Sống sót sau 9 ngày bị lạc trong rừng Amazon nhờ… bầy khỉ
- Vì sao đội bóng nhí Thái Lan sống sót thần kỳ trong 9 ngày dưới hang ngập nước?
- Câu chuyện ly kỳ về thiếu nữ duy nhất sống sót sau vụ máy bay rơi xuống rừng Amazon
- 8 ngày sống sót trong rừng Việt Nam
Nằm giữa rừng mưa nhiệt đới, Công viên Quốc gia Madidi, Bolivia, nơi có con sông Amazon chảy qua được xem là khu vực hoang vu nhất Nam Mỹ. Từ rất lâu, dân địa phương vẫn tin rằng nơi này có thể “nuốt chửng du khách chỉ trong một giây” nên các công ty du lịch có trụ sở ở thị trấn Rurrenabaque nằm ven rìa công viên luôn cẩn trọng trong việc tổ chức những tour dã ngoại, và tính đến cuối năm 2016, chưa hề xảy ra một tai nạn nào.
Thế nhưng, đầu tháng 3-2017, Maykool Coroseo Acuna, một du khách 25 tuổi người Chile đột nhiên biến mất. Sau 9 ngày lạc trong rừng, anh được cứu sống bởi một… bầy khỉ!
Cuộc mất tích kỳ lạ
19 giờ ngày 9-3-2017, Feizer, hướng dẫn viên Công ty du lịch Max Adventures mời tất cả du khách tập trung tại sảnh nhà nghỉ để tham dự một buổi lễ, tiếng địa phương gọi là “Pachamama - Mẹ Trái đất”, do một pháp sư chủ trì. Theo giải thích của Feizar, nghi thức này đã có từ lâu, nhằm giúp du khách an toàn khi đi vào Công viên quốc gia Madidi.
Maykool lúc được 2 kiểm lâm tìm thấy. |
20 giờ, buổi lễ bắt đầu. Sau khi thắp 19 cây nến - tượng trưng cho 19 du khách - trước một cái khay chất đầy lá coca - là loại lá cây dùng để điều chế chất ma túy cocaine mà người Bolivia vẫn thường nhai nó hàng ngày để có thêm sức khỏe, vị pháp sư vẩy rượu ra xung quanh, cảm ơn “Pachamama đã cho phép khách lạ vào rừng”.
Tuy nhiên, trong buổi lễ lại vắng mặt Maykool Coroseo Acuna, một thanh niên người Chile 25 tuổi. Maykool đăng ký tham gia tour du lịch Công viên quốc gia Madidi cùng với 18 người khác nhưng khi buổi lễ cầu an diễn ra, Maykool không vào trong sảnh nhà nghỉ mà đứng lấp ló ngoài cửa. Antonio Pancho, du khách Mexico nói: “Anh ta không tin vào chuyện bùa phép thần quyền thì anh ta không tham dự thôi. Ai cũng có tự do của riêng mình, bắt ép thế nào được…”.
Khoảng 20 giờ 30 phút, buổi lễ kết thúc, nhóm du khách được mời đi ăn đêm nhưng không thấy Maykool. Sau khi dẫn khách đến nhà ăn, hướng dẫn viên Feizer quay lại phòng ngủ của Maykool rồi gõ cửa gọi anh ta nhưng vẫn chẳng thấy, điện thoại thì máy Maykool không đổ chuông.
Cùng với một hướng dẫn viên khác là Panicked, cả hai dùng đèn pin soi rọi các khu vực xung quanh nhà nghỉ. Đến 22 giờ, vẫn không phát hiện dấu vết gì của Maykool, họ báo cho lực lượng kiểm lâm công viên. Tiến hành tìm kiếm đến 5 giờ sáng nhưng vô ích, Maykool dường như đã hoàn toàn biến mất.
Theo Đội trưởng kiểm lâm Marcos, sông Amazon chảy qua địa hình chủ yếu là rừng rậm và đồi núi trong Công viên quốc gia Madidi, rộng hơn 1.600km2. Mùa nắng cũng như mùa mưa, nó luôn bị bao phủ bởi một màn sương mù dày đặc. Nếu bị lạc, rất khó để tìm được lối ra. Ngay cả dân địa phương cũng ít ai dám vào công viên một mình. Thông thường, các công ty du lịch chỉ dẫn khách đi sâu khoảng 8km đến bờ sông - nhưng cũng phải mất 5 tiếng nếu trời không mưa rồi dùng thuyền đưa họ trở lại thị trấn Rurrenabaque.
Marcos nói: “Vì vậy, việc mất tích của Maykool rất kỳ lạ. Trong đêm tối, anh ta không thể đi quá 1km vì rừng rất rậm rạp, ngay cả ban ngày cũng phải vạch lối mới đi được. Xung quanh nhà nghỉ cũng chẳng có ao hồ hay sông suối để có thể nói là anh ta trượt chân ngã xuống rồi chìm luôn”. Ông Uzquiano, giám đốc công viên nói: “Đây là một trường hợp thực sự khó hiểu. Chúng tôi không chắc chuyện gì đã xảy ra với Maykool. Biết đâu anh ta lại chẳng chơi khăm công ty du lịch bằng cách giả vờ tạo ra tình huống mất tích…”.
