Cảm thương số phận cụ ông phải sống kiếp "rùa bò" nơi hẻm núi

Thứ Năm, 05/01/2017, 08:05
Đó là số phận không may mắn của ông Lâm Văn Sạch (71 tuổi) ở xóm Ca Liệng, xã Thụy Hùng, huyện Thạch An (Cao Bằng). Từ khi ăn bữa thịt gấu vào năm 11 tuổi, ông Sạch bị ốm nằm liệt suốt nhiều năm mới gượng dậy được. Do ngồi nhiều nên lưng ông Sạch bị còng, chân không co được, phải bò đi bằng bốn chi.

Vào mùa lạnh, bệnh của ông lại tái phát khiến toàn thân đau nhức, nhất là các đốt xương. Hiện ông Sạch chỉ sống một mình, không có ai để nương tựa, rất cần sự chia sẻ của cộng đồng và những người giàu lòng nhân ái. 

Ngã bệnh vì bữa thịt gấu

Men theo con đường nhỏ ở ven đồi, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến nhà ông Sạch nơi hẻm núi của xóm Ca Liệng. Khi nghe chúng tôi gọi lớn, ông Sạch mới bò ra để mở cửa. Đập vào mắt chúng tôi là hình dáng khắc khổ cùng những bước chân rất khó khăn và nặng nhọc. 

Do là mùa đông lạnh, lại đau nhức khắp các khớp xương nên ông Sạch chỉ nằm ở trong nhà, khi nào có người đến thăm ông mới dậy để mở cửa. Hiện ông Sạch bị tàn tật, lưng còng nên phải đi như rùa ở dưới mặt đất.  

Sau lời giới thiệu của chúng tôi, ông Sạch liền mời khách vào nhà. Bước vào bên trong ngôi nhà là không gian ẩm thấp, ngoài chiếc giường và một bộ bàn ghế nhựa, vật dụng cũng chẳng có gì đáng giá. 

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Sạch bùi ngùi kể: "Lúc mười một tuổi, tôi có ăn một bữa thịt gấu, do không hợp thịt gấu nên mới bị như thế này. Từ khi bị ốm liệt, ba năm sau mới gượng dậy được, sau đó lại nằm tiếp ba năm nữa. Hết nằm rồi lại ngồi đến nỗi còng lưng, xương cột sống bị thối đi một ít. Từ đó đến giờ tôi phải sống kiếp người rùa, không đứng dậy được".

Do bị còng lưng nên ông Sạch luôn phải ngồi ngửa người ở trên giường trong tư thế khó khăn và nặng nhọc. Có lẽ cả cuộc đời ông cũng chỉ có nằm nghiêng, nép mình như vậy. Trong không gian chật hẹp ấy, ông Sạch lại hồi tưởng về quá khứ. 

Ông Lâm Văn Sạch trước ngôi nhà của mình.

Theo ông Sạch, cha ông là người Mông, mẹ là người Nùng. Ngày còn bé, ông Sạch cũng lành lặn như bao đứa trẻ khác nên cuộc sống gia đình lúc nào cũng tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. 

Kể từ khi ăn bữa thịt gấu năm 11 tuổi, bỗng dưng chân tay ông Sạch bị liệt, phải nằm ở trên giường suốt một thời gian dài mới bò được. Mặc dù cha mẹ đã đi khắp nơi để xin thuốc chữa bệnh nhưng vẫn không khỏi… 

Từ ngày ông bị ốm rồi nằm liệt, cuộc sống trong gia đình cũng bị xáo trộn, cha ông bỏ nhà, bỏ vợ để đi lấy vợ hai. Mặc dù ông Sạch bị ốm quặt quẹo nhưng bà mẹ vẫn không ngừng hy vọng và đặt niềm tin vào đứa con của mình. Sau ba năm chăm sóc, ông Sạch đã gượng dậy được nhưng vẫn không thể đứng lên được. Tia hy vọng lóe lên nhưng rồi lại vụt tắt, và ông Sạch lại nằm tiếp ba năm nữa.

Trong ngôi nhà tranh vách nứa nơi thâm sơn cùng cốc ấy, họ chỉ biết đùm bọc lẫn nhau. Màn đêm buông xuống bao trùm nơi hẻm núi, ngọn đèn dầu leo lét khi tỏ khi mờ, người thiếu phụ lại nghĩ đến chồng và lo cho đứa con tàn tật, những giọt nước mắt của số phận lại lăn dài trên gó má…  

Thời gian trôi đi đằng đẵng, bằng nghị lực của mình, cuối cùng ông Sạch cũng bò được từng bước nhỏ. Mặc dù đã có sự cố gắng, nhưng "ông trời" đã không thương ông. Và có lẽ cũng chẳng có một phép màu nào cứu vãn được đôi chân của ông.

Ông Sạch phải sống "kiếp người rùa" bò chậm chạp ở dưới mặt đất. Lắm hôm ông bò ra đường và cũng có không ít lời bàn tán xì xào, họ bảo ông là rùa, là dị nhân dị quái… Nhưng lúc như vậy, ông Sạch chỉ biết cúi đầu, quệt ngang nước mắt rồi lại lổm nhổm bò về phía trước.

Mặc dù bệnh tật nhưng ông Sạch vẫn không ngừng nỗ lực và cố gắng. Hồi đó khi ông ở nhà vẫn thường phụ giúp mẹ những công việc nhẹ như nấu cơm, quét nhà, nhặt củi…

Sống "kiếp người rùa" đến năm 40 tuổi thì mẹ ông mất. Hôm mẹ mất, ông cũng chỉ biết khóc, khóc đến nỗi cạn cả nước mắt. Cũng may ông được hàng xóm giúp đỡ, an ủi và động viên nên cũng vơi đi nỗi đau mất mát này.

