Đôi bạn thân

Thứ Năm, 18/01/2018, 10:11
Ất và Giáp là đôi bạn thân, sống chung làng, học chung lớp, chăn trâu chung một đồng.


Xét về tài trí và độ quậy phá, nghịch ngợm cả hai cũng ngang ngửa nhau. Tháng này Ất được xếp hạng nhất lớp, thì tháng sau Giáp nhất lớp. Tháng này Ất bị thầy khẽ tay 5 lần, bị hàng xóm mắng 4 lần, thì tháng sau Giáp cũng bị thầy khẽ tay 4 lần, bị hàng xóm mắng 5 lần.

Cả hai còn có một điểm chung khác, đó là rất có hoa tay. Ất vẽ đẹp như rồng bay phượng múa, Giáp cũng vẻ đẹp chẳng kém phượng múa rồng bay.

Cứ như vậy cả hai cùng lớn lên, cùng gắn bó, cùng quậy phá và ngày càng thân thiết.

Ảnh minh họa.

Đến năm lớp 12, để thể hiện tình bạn gắn bó keo sơn của mình, Ất và Giáp đã ngoéo tay sẽ cùng thi vào một trường duy nhất, là Đại học Kiến trúc.

Do có năng khiếu bẩm sinh, lại học giỏi từ bé, nên cả hai đều dễ dàng đỗ vào Đại học Kiến trúc. Ở đại học, họ tiếp tục gắn bó cùng nhau, cùng học giỏi và cùng nổi tiếng, là hai ngôi sao sáng của trường.

Trước khi ra trường, Ất và Giáp lại một lần nữa ngoéo tay nhau, cam kết sau này sẽ tiếp tục thể hiện tình bạn không gì chia cắt được bằng việc sẽ cùng thi công một loại công trình nhất định.

Và loại công trình họ định cùng trổ tài chính là cái cổng chào.

Đây là ý kiến của Ất. Lúc đó đất nước đang trên đà phát triển đô thị hóa, Ất dự báo thế nào nhu cầu xây dựng cái cổng chào của ấp văn hóa, làng văn hóa, rồi xã, thị trấn, huyện, tỉnh, thành phố… thế nào cũng lên cao như lũ sông Cửu Long.

Mà quả đúng thế thật. Khi họ làm luận án tốt nghiệp cũng là lúc “phong trào” xây cái cổng chào bắt đầu nở rộ.

Nhưng đùng một cái, ngày cả hai nhận bằng tốt nghiệp cũng là ngày chia tay của đôi bạn thân Ất - Giáp. Gia đình Ất được bảo lãnh sang Mỹ theo diện H.O, nó phải đi cùng gia đình.

Dù sang Mỹ, Ất hứa cũng sẽ trung thành với lời hứa của đôi bạn thân, sẽ không xây dựng công trình gì khác ngoài cái cổng chào, hình như bên ấy gọi là “greeting signs” hay gì đó.

Trải qua 10 năm, Giáp ngày càng phất lên trông thấy vì công trình cái cổng chào mọc lên như nấm sau mưa khắp cả nước. Mà ở đâu không xây cái cổng chào thì thôi, đã xây là phải tiền tỷ trở lên.

Nhỏ nhỏ như cái làng gì ở miền Trung thì cái cổng chào 4 tỷ, hoành tráng hơn thì như một thành phố cảng với cái cổng chào 24 tỷ, hay hơn nữa là một tỉnh ở miền Nam với cái cổng chào 40 tỷ.

Là kiến trúc sư thiết kế cái cổng chào từ ngày manh nha có phong trào, lại được đào tạo bài bản chính quy và có năng khiếu từ nhỏ, nên hầu như cả nước ở đâu có nhu cầu xây cái cổng chào đều mời Giáp.

Giáp tha hồ hốt bạc, đặc biệt vì các công trình cái cổng chào dù đắt đỏ và lung linh hoành tráng như vậy nhưng tuổi thọ lại không cao. Có cái được 2 năm, cái 3 năm là phải làm lại.

Công trình làm không hết là điều cực tốt, nhưng với một người “có tâm” như Giáp, nó đã nảy sinh một cái khó. Đó là làm thế nào để không cái cổng chào nào trùng thiết kế với cái cổng chào nào.

Vì vậy, trong suốt 10 năm, Giáp đã phát huy hết mức khả năng sáng tạo của mình, đã đạt trình độ nhìn gì cũng ra cái cổng chào. Nhìn những cánh buồm, Giáp thiết kế ngay cái cổng chào hình cánh buồm; nhìn cánh chim, Giáp cũng thiết kế được cái cổng chào hình cánh chim đang bay…

Nhưng hôm nay, Giáp tạm nghỉ ngơi để đi đón thằng Ất, người bạn thân sau 10 năm xa cách.

Ngả người 2 tiếng đồng hồ trên chiếc Limousine chờ tài xế len lỏi qua dòng xe chật cứng để vào sân bay, Giáp mường tượng bạn mình nay hẳn oai phong đường bệ lắm.

Ngày xưa Ất vốn đã to con, đẹp trai và trắng trẻo hơn Giáp. Nay sau 10 năm sống ở xứ sở văn minh giàu có, ắt hẳn nó còn “phát tướng” gấp 10 lần mình, Giáp thầm nghĩ.

Nhưng Giáp vào ga, chờ hoài mới thấy một thằng Ất gầy trơ, đen nhẻm lỉnh kỉnh đẩy hành lý đi ra. Cả hai gặp nhau ai nấy đều mắt chữ O mồm chữ A, vì không ngờ thằng bạn ngày nay khác xa với trí tưởng tượng của mình như vậy.

“Ồ! Mày dạo này phát tướng ghê, đường bệ oai vệ quá!”, thằng Ất lên tiếng trước.

“Thì cũng nhờ nghề xây cái cổng chào mà ra thôi. Còn mày, sao đi Mỹ về mà cứ như đi Cam thế?”, Giáp hỏi lại.

“Thì cũng vì cái nghề xây cái cổng chào cả thôi”, Ất đáp. “Bên Mỹ, cái cổng chào của họ hoành tráng lắm cũng chỉ bằng cái bảng chỉ đường bên ta thôi, mà tuổi thọ lại kéo dài hàng thập kỷ. Mày nghĩ tao làm sao khá nổi? Phen này tao định về Việt Nam làm với mày”.

Út Ngông
.
.
.