Cuộc tìm kiếm vô vọng
Sáng ngày 10-3, trước khi bắt đầu cuộc tìm kiếm Maykool với một lực lượng lên đến gần 50 người, gồm kiểm lâm, hướng dẫn viên Công ty du lịch Max Adventures cùng một số dân địa phương nhiều kinh nghiệm về rừng mưa nhiệt đới, nhóm cứu hộ mời hai pháp sư nổi tiếng là Romulo và Tiburcia đến làm lễ. Trước những khay lễ vật gồm lá coca, thuốc lá sợi, rượu, nến, hoa…, pháp sư Romulo tiến hành khấn bái, đọc kinh. Một lát, ông nói: “Anh ấy ở rất xa, ở một nơi chúng tôi không thể đến gần được". Tiếp lời pháp sư Romulo, pháp sư Tiburcia cũng thì thầm khấn vái: “Tôi gọi linh hồn Maykool trở lại với thế gian này. Chỉ như vậy mới tìm thấy anh ta”.
Trong suốt ngày 10-3, nhóm cứu hộ dàn thành hàng ngang, người nọ đi cách người kia 2m, từ cửa rừng tiến sâu vào trong. Đến tối, họ giăng võng ngủ ngay trong rừng và đốt nhiều đống lửa với hy vọng Maykool sẽ nhìn thấy. Trưa 11-3, cha mẹ Maykool cùng người chị ruột từ Chile bay sang, tham gia tìm kiếm. 5 ngày sau đó, họ đã lùng sục một khu vực rộng khoảng 10km2 nhưng không hề thấy một dấu vết nào của Maykool.
Marcos, đội trưởng kiểm lâm nói: “Ở nhà nghỉ, hai pháp sư Romulo và Tiburcia đêm nào cũng làm phép cầu an cho Maykool. Lễ làm phép diễn ra từ chập tối đến bình minh”. Kiểm lâm viên Rodiguez, người giàu kinh nghiệm nhất về Công viên quốc gia Madidi cho biết: “Trong suốt 20 năm, tôi chưa bao giờ chứng kiến một chuyện kỳ lạ như thế này. Trước đây, thỉnh thoảng cũng có khách đi lạc nhưng chúng tôi nhanh chóng tìm ra bởi lẽ sự vắng mặt của họ được phát hiện ngay. Nhưng với Maykool, chỉ 30 phút sau khi anh ta biến mất, hướng dẫn viên Feizar đã biết nhưng lại không tìm được…”.
Ngày thứ 6 kể từ khi Maykool mất tích, một kiểm lâm viên nhìn thấy một chiếc tất ở một bãi lầy, cách khu nhà nghỉ khoảng 10km. Lúc được cho xem chiếc tất, mẹ của Maykool xác định đó là tất của anh ta vì khi Maykool mua đôi tất này trong một siêu thị ở Chile, bà có đi cùng. Chiếc tất đã làm dấy lên một tia hy vọng nhưng theo Marcos, đội trưởng kiểm lâm, khả năng Maykool sống sót là rất thấp vì anh ta vào rừng chỉ với bộ quần áo bình thường, không lều bạt chăn mền, không áo mưa, không thức ăn, nước uống. Khoảng cách 10km tính từ nhà nghỉ cho thấy anh ta đã đi lạc rất xa.
Maykool (ngồi giữa) cùng những du khách và đội kiểm lâm sau khi thoát chết. |
Thế nhưng đối với 2 pháp sư Romulo và Tiburcia thì “chiếc tất là cánh cửa để tiếp xúc với linh hồn Maykool, gọi anh ta trở lại”. Sau hai đêm thức trắng cầu nguyện “Pachamama - Mẹ Trái đất”, cả hai pháp sư đều cùng tuyên bố rằng lời cầu nguyện của họ đã được Pachamama chấp thuận, họ đã liên lạc được với linh hồn Maykool, anh ta sẽ trở về.
Sáng 19-3, 9 ngày kể từ khi Maykool mất tích, hai kiểm lâm viên là Majias và Chico đang chuẩn bị tháo dây buộc chiếc thuyền của họ trên một con lạch nhỏ, là chi lưu của sông Amazon, nơi họ ngủ qua đêm trong cuộc tìm kiếm Maykool thì bỗng nghe tiếng hét “thuyền, thuyền” vang lên ở phía dưới, cách đó chừng 50m. Majias kể: “Tôi nổ máy cho thuyền vòng lại. Trước mặt chúng tôi là du khách mất tích. Anh ta đứng dưới nước, vừa khóc vừa la. Cùng với Chico, chúng tôi kéo anh ta lên rồi dùng bộ đàm gọi cho Marcos, đội trưởng kiểm lâm. Nghe tôi nói chưa dứt lời, Marcos hét lớn: “Anh ta còn sống không?”, tôi đáp: “Còn sống”.
