Chuyện cảm động về người hơn 40 năm nuôi mẹ và đi tìm mộ anh là liệt sỹ

Thứ Hai, 31/07/2017, 07:56
Dọc theo triền đê ven bờ sông Lam, tôi tìm về gặp chị Trần Thị Hào, người vẫn luôn được người dân ở quê xem cuộc đời chị như câu chuyện cổ tích thời hiện đại.

Anh trai hy sinh ở chiến trường, chị Hào ở vậy thay anh nuôi mẹ. Hàng ngày nhìn mẹ ngồi tựa cửa ngóng anh, chị thầm hứa sẽ đi tìm để “đón” anh về. Hơn 40 năm qua, dù cuộc sống đang gặp nhiều khó khăn, nhưng chị Hào đã khăn gói đi hết nơi này nơi khác tìm mộ anh mình.

Nhiều người dân thôn Phượng Đình, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An nơi chị Hào sinh sống khi nhắc tới chị đều tỏ ra cảm phục. Lên năm tuổi chị mồ côi cha, anh em ở với mẹ. Rau cháo qua ngày, đến tuổi trưởng thành thì đất nước rơi vào giai đoạn khốc liệt của chiến tranh đánh Mỹ. 

Chị Trần Thị Hào, người hơn 40 năm ở vậy nuôi mẹ và đi tìm mộ anh là liệt sỹ.

Theo lời chị Hào kể, người anh trai duy nhất của chị Hào là anh Trần Công Lý (SN 1946) mới 19 tuổi đã viết đơn vào Thanh niên xung phong. Từ tháng 4-1965 đến năm 1968, anh Lý cùng đồng đội luôn có mặt ở các tọa điểm lửa để làm đường thông cho xe ra tiền tuyến như ở cầu Bùng, Hoàng Mai, Truông Bồn, rừng Săng Lẻ…

Sau ba năm đi Thanh niên xung phong, anh Trần Công Lý được về lại quê hương lao động, sản xuất. Là con trai độc nhất của gia đình nên anh được miễn gọi nhập ngũ. Nhưng về quê được vài tháng thì chiến trường miền Nam rền vang tiếng súng cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta. Ăn Tết xong, anh Lý lại một lần nữa viết đơn tình nguyện xin vào chiến trường miền Nam đánh giặc. Chị Hào và mẹ giấu nước mắt tiễn anh lên đường.

Hành quân theo chiều dài đất nước, đối mặt với kẻ thù qua nhiều trận đánh ở Cồn Tiên, Dốc Miếu, đường 9 Quảng Trị…năm 1969, anh Trần Công Lý đã anh dũng hy sinh ở miền Tây Quảng Trị. Ngày nhận giấy báo tử của anh, mẹ đã khóc cạn nước mắt và đau ốm liệt giường vì thương con. 

Lúc đó, chị Trần Thị Hào đã nghĩ: Mẹ mất chồng khi mới chưa đầy 30 tuổi, ở vậy khổ cực nuôi con, giờ anh Lý con trai duy nhất của mẹ hy sinh, nên chị quyết định ở vậy thay anh chăm sóc mẹ. Tuổi mười tám, đôi mươi nhiều người đến dạm hỏi về làm dâu, làm vợ, nhưng chị Hào đều từ chối. 

Hàng ngày chị chăm sóc mẹ già, hương khói cho anh trai. Chị đi học thêm và về làm nhân viên y tế làng. Cứ vậy, ngày này qua ngày khác chị chăm sóc mẹ già. Nghe lời mẹ chị kiếm con riêng để nuôi cho bớt hiu quạnh chứ chị không chịu lấy chồng rời mẹ.

Nhiều buổi chiều, khi hoàng hôn buông xuống, nhìn mẹ ngồi tựa cửa nhìn ra xa, chị hỏi thì mẹ trả lời “đợi thằng Lý về”. Những lúc ấy ruột gan chị như bị ai xát muối. Chị quyết định khăn gói đi tìm phần mộ của anh trai mình. 

Chị tìm đến những người cùng đơn vị của anh để hỏi, theo chỉ dẫn của họ rồi chị đi tìm. Người phụ nữ cả đời chưa ra khỏi lũy tre làng, nên mỗi lần đi tìm anh là một lần chị gặp phải vô vàn khó khăn, vất vả. 

Lau vội giọt nước mắt chị Hào nói “Có nhiều lần lên xe khách, vào Quảng Trị bỡ ngỡ chẳng biết xuống chỗ nào. Xuống xe lúc một hai giờ sáng, chị cứ ngồi ở bến xe chờ trời sáng. Cầm được ít tiền xe, tiền tàu nên cũng chẳng dám thuê chỗ nghỉ, chẳng dám ăn. Ngược xuôi hết nghĩa trang này đến nghĩa trang khác, không tìm thấy tên anh mình, chị lại lên xe khóc từ Quảng Trị về đến nhà…”. 

Từ khi mẹ qua đời, lòng mong mỏi tìm được mộ anh trai lại càng thôi thúc chị. Nuôi được con heo, con gà chị cũng bán cất giữ tiền để đi tìm mộ anh. Năm nay đã ngoài 60 tuổi, tóc đã bạc, lưng đã còng, chị vẫn chạy đua cùng thời gian khao khát tìm mộ anh mình.

Chị Hào làm nhân viên y tế của làng từ năm 1970, bất kể đêm hôm, mưa rét khi có người gọi đau ốm, chị lại cùng chiếc túi xúc xắc cùng dụng cụ y tế đến nhà chăm sóc giúp người bệnh. Mỗi vụ mùa chị được mỗi hộ gia đình trong làng trả tiền công bằng 2 lạng thóc. 47 năm làm nhân viên y tế làng, nay đã nghỉ nhưng trong xóm ngoài làng có ai gọi là chị lại đến giúp…

Trao đổi với chúng tôi về trường hợp anh trai liệt sỹ Trần Công Lý, chị Hào mong muốn, đề nghị địa phương và các sở ngành liên quan ở Nghệ An sớm quan tâm giải quyết chế độ Thanh niên xung phong cho thân nhân liệt sỹ Trần Công Lý. 

Qua bài viết này, chúng tôi hy vọng ai biết phần mộ liệt sỹ Trần Công Lý ở đâu xin báo về cho chị Trần Thị Hào, xóm Phượng Đình, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An (trong giấy báo tử của liệt sỹ Lý ghi: hy sinh ở chiến trường miền Tây Quảng Trị).

Dương Sông Lam
.
.
.