Nỗi đau ở nơi “cơn bão HIV” đi qua

Thứ Tư, 04/05/2016, 15:56
Minh Lập, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên vốn là xã thuần nông, nằm trong những xã nghèo của tỉnh Thái Nguyên. Cuộc sống khó khăn, một số người dân phải tìm đến các bãi vàng, bãi cát trong và ngoại tỉnh kiếm sống. Sau những cuộc đi xa ồ ạt ấy, họ trở về quê mang theo căn bệnh thế kỷ HIV. Căn bệnh này đã cướp đi biết bao sinh mạng, để lại biết bao hệ lụy ở làng quê vốn thanh bình, yên ả này...


Theo thống kê của Trạm Y tế xã Minh Lập, từ năm 1995 đến nay, xã có 189 người nhiễm HIV, số người đang điều trị bệnh là 89 người. Còn nhiều người chết có biểu hiện bệnh H nhưng chưa kịp xét nghiệm. Từ người nghiện đầu tiên vào khoảng những năm 1995 của thế kỷ trước, ma túy đã dần len lỏi đến nhiều gia đình, gieo rắc nỗi đau dai dẳng, nhiều gia đình táng gia bại sản, ly tán vì ma túy.

Nhưng hậu quả ghê rợn hơn là ma túy tiếp tay cho căn bệnh thế kỷ ngấm ngầm lan rộng. Mầm mống bệnh tật lây từ chồng sang vợ, sang con, tồn tại từ năm này qua năm khác. Trên thực tế, ở Minh Lập, có những đứa trẻ phải sống cảnh mồ côi khi cả cha và mẹ đều đã chết vì căn bệnh thế kỷ.

Chị H.

Chị Nguyễn Thị H., sinh năm 1981 – người được xem là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cả về vật chất và tinh thần khi “cơn bão trắng” đi qua. Gia đình chị, cả bên nội và bên ngoại có tới 6 người nhiễm HIV. Chồng chị H. là anh Nguyễn Văn T., hiền lành, ít nói lại chăm chỉ làm ăn.

Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ tuy khó khăn, nhưng luôn rộn rã tiếng cười. Bi kịch bắt đầu nảy sinh khi chồng chị H. theo anh trai mình vào Quảng Trị làm vàng. Trong cảnh rừng thiêng nước độc, lạ nước lạ cái lại thiếu thốn tình cảm nên anh T. luôn cảm thấy trống trải. Không giữ được bản lĩnh, anh T. đã bập vào ma túy và trở nên nghiện ngập.

Biết chuyện, chị H. đã rất bàng hoàng, đau khổ nhưng vẫn gắng gượng khuyên chồng cai nghiện. Thương vợ, nhưng ma túy đã ngấm vào máu nên anh T không thể từ bỏ. Bất lực, chị H. đã bế con bỏ về nhà ngoại những mong chồng nghĩ lại mà rời bỏ nàng tiên nâu. Chưa kịp thấy chồng thay đổi thì chị H nhận tin anh trai của chồng qua đời vì nhiễm căn bệnh thế kỷ.

“Lúc nghe tin anh chồng tôi chết vì nhiễm HIV, tôi đã lờ mờ nghĩ đến một kết cục chả tốt đẹp gì cho mình. Bởi chồng tôi đã từng vào đó làm vàng cùng anh chồng rồi cũng nghiện ngập. Thế nên khả năng chồng tôi bị nhiễm HIV là rất cao. Thực sự lúc đó tôi hoang mang lắm” – chị H. nhớ lại.

Cũng theo lời chị H. chia sẻ thì cùng thời gian trên, chị luôn cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức mà không rõ nguyên nhân. Lấy hết can đảm, chị H. đến bệnh viện làm xét nghiệm và chị gần như ngã quỵ khi nhìn thấy kết quả dương tính với HIV. Không bao lâu sau, chị tiếp tục nhận tin sét đánh khi biết chồng, con trai, anh rể, anh trai đều đã nhiễm HIV.

Cơn “lốc” ma túy và HIV bỗng chốc khiến gia đình chị lâm vào thảm kịch. Bao nhiêu tiền của trong nhà cứ đội nón ra đi theo những cơn phê ảo của ma túy và thuốc điều trị HIV. Căn bệnh HIV đã biến chị từ một người có đôi mắt đen huyền, nhanh nhạy, hoạt bát, vui tính thành người có đôi mắt sâu buồn, mái tóc rối, làn da đen nhẻm và một thân hình còm cõi.

Chị H. bảo nhiều lúc cũng nghĩ đến cái chết nhưng nhìn con thơ lại thấy xót xa. Nó còn quá nhỏ để hiểu được nỗi đau mà nó đang và sẽ phải gánh chịu. Từ chỗ suy sụp chị H. đã lấy lại tinh thần, chị cười bảo: “Số phận rồi, tránh cũng không được nên phải chấp nhận thôi. Trời cho sống ngày nào thì phải cố mà sống để còn nuôi con”. Vừa cười đấy nhưng chị H. lại khóc ngay được.

“Cơn bão trắng” đã làm gia đình chị H trong nỗi đau cùng quẫn.

