Cổ tích giữa đời thường

Thứ Ba, 31/01/2017, 08:05
Anh sinh ra đã thiếu may mắn khi ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin, thân thể không lành lặn như bao người khác. Chị cũng chịu chung số phận, nhưng ông tơ bà nguyệt đã khéo léo sắp đặt, xe duyên để hai người nên nghĩa vợ chồng. Quả ngọt của cuộc tình da cam cảm động ấy là một nhóc tỳ khỏe mạnh, lành lặn chào đời, trở thành chỗ dựa tinh thần cho hai phận người hao khuyết.


Về xã Hưng Chính, huyện Hưng Nguyên (nay là thành phố Vinh), tỉnh Nghệ An, hỏi về một trong những sự kiện đáng nhớ nhất trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, hẳn nhiều người sẽ không quên được đám cưới giản dị nhưng nồng ấm tình người giữa anh Ngô Xuân Bình và chị Phan Thị Yến, cùng trú tại xóm 2 xã này.

Chị Phan Thị Yến (38 tuổi), là con út trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Oái ăm thay, những năm tháng lăn lộn nơi chiến trường, chất độc da cam đã ngấm vào bố chị, để lại nỗi đau di chứng trên cơ thể của chị.

Lọt lòng, chị Yến đã không may mắn như bao nhiêu đứa trẻ khác, khuôn mặt bị biến dạng, miệng méo xệch khiến chị rất khó khăn trong việc phát ngôn. Ý thức được nỗi đau của bản thân, Yến đã cố gắng vượt qua số phận, tự khẳng định bản thân để tồn tại, chị không muốn vì khiếm khuyết cơ thể mà phải sống phụ thuộc vào người khác.

Thời gian đầu, chị đến xin học may tại một cơ sở dạy nghề dành cho người khuyết tật, ngày ngày mưu sinh bằng nghề may vá, sửa chữa quần áo cũ cho người quen trong xóm. Cơ hội cuộc đời mở ra khi Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hưng Nguyên mở lớp làm hoa lụa, Yến được giới thiệu theo học lớp này.

Sau giờ học, cu Hoàn lại thay mẹ chăm sóc bố trong sinh hoạt thường ngày.

Trải qua khóa đào tạo, với sự cố gắng của bản thân cộng với năng khiếu bẩm sinh, chị đã có cần câu cơm, hằng ngày nhận làm công cho một cơ sở sản xuất hoa tươi tại thành phố Vinh. Thu nhập dựa vào lượng sản phẩm hằng ngày chị làm ra, dù không dư giả song cũng đủ để trang trải cho bản thân.

Ở làng bên, anh Ngô Xuân Bình (41 tuổi), cũng là nạn nhân của chất độc da cam. Sinh ra, bản thân anh chân tay co quắp, nói không thành lời. Anh Bình là con của một cựu binh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng là bạn chiến đấu của cha chị Yến. Hai người lính chung một nỗi đau, ngày ngày nhìn khúc ruột mình dứt ra không mang hình hài trọn vẹn, họ chỉ biết nuốt nước mắt vào trong đau đớn.

Trở lại với câu chuyện của anh Bình, do không tự chủ được bản thân nên ngày ngày, người thân trong gia đình ngoài việc phải phụ trợ việc sinh hoạt cá nhân, còn phải để mắt đến, vì chỉ lơ là một khắc là Bình lại bò lê ra đường, nhiều hôm không nhớ đường về. Nhưng rồi, chính những khi gia đình bận việc đồng áng, sự “lang thang” của anh đã đem đến cái kết có hậu rất bất ngờ.

Ngày ngày, chị Yến đạp xe đến cơ sở làm hoa lụa đều đi qua ngõ nhà anh Bình, và người đàn ông này dù khiếm khuyết tứ chi, giọng nói, nhưng lại có một cái đầu tỉnh táo và con tim biết rung động.

Khi Bình si mê Yến, nằng nặc đòi chúng bạn chở đến nhà để làm quen, và đòi bố mẹ đến xin Yến về làm vợ, nhiều người – trong đó có cả bố mẹ anh - đều cho rằng Bình đã không còn bình thường về tâm trí nữa. Song, trước sự nằng nặc và quả quyết rằng Yến cũng có tình cảm trở lại, đấng sinh thành đã từ nỗi đau chuyển sang cảm thông, chia sẻ.