Năm 1973 ông Sạch chuyển nhà từ xóm Nà Lũng về xóm Ca Liệng xã Thụy Hùng sinh sống. Từ ngày về xóm mới, ông cũng trở nên vui hơn vì có sự quan tâm của chính quyền địa phương xã. Ông cười rồi bảo: "Bộ bàn ghế này là do xã tặng, còn cái bình đựng nước ở trong kia là do các cháu trong hội thành niên tình nguyện cho".

Ông Sạch phải nghiêng từ từ xuống giường để nằm ngủ.

"Kiếp người rùa" cô độc nơi xóm núi

Sống một mình mãi rồi cũng đến lúc phải già nua, mắt mờ, lưng còng, sức khỏe cũng giảm sút đi. Những hôm trái gió trở trời, khắp toàn thân ông Sạch lại đau nhức, thập chí nằm liệt cả tuần. Những hôm như vậy ông Sạch lại phải nhờ hàng xóm nấu cơm, hoặc mua thức ăn về để dự trữ. 

Bệnh tật ốm đau khiến ông Sạch cũng trở nên ít nói hơn. Ông Sạch trầm ngâm bảo: "Càng rét đầu gối của tôi lại càng đau, lắm hôm nghe nó kêu cọc cạch cọc cạch khắp trong các đốt xương. Nó đau đến nỗi không nghĩ được việc gì, cũng may là có ý tá họ quan tâm, cho thuốc". 

Với ông Sạch, sự dày vò của bệnh tật phải trải qua suốt cả một mùa đông, đến tháng hai, tháng ba khi trời nắng ấm mới đỡ đau. Trong thời gian lạnh này, ông Sạch phải lắp điện thoại ở trên đầu nếu chẳng may ốm nặng, không dậy được thì ông sẽ gọi cho hàng xóm đưa đi bệnh viện, bởi một năm không biết bao nhiêu là trận ốm đau mà kể. Ông Sạch bảo: "Ở đây được cái y tá bản ngày nào họ cũng đi qua, mình không có tiền, mình cứ lấy thuốc trước, lúc nào mình có tiền mới đưa sau".

Để kháng lại bệnh tật, ông Sạch phải dùng than lửa để sưởi ấm. Ở trong bếp, ông còn có một người bạn thân nữa là một chú chó. Những lúc buồn vui ông chỉ biết tâm sự cùng nó, có lẽ vì vậy mà nó cũng trở nên hiền hơn. Nếu sưởi ấm ở trong bếp mỏi chân ông lại lê lết đi nằm ngủ. 

Các thao tác đưa người lên giường cũng rất khó khăn, phải từ từ nghiêng người nếu không ông sẽ bị ngã. Và khi nằm ông cũng chỉ nằm được hai tư thế, hết đau bên này ông lại nghiêng người sang bên nọ.

Việc sinh hoạt như nấu cơm, tắm giặt cũng rất khó khăn. Để xách được nước, ông Sạch phải rót nước vào các chai nhựa rồi đeo lủng lẳng vào thắt lưng. Nhìn những bước đi nặng nhọc của ông khiến cho chúng tôi không khỏi thương xót.

Sau khi đi lấy vợ hai, bố ông Sạch cũng sinh được một người em gái. Mặc dù còng lưng, nhưng cứ khỏe mạnh là ông Sạch lại đi thăm người em gái của mình. 

Ông vẫn dành tình cảm và sự quan tâm đến người em cùng bố khác mẹ này. Nhìn sâu vào đôi mắt ông, tình thương giữa con người và con người là vô bờ bến. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy nhưng ông vẫn khao khát hướng đến sự yêu thương, đùm bọc.

Ông nuôi gà và rất thích cho chúng ăn.

Thấy hoàn cảnh nghèo khổ côi cút, để có chỗ chui vào chui ra, năm 2014 chính quyền xã đã hỗ trợ xây cho ông một căn nhà cấp bốn. Hàng tháng ông Sạch cũng chỉ sống dựa vào vài trăm nghìn tiền trợ cấp xã hội. Do tuổi già nên ông Sạch thường xuyên bị đau ốm nên số tiền ấy cũng không đủ để trang trải.

Trong lúc nói chuyện, đàn gà ở trong cũi lại kêu lên cục cục ấp cho đàn con khỏi lạnh. Thấy vậy, ông Sạch lại đi lấy thóc cho chúng ăn. Và số phận của ông cũng tựa như những chú gà, cần sự che chở. 

Sự cô đơn ấy rất cần những tấm lòng đồng cảm, bởi ông Sạch cần sự yêu thương, dù chỉ là những vật chất nhỏ bé những cũng phần nào sưởi ấm tình người. Những bát gạo bát ngô của những người thường xuyên lui tới sẽ là nguồn động lực để ông tiếp thêm niềm tin vào cuộc sống.

Chia tay ông Sạch khi trời đã nhá nhem tối, hơi lạnh của màn đêm lại bao trùm khắp xóm núi. Ông Sạch lại lê lết bò vào nhà để chuẩn bị cho bữa cơm tối. Trong căn nhà ấy, ông Sạch sẽ lại phải vật lộn với bệnh tật, ốm đau và cả sự khó khăn trong cuộc sống. 

Sự lạnh lẽo trống vắng của một phận người, rất cần sự chung tay góp sức của những người giàu lòng hảo tâm nhân ái. Hy vọng rằng trong quãng thời gian này, ông Sạch sẽ nhận được nhiều lời động viên chia sẻ từ cộng đồng.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Ông Lâm Văn Sạch, xóm Ca Liệng, xã Thụy Hùng, huyện Thạch An tỉnh Cao Bằng, số điện thoại 01234240247.

Minh Phượng
.
.
.