“Cả gia đình tôi sống mà như chết khi hầu hết những người con trai đều nghiện và nhiễm HIV. Cả nhà bị người đời xa lánh, ghẻ lạnh, kỳ thị đã đành, nhưng tội nhất là mấy đứa trẻ. Kể từ ngày biết con trai tôi mắc bệnh thế kỷ, trẻ con trong xóm và bạn cùng trường hay gọi cháu bằng tên chính và phía sau lót thêm từ “ết” vào. Mỗi lần nghe chúng bạn gọi vậy, nó lại bỏ học chạy về nhà khóc. Nhiều khi nó chán nản lao vào chơi game, tôi bắt nó đi học trở lại thì nó bảo: “Con sắp chết rồi, học hành còn nghĩa lý gì”. Nghe con nói vậy tôi đứt từng khúc ruột. Những lúc như thế tôi cũng chỉ biết ôm con mà khóc thôi”.

Cùng chung nỗi đau vì “cơn bão trắng” và HIV, ở Minh Lập có hàng trăm người cùng lâm vào bước đường cùng.  Em Hà Văn Q. ngay từ nhỏ đã phải sống cảnh mồ côi. Cha Q. nhiễm HIV đã qua đời, mẹ bỏ đi, em được ông bà nội đón về nuôi. Ông bà Q. già yếu, hằng ngày phải đi mót lá chè bán kiếm tiền nuôi Q. và 3 đứa em con nhà chú Q., do người chú này cũng nhiễm H. và đã qua đời.

Căn nhà nơi Q. ở cùng ông bà nội và 3 em nhỏ nhà chú trống hơ trống hoác, chẳng có thứ gì đáng giá. Không khí u ám, tang tóc. Bà nội Q. nói mà nước mắt lưng chòng: “Ở tuổi như chúng tôi đáng lẽ phải được con cái chăm sóc đằng này vẫn phải nai lưng đi mót chè kiếm mấy đồng bạc lẻ nuôi các cháu dại. Già rồi như chuối chín cây, sống nay chết mai có biết trước được đâu. Chỉ thương mấy đứa cháu còn nhỏ quá, ông bà mất rồi biết lấy ai mà nương tựa”.

Chị Nguyễn Thị Kim Loan, cán bộ y tế xã Minh Lập phụ trách chương trình theo dõi bệnh nhân HIV cho biết, những ngày đầu tiên làm hồ sơ nhận thuốc kháng virus (ARV) cho người có H. vô cùng khó khăn, vất vả. Nhiều người tuyệt vọng, chán chường, buông xuôi, không muốn tham gia xét nghiệm, điều trị. Chị Loan nhớ lại: “Có cậu bé khi lập hồ sơ nhận thuốc mới 7 tuổi, gầy gò, ốm yếu, tôi trộm nghĩ không biết cậu bé có đủ sức đến khi hoàn thiện hồ sơ nhận thuốc hay không. Thế mà nhờ sự động viên của gia đình, điều trị thuốc đúng liều lượng, nay cháu đã học lớp 7, lớn lên khỏe mạnh. Ngoài giờ học, cháu giúp mẹ chăn trâu, cắt cỏ”.

Hỏi đường lên khu đồi trồng chè tại thôn Cà phê 2, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Giang đang cắm cúi bón phân cho luống chè. Đập vào mắt chúng tôi là chai nước lọc, một túi đựng thuốc đặt ở đầu nương chè. Sau tiếng chuông báo thức vang lên từ chiếc điện thoại di dộng, chị Giang nghỉ tay, với chai nước uống ực hết số thuốc mang theo. Chị Giang bảo: “Thuốc phải uống đúng giờ, đúng liều lượng. Nhiều khi mải làm quên mất nên tôi hẹn giờ điện thoại và mang theo nước, thuốc lên nương. Vừa chăm sóc chè, tranh thủ lúc nghỉ ngơi uống thuốc cho đúng giờ”.

Trạm Y tế xã Minh Lập từng là nơi cấp thuốc điều trị của nhiều bệnh nhân nhiễm HIV.

Từ ngày điều trị bằng thuốc ARV, sức khỏe của chị Giang đã ổn định. Ngày ngày chị vẫn chăm nương chè bán lấy tiền lo cho đứa con trai đang học cấp 3. “Thằng Tuấn ước mơ thi làm kỹ sư điện. Tôi động viên cháu cố gắng để đậu đại học. Nhiều lúc nó nói, nhà mình nghèo mẹ lấy tiền đâu mà nuôi con học đại học nhưng tôi bảo, mẹ còn sống ngày nào thì sẽ cố gắng làm hết sức cho con. Mẹ muốn con gắng học để có cái nghề sau này cuộc sống đỡ khổ”.

Ánh mắt chị Giang sáng lên khi kể về cậu con trai - niềm động viên, an ủi giúp chị vươn lên chống chọi với bệnh tật. Không có nương chè, nhiều người hằng tháng định kỳ về nhận thuốc ARV rồi khăn gói lên thị trấn ở Lạng Sơn làm thuê, bán hàng trong các chợ, kiếm tiền gửi nuôi những đứa con thơ dại nên người.

Ông Ngô Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Lập cho biết: “Nhiều người nhiễm HIV ở Minh Lập là phụ nữ và trẻ em do bị lây từ chồng, cha. Xã thành lập nhiều câu lạc bộ giúp người nhiễm HIV sinh hoạt, giới thiệu việc làm cho nhau như CLB Hoa hướng dương. Những nữ bệnh nhân có H được uống thuốc, điều trị đầy đủ, sức khỏe ổn định. Họ là lao động chính trong gia đình, tạo thu nhập để nuôi con cái do đa số chồng, cha đã chết vì HIV. Tham gia hoạt động cộng đồng, các chị sẻ chia, đồng cảm và động viên nhau vượt khó, cùng vượt qua bệnh tật và số phận nghiệt ngã”.
Phong Anh
.
.
.