Cai nghiện tại chùa

Thứ Hai, 05/03/2018, 12:51
Thiền viện Thamkrabok (huyện Phra Phutthabat thuộc tỉnh Saraburi của Thái Lan được thành lập năm 1958. Khách du lịch ít đến đây. Phần đông những người đặt chân đến chốn tâm linh này để được cai nghiện.

Nằm ẩn sâu bên một tuyến đường cao tốc tấp nập xe cộ, cách thủ đô Bangkok độ 2 tiếng lái xe về hướng Bắc, thiền viện Thamkrabok được xem là cứu cánh cuối cùng của những người lầm lỡ.

Công tác điều trị chủ yếu dùng áp dụng với các chứng nghiện opioid, methamphetamine và rượu, miễn mọi chi phí hoàn toàn cho các bệnh nhân, nhưng đổi lại bệnh nhân phải cam kết ở lại đây 14 ngày để được điều trị tận gốc (khách ngoại quốc chỉ cần 7 ngày). 

Hàng ngày, các bệnh nhân được chỉ định uống trà thuốc ngay sau bữa chiều trong suốt 5 ngày liên tục và không được phép rời khỏi nơi điều trị mà không được sự cho phép và hộ tống bởi các sư thầy. Anh Jeremy Nemeh, người Australia, được mẹ đưa đến thiền viện Thamkrabok từ tháng giêng năm 2016. Giờ đây, Jeremy đã xuống tóc tu hành tại chùa, sau khi việc điều trị bệnh kết thúc. 

Nói chuyện với vẻ bình tĩnh và một chút thận trọng, Jeremy Nemeh giải thích rằng anh đã từng bị mắc nghiện heroin. Jeremy chua xót kể lại: ban đầu là dùng opioid, sau đó dùng morphine, rồi cuối cùng là chơi liều cao heroin.

Hòa thượng Vijit Akarajitto và bệnh nhân Jeremy Nemeh (giữa) thường có những buổi thảo luận bằng tiếng Anh với các bệnh nhân ngoại quốc.

Ít nhất có 2 bệnh nhân khác, cả 2 đều là công dân Canada, cũng mắc những chứng nghiện thuốc phiện tương tự sau thời gian dùng thuốc giảm đau được chỉ định. Đó là trường hợp của bệnh nhân 22 tuổi tên là Alexandra Sheichuk đến từ Calgary, Alberta, mẹ của Sheichuk cũng mang cô tới thiền viện Thamkrabok sau khi bà nghe phong phanh những người khác rỉ tai nói về cách trị bệnh tại ngôi chùa này.

Sheichuk kể rằng cô đã vận lộn với việc lạm dụng thuốc giảm đau kể từ năm 12 tuổi, sau đó tăng liều năm cô 14 tuổi và được chỉ định dùng Tylenol 3 (thuốc này có chứa Codeine) dùng để trị chứng đau lưng khi Sheichuk tập ba-lê. 

Trớ trêu thay trong thời gian phục hồi bệnh, Sheichuk lại bập vào nghiện cocaine. Nữ bệnh nhân Sheichuk kể, các nhà sư thuyết giảng và nhấn mạnh vào khả năng tự lực cánh sinh để điều trị bệnh của bệnh nhân và nêu cao tinh thần kỷ luật, họ giúp các bệnh nhân đi qua một hình thức chữa bệnh tâm linh thần bí gọi là sacaat.

Sacaat được hiểu nôm na thì đó giống như cách tự hứa với lương tâm của mình, cụ thể như không được biểu lộ sự bực tức, giận dữ ít nhất 2 tiếng trong mỗi ngày, bệnh nhân phải tự mình bày tỏ lòng tôn trọng cha mẹ và quyết liệt từ bỏ việc tái nghiện ngập. Vấn đề là khi bệnh nhân hoàn thành lời thề của họ thì cảm xúc của sự hoàn thành và tự kiểm soát sẽ nhân lên gấp bội, từ đây bệnh nhân cảm thấy họ được tự trao quyền để kiểm soát chính mình. 

Một nhà sư đang giúp bệnh nhân nôn ra độc tố sau khi họ uống nước trà thảo mộc giải độc.

Ngoài ra, thiền viện Thamkrabok cũng phát cho mỗi bệnh nhân một quyển sách nhấn mạnh về sự thật mà mỗi con người cần phải tự mình nhận ra nó để hối lỗi, quay đầu và hướng về nẻo thiện. Giải thích về Sacaat, phó viện trưởng thiền viện Thamkrabok, hòa thượng Vijit Akarajitto cho rằng việc làm đó là một cách để mỗi bệnh nhân tự mình kiện toàn sức mạnh ý chí, tự tin rằng bản thân sẽ kiểm soát chứng nghiện và tránh bị tái nghiện.

Hòa thượng Vijit Akarajitto nhấn mạnh: "Không ai khác có thể giúp đỡ chúng