, giăng lưới khắp nơi, thậm chí đặc điểm nhân dạng của đối tượng đã được phổ biến nhưng Trần Hữu Phúc vẫn quyết tâm thực hiện hành xâm hại bằng việc tấn công một phụ nữ trẻ đẹp khác trong shop thời trang.

Cảm giác hưng phấn sau khi thực hiện hành vi xâm hại: Mục đích xâm hại phụ nữ của các đối tượng “biến thái tình dục” nhằm thỏa mãn nhu cầu, hứng thú bệnh hoạn. Vì vậy, sau khi thực hiện hành vi xâm hại, các đối tượng “biến thái tình dục” thường có cảm giác rất hưng phấn.

Cảm giác này giống như cảm giác của con nghiện ma túy, tạo thành động lực thôi thúc đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi xâm hại phụ nữ. Thực tế đã chứng minh, các đối tượng như Phó Văn Chính, Trần Hữu Phúc… càng về sau càng thực hiện hành vi xâm hại phụ nữ với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn, điều này phản ảnh sự thỏa mãn nhu cầu, hứng thú tạo nên cảm giác “đặc biệt” cho các đối tượng này.

- Tìm hiểu thông tin về tính chất, hậu quả của hành vi xâm hại, dư luận xã hội đánh giá về hành vi xâm hại: để cảm giác “bệnh hoạn” được trọn vẹn và để đối phó với cơ quan điều tra, các đối tượng “biến thái tình dục” thường chú trọng đến việc tìm hiểu thông tin về tính chất, hậu quả của hành vi xâm hại, quá trình điều tra của cơ quan điều tra, dự luận xã hội đánh giá về hành vi của chúng như thế nào…

Do đó, khi xảy ra các vụ việc tượng tự, báo chí không nên mô tả chi tiết về vụ việc, tránh gây kích thích cho đối tượng “biến thái tình dục”. Đối tượng Trần Hữu Phúc, sau mỗi lẫn gây án đều lên mạng đọc báo, nghe ngóng dư luận đánh giá về hành vi của mình và luôn tỏ ra rất hưng phấn. Thậm chí, khi đi cùng với bạn gái, bạn gái của Phúc hỏi “gần đây có tên biến thái chuyên đâm phụ nữ làm em rất sợ”. Phúc thản nhiên trả lời “Em đi với anh thì sợ gì”.

- Tiếp tục thực hiện hành vi xâm hại khi chưa bị bắt: đối tượng “biến thái tình dục” thực hiện hành vi xâm hại phụ nữ sẽ không dừng lại cho đến khi bị bắt vì nhu cầu, hứng thú bệnh hoạn như là chất gây nghiện, luôn thôi thúc chúng thực hiện hành vi phạm tội bất cứ lúc nào khi có điều kiện.

Do đó, đối với trường hợp “kẻ biến thái” ở khu công nghệ cao Q9, chị em phụ nữ cần phải hết sức cảnh giác. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng ngoài việc tiếp tục khẩn trương điều tra truy tìm hung thủ, cần phải tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, mai phục, mở rộng địa bàn phòng ngừa nhằm kịp thời ngăn chặn không để hung thủ tiếp tục ra tay.

TS Đoàn Văn Báu
.
.
.