Kể lại những ngày tháng Bình đeo đuổi mình, chị Yến chia sẻ: “Anh Bình dù thiệt thòi về cơ thể nhưng có một tâm hồn rất đa cảm. Ngày đó, chính sự chân tình của anh ấy đã khiến trái tim tôi rung động. Trước khi nhận lời cầu hôn của Bình, tôi cũng suy nghĩ rất nhiều, về tổ ấm gia đình, về những đứa con sau này liệu có ảnh hưởng di chứng như bố mẹ chúng nó hay không. Nhưng rồi, sự chân thành đã đưa chúng tôi về sống chung với nhau dưới một mái nhà”.
Chị Yến đang chăm sóc anh Bình sau khi gác lại công việc thường nhật.

Ấy là vào năm 2004, được sự tán thành và tác hợp của hai gia đình, anh Bình và chị Yến quyết định tổ chức lễ cưới. Một bữa tiệc nho nhỏ nhưng ấm cúng đã được bà con lối xóm chung tay tổ chức. Hình ảnh cô dâu rạng rỡ trong bộ váy cưới màu trắng, tay đẩy chú rể co quắp trong chiếc xe lăn lên hôn trường ra mắt mọi người đã khiến những người có mặt, chứng kiến trào nước mắt.

Nhiều người thậm chí còn lo lắng về tương lai của hai người, về số phận của những đứa trẻ ra đời sau này… nhưng rồi, theo thời gian, tổ ấm ấy không những ngày càng vững bền theo thời gian, năm tháng mà nó còn được nhân lên bằng một thiên thần hoàn hảo.

Anh Bình, chị Yến cho biết, khi về ở với nhau dưới một mái nhà, ban đầu hai vợ chồng không dám sinh con, vì sợ lại phải gánh chịu nỗi đau như bố mẹ. Nhưng nỗi khát khao có một đứa trẻ để ẵm bồng đã chiến thắng mọi âu lo vặt vãnh thường ngày, anh chị vẫn quyết định sinh con.

Một năm sau ngày cưới, khi bế trên tay cháu Ngô Xuân Hoàn, cả anh chị lẫn hai bên nội ngoại đều thở phào nhẹ nhõm, cháu bé hoàn toàn lành lặn, khỏe mạnh. Đến nay, cháu đã 12 tuổi, là một học sinh xuất sắc của Trường THCS Hưng Chính. Yến kể, 12 năm chăm cháu là quãng thời gian với biết bao cung bậc âu lo, sợ sệt đến vui mừng, sung sướng. Giờ thì anh chị đã có thể nhờ được cháu nhiều việc trong nhà.

Sau giờ lên lớp, Hoàn thường giúp mẹ chăm sóc, tắm rửa và cho bố ăn. Từ khi con trai đỡ đần được những việc này, chị Yến có thêm thời gian để đi làm nên đời sống gia đình cũng bớt chật vật hơn so với trước đây.

13 năm làm vợ, chị vừa quần quật kiếm tiền nuôi sống cả gia đình, vừa chăm chồng, vừa nuôi con nhưng người đàn bà này chưa một lần than thở. Ngược lại, chị thấy hạnh phúc với nỗi bận bịu và nhọc nhằn đó của mình. Hằng ngày, sau giờ làm hoa nhựa, chị còn nhận thêm việc cắt may, sửa quần áo để tối về tranh thủ làm, kiếm thêm thu nhập. Cứ như thế, khó khăn dần ở lại sau lưng, một tay chị Yến quán xuyến được hết mọi chuyện trong gia đình, nỗi lo thường trực về cơm áo gạo tiền cũng dần lùi vào quá khứ.

Biết tôi là nhà báo, anh Ngô Xuân Bình cố gắng vừa phát âm, vừa diễn đạt bằng hành động, ý chừng muốn gửi gắm điều gì đó. Phải qua sự “phiên dịch” của một bà cô, tôi mới hiểu ra thông điệp mà người đàn ông này muốn chuyển tải. Rằng, anh biết ơn chị Yến nhiều lắm, chính chị đã mang đến cho anh một cuộc sống mới, một gia đình bé nhỏ nhưng ấm áp, yêu thương. Có Yến, anh Bình cảm thấy không vô nghĩa trong cuộc sống bận rộn này.

Chị Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hưng Chính cho biết: Ở địa phương, tấm gương nghị lực vươn lên của hội viên Phan Thị Yến là rất hiếm có. Thời gian qua, các cấp hội, tổ chức đoàn thể cũng thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên anh Bình, chị Yến. Vợ chồng đều bị di chứng của chiến tranh nên hoàn cảnh kinh tế gia đình không như những vợ chồng khác. Từ khi Hội Phụ nữ xã tổ chức cho chị em học nghề làm hoa lụa, chị Yến là thành viên tham gia nhiệt tình. Chính vì vậy, đến nay, thương hiệu hoa lụa của chị Yến đã được nhiều người dân đón nhận. 

Thiện Thành
.
.
.