Cuộc sống của những người đào vàng tại Uganda qua ảnh

Thứ Ba, 10/10/2017, 22:55

Sử dụng hình ảnh để kể chuyện, nhiếp ảnh gia Ian Berry đưa độc giả đi từ những mỏ vàng dựng tạm tại Uganda cho đến những cửa hàng trang sức tại London trong chiến dịch Fairtrade nhằm chấm dứt tình trạng bóc lột và làm việc nguy hiểm mà các thợ mỏ ở châu Phi phải đối mặt. 

Các mỏ vàng tại Uganda nằm sâu trong lòng đất, xung quanh vùng đất trù phú ven hồ Victoria. Công việc đối với các thợ mỏ tại đây rất nặng nhọc và độc hại nhưng nguồn thu đem về không đáng kể. Mỏ vàng Angariama do một nhóm phụ nữ Uganda phụ trách.

Những người khai thác vàng tại mỏ khai thác mở Margaret Ikee. Vàng được khai thác bởi các thợ thủ công quy mô nhỏ thường được đem bán để sử dụng làm trang sức, thiết bị điện tử. Song, sự thiếu minh bạch trong chuỗi cung ứng khiến người tiêu dùng hầu hết không biết nơi mà trang sức của họ được khai thác.

Một người thợ đào vàng ở mỏ Margaret Ikee đang rửa tay. Những người thợ tại đây thường phải đối mặt với điều kiện làm việc nguy hiểm, đói nghèo và bị bóc lột.

Những người thợ mỏ đều ở trong những căn nhà tạm. Trong hình, họ đang đào bới quanh chính khu vực sống của mình. Nhiếp ảnh gia Berry cho biết: "Điều ám ảnh tôi nhất là việc toàn bộ ngôi làng bị đào xới. Họ đào bới với hi vọng tìm thấy bất cứ mảnh vàng nhỏ nào, sau đó đem bán cho những con buôn và nhận lại chỉ bằng 1/20 giá trị tiền mà số vàng đó đáng giá trên thị trường".

Một cậu bé đang ngồi phía trước ngôi nhà dựng tạm. Cuộc sống bấp bênh của những người thợ mỏ cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của những đứa trẻ sinh ra tại đây.

Một gia đình đang tập trung đãi cát để tìm kiếm những mảnh vàng vụn. Tại Margaret Ikee, hầu như ai cũng phải tham gia công việc đãi vàng, một công việc nặng nhọc kéo dài cả ngày chỉ để chắc chắn sẽ có đồ ăn đặt trên bàn mỗi tối.

Những người thợ mỏ làm việc tại một mỏ lộ thiên ngập nước tại khu vực Busia United.

Nguồn nước ô nhiễm, nguy cơ nhiễm độc cao là những gì mà các thợ mỏ bất kể lứa tuổi tại Busia United có nguy cơ đối mặt.

Một chiếc máy lọc rửa đang được đưa vào sử dụng tại mỏ vàng Tiira.

Những người thợ mỏ đốt thủy ngân khỏi vàng trong không gian gần nơi ở để tạo ra một mảnh vàng khối hoàn chỉnh. Điều đáng nói là việc xử lý vàng với chất độc thủy ngân đều được thực hiện hoàn toàn bằng tay. 

Những người thợ mỏ tại Busia United mang vàng đến bán cho một con buôn địa phương. Vàng được kiểm tra bằng một chiếc cân nhỏ. Tại Uganda, 130.000 người được tuyển dụng để trở thành thợ mỏ làm việc tại các mỏ vàng nhỏ, nhưng có 800.000 người khác đang  "hành nghề" tự do không giấy phép. Các thợ mỏ không có giấy phép sản xuất khoảng 2,8 tấn vàng mỗi năm, song hầu như số lượng này đều bị xuất khẩu trái phép.

Những biển báo nguy hiểm có mặt tại nhiều mỏ vàng. Nhưng vì những lợi ích kinh tế sống còn, nhiều thợ mỏ vẫn bất chấp điều kiện nguy hiểm để làm việc.

Chiến dịch Fairtrade làm việc với các nhóm khai thác mỏ vàng, qua đó đào tạo họ về cách bảo vệ sức khỏe và an toàn nơi làm việc cũng như các kỹ năng sống cần thiết.

Ở cách đó hơn 10.000 cây số, tại London, một thợ làm trang sức đang hơ lửa làm nóng chảy vàng để thiết kế nhẫn cho khách hàng.

Không gian làm việc khác biệt tại London.
Những sản phẩm cuối cùng được đưa đến tay khách hàng sau một chặng đường dài với nhiều công sức.

An Nhiên (Theo The Guardian/Ian Berry)
.
.
.