Maykool được tìm thấy cách khu nhà nghỉ của Công ty du lịch Max Adventures chưa đầy 1,8km trong tình trạng suy kiệt. Trên da anh ta có nhiều chỗ lở loét do bị muỗi, ve và các loại côn trùng khác đốt. Điều lạ lùng là ở khu vực xung quanh con lạch ấy, nhóm cứu hộ đã càn quét từng mét vuông đất mà vẫn không thấy anh ta.
Sống sót nhờ bầy khỉ
3 ngày sau, Maykool hồi phục. Anh kể: “Buổi tối hôm diễn ra lễ cầu an, tôi chỉ nhìn vào một chút rồi ra ngoài. Đang đứng trước sân nhà nghỉ, bỗng dưng có tiếng nói thì thầm vào tai tôi: “Đi, đi vào rừng đi”. Tôi tự động bước mặc dù xung quanh tôi là bóng tối dày đặc, rừng lại rất rậm rạp nhưng tôi đi mà không hề vấp ngã...”.
Vẫn theo Maykool, anh đi suốt đêm. Đến sáng, xung quanh anh chỉ là một màu xanh thăm thẳm của rừng mưa nhiệt đới và cũng đến lúc đó, Maykool mới trở lại trạng thái bình thường. Anh kể tiếp: “Tôi hoảng hốt, cố tìm lối ra nhưng càng đi thì rừng càng rậm rạp, không hề có dấu hiệu nào chứng tỏ có người lui tới. Tôi đã điện thoại gọi hướng dẫn viên Feizar, gọi cha mẹ tôi, bạn bè tôi ở Chile không dưới 50 lần cho đến hết pin nhưng không máy nào đổ chuông mặc dù vẫn có sóng”.
Con lạch nơi nhân viên kiểm lâm tìm thấy Maykool. |
Ngày thứ 3 kể từ khi đi lạc, Maykool sa xuống một bãi lầy, lúc rút chân lên thì một chiếc giày tuột ra nên anh bỏ luôn chiếc tất. Đi được một đoạn, anh tháo chiếc giày còn lại, vứt luôn vì nó khiến anh “chân thấp chân cao”. Thức ăn của anh hầu hết chỉ là những loại côn trùng như cào cào, dế, bọ cánh cứng, còn nước uống là những vũng đọng lại sau cơn mưa.
Anh kể: “Đến ngày thứ 6, tôi hoàn toàn kiệt sức, trên da tôi có nhiều chỗ lở loét và có chỗ đã bắt đầu nhiễm trùng. Không còn đi nổi nữa, tôi ngồi xuống, dựa vào một gốc cây nhưng chỉ vài phút, bỗng nhiên từ trên cây rơi xuống một chùm quả chín đỏ, to bằng ngón tay. Ngước lên, tôi thấy một bầy khỉ chừng 20 con. Chúng vừa nhìn tôi, vừa nhai quả. Lúc ấy tôi nghĩ khỉ ăn được thì mình cũng ăn được”.
Ăn xong chùm quả, bầy khỉ bắt đầu di chuyển. Thấy Maykool không đi, chúng quay lại kêu ầm ĩ như muốn gọi anh theo chúng. Maykool kể tiếp: “Vậy là tôi đi theo vì tôi biết nếu ở lại, tôi sẽ chết. Bầy khỉ chọn những cành cây thấp, ngay trước mặt tôi để di chuyển, có lẽ để tôi khỏi mất dấu chúng. Cứ được vài tiếng, chúng lại ném xuống cho tôi một vài loại trái cây, chẳng biết là trái gì nhưng ăn được. Có những vũng nước thấy tôi định uống thì chúng nhảy xuống , kêu inh ỏi rồi dẫn tôi đến một vũng khác, nhìn rõ là sạch hơn...”.
Ngày thứ 9, bầy khỉ dẫn Maykool đến con lạch nhỏ. Và khi nghe tiếng động cơ thuyền máy của hai kiểm lâm viên Maijas, Chico, chúng quay vào rừng.
Khi câu chuyện của Maykool được các tờ báo ở Bolivia đăng tải, nhiều người không tin. Họ cho rằng Maykool cố ý trốn vào rừng trong 9 ngày để quảng cáo cho tour du lịch Công viên quốc gia Madidi nhưng họ không lý giải được vì sao anh ta lại không mang theo thức ăn, nước uống, lều bạt, bật lửa, thuốc diệt côn trùng vì không ai có thể sống nổi trong rừng Amazon quá 1 tuần nếu không có sự chuẩn bị.
Hơn nữa, khi kiểm tra điện thoại của Maykool, các nhân viên đội kiểm lâm, 18 du khách, 2 hướng dẫn viên cùng cha mẹ Maykool đều xác nhận trong điện thoại có tổng cộng 51 cuộc gọi, và thời lượng gọi lâu nhất kéo dài đến 1 phút nhưng không người nào thấy máy của họ đổ chuông.
Theo Marcos, đội trưởng kiểm lâm Công viên quốc gia Madidi, trong bán kính 20km tính từ khu nhà nghỉ, điện thoại di động vẫn có sóng, còn trong công viên có 3 loài khỉ là Rosillo, Lucachi và Titi nhưng không rõ loài nào là ân nhân của anh chàng du khách đã dám “báng bổ thánh thần”...