Gần 30 năm hồi sinh một tộc người

Chủ Nhật, 18/06/2017, 08:05
Vào một chiều hè năm 1991, trên đường tuần tra biên giới, các chiến sỹ Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) Hà Tĩnh bất ngờ phát hiện một tộc người sống trong hang đá, giữa rừng sâu, vực thẳm.

Sau khi tìm hiểu, lãnh đạo chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh xác định đó là người Chứt. Cuộc giải cứu người Chứt ra khỏi hang sâu, vực thẳm, và hồi sinh tộc người này đã được các thế hệ lực lượng BĐBP Hà Tĩnh nối tiếp thực hiện trong nhiều năm qua.

Cuộc “giải cứu” kéo dài hơn 10 năm

Hai nhà nghiên cứu người Pháp là A.Cheon và Th.Guignard từng miêu tả, người Chứt là tộc người nhút nhát, khi thấy người lạ là họ tìm cách trốn biệt vào rừng sâu, tách biệt với thế giới còn lại.

Người Chứt trước đây không biết mặc quần áo, nam nữ đều che mình bằng vỏ cây rừng, họ ở sinh hoạt chung nhau trong hang sâu, thức ăn chủ yếu là tôm cá dưới suối, thú hoang trên rừng và bột cây báng. Năm 1991, khi BĐBP Hà Tĩnh phát hiện người Chứt chỉ có khoảng 20 người đang sống trong hang sâu trên dãy Trường Sơn thuộc biên giới Việt-Lào.

Cán bộ, chiến sỹ BĐBP Hà Tĩnh thăm, tặng quà bà con người Chứt ở bản Rào Tre, Hương Khê, Hà Tĩnh.

Sau gần 30 năm, đến nay người Chứt đã hồi sinh có 41 hộ với hơn 140 nhân khẩu sinh sống ở bản Rào Tre, thuộc xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Để có một bản Rào Tre như hôm nay, trong gần 30 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ lực lượng BĐBP Hà Tĩnh và chính quyền địa phương đã thực sự sát cánh cùng người Chứt để “vượt cạn” bỏ hang, bỏ suối về nhà.

Sau khi phát hiện, Hà Tĩnh đã nhiều lần tìm cách đưa người Chứt ra khỏi cuộc sống hang sâu nhưng đều bất thành. Cứ đưa ra khỏi hang được một vài ngày người Chứt lại nhớ rừng, nhớ núi tìm cách quay về.

Đêm, khi cán bộ địa phương ngủ là người Chứt tìm cách tháo chạy vô rừng. Ông Đặng Duy Báu-Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh lúc bấy giờ cùng với ông Võ Trọng Việt-Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh (nay là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) nhiều đêm liền ngồi với nhau bàn cách cứu tộc người này.

Khi ông Võ Trọng Việt nhận trách nhiệm để BĐBP Hà Tĩnh hồi sinh tộc người Chứt, nhiều người trong đơn vị tỏ ra ái ngại, bởi nhiều cơ quan, tập thể đã lặn lội vào cuộc hơn 10 năm trời cùng người Chứt nhưng rồi người Chứt vẫn không bỏ hang đá. Để cứu người Chứt, ông Việt cùng lãnh đạo đơn vị lên nhiều phương án, cách thức, sau đó thống nhất chọn phương án tối ưu thực hiện.

Một tổ BĐBP Hà Tĩnh được phân công vào tìm cách tiếp cận với người Chứt để tìm hiểu cách thức sinh hoạt, và học tiếng của đồng bào để làm tuyên truyền viên. Tổ công tác khác được phân công xuyên rừng đi chọn địa điểm phù hợp để tính đến phương án dựng bản cho người Chứt.

Mưa lâu thấm dần, một vài năm sau khi người Chứt đã quen mắt với màu áo BĐBP, thấy nhớ khi BĐBP vắng mặt, khi đau bụng, sinh con, khi cúng Giàng, thần linh cũng gọi BĐBP tham gia… Lúc này ông Võ Trọng Việt mới quyết định xây nhà ở bản Rào Tre đưa người Chứt trở về.

Những ngôi nhà sàn được dựng lên bằng cây rừng, kiến trúc theo kiểu hang dần dần cũng được bà con người Chứt đến ở. Tiếp đó, những ngôi nhà sàn lại được thay thế, cách tân kiểu mới, những lớp học được mở ra, trạm xá được dựng lên…

BĐBP đưa người Chứt đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và người Chứt tỏ ra thích thú và lãng quên hang đá lúc nào không biết. Rồi con em người Chứt đến trường trở thành những tuyên truyền viên cho bố mẹ xóa bỏ dần những hủ tục lạc hậu như mẹ chết phải chôn con theo, bỏ thầy mo, thầy cúng, không sợ con ma rừng…

Gần 30 năm để có một bản làng, nhiều cán bộ, chiến sỹ BĐBP Hà Tĩnh đã gắn bỏ hết cả cuộc đời binh nghiệp của mình để dạy chữ, để ăn ở sinh hoạt, giữ đường biên giới cùng bà con nơi đây.

Tiếp tục làm chỗ dựa tin cậy cho người Chứt

Để bảo vệ đường biên, đồng thời làm chỗ dựa hồi sinh cho đồng bào Chứt, nhiều năm qua Đồn Biên phòng Bản Giàng, BĐBP Hà Tĩnh, đóng tại xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh được phân công trực tiếp giúp đỡ bà con người Chứt ở bản Rào Tre.

Đồn Biên phòng Bản Giàng có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ tuyến biên giới dài 17,8 km với 6 cột mốc thuộc huyện Hương Khê, và 3 xã biên giới gồm Hương Lâm, Hương Liên, Hương Vĩnh nằm giáp 2 tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn (Lào).

Khi nói về đồng bào Chứt, Đại tá Võ Trọng Hải-Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh suy tư: Đưa bà con rời hang đá trở về là một kỳ tích thực sự, nhưng để người Chứt hồi sinh, người Chứt xóa dần các tập tục lạc hậu, nhiều thế hệ lực lượng BĐBP và chính quyền địa phương nơi đây vẫn đang phải tiếp tục “chiến đấu”, đó là cuộc “chiến đấu” với đói nghèo, với hủ tục mà bao năm qua vẫn còn đeo đẳng trong tâm trí một số người Chứt.

Trong những năm qua, một hủ tục người Chứt chưa xóa bỏ được đó là hôn nhân cận huyết. Tình trạng anh em con chú, con bác, hoặc con chị, con em lấy nhau ở đồng bào Chứt đã để lại hệ quả nặng nề là một số đứa trẻ sinh ra mất sớm hoặc bị dị tật bẩm sinh.

Thêm một lần “giải cứu” người Chứt tránh khỏi hôn nhân cận huyết, Đại tá Võ Trọng Hải cùng cán bộ chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh đang làm “bà mối” dựng vợ gả chồng cho trai, gái ở bản Rào Tre. Anh cho biết, một tổ công tác của BĐBP nắm cụ thể tên tuổi của những trai, gái ở bản sắp đến tuổi dựng vợ gả chồng. Sau đó tổ công tác của BĐBP tìm cách se duyên cho trai, gái bản.

Năm 2016, BĐBP Hà Tĩnh đã se duyên cho 5 cặp vợ chồng người Chứt ở bản Rào Tre, trong đó có 3 đồng chí BĐBP lấy gái bản gắn cuộc sống cùng bà con dân bản. Nhờ sự se duyên của BĐBP Hà Tĩnh, nhiều cặp vợ chồng ở bản Rào Tre đã có cuộc sống mới như chị Hồ Thanh Mai, người con gái dân tộc Chứt kết duyên cùng anh Lê Xuân Công, ở xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê.

Sau khi nên vợ nên chồng, vợ chồng Công được BĐBP hỗ trợ về nhà ở, giúp con, cây giống để làm nương, làm rẫy. Trung úy Nguyễn Tuấn Anh, BĐBP Hà Tĩnh, người nhiều năm gắn bó với dân bản cũng đã chọn cô gái Chứt làm người bạn đời của mình…

Bên cạnh giúp người Chứt xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu, BĐBP Hà Tĩnh và chính quyền địa phương nơi đây đã và đang có nhiều việc làm thiết thực để giúp đỡ bà con dân bản phát triển vững bền hơn BĐBP Hà Tĩnh đã tham mưu cho UBND tỉnh Hà Tĩnh lập Đề án “Phát triển đồng bào dân tộc Chứt tại bản Rào Tre đến năm 2020”.

Những ngày đầu năm 2017, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Bản Giàng phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Hương Khê tổ chức khởi công xây dựng 6 ngôi nhà tặng cho 6 gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhà cửa bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng tại bản Rào Tre.

Mặt khác để tránh tình trạng bà con dân tộc Chứt có tâm lý ỷ lại, BĐBP Hà Tĩnh vừa hỗ trợ, giúp đỡ vừa cầm tay chỉ việc, hướng dẫn bà con cách thức phát triển chăn nuôi, trồng rừng, làm lúa nước…

Từ “giải thoát” đến hồi sinh dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, nay lực lượng BĐBP Hà Tĩnh đang tiếp tục đồng hành với người Chứt trên mặt trận xóa đói giảm nghèo.

Dương Sông Lam
.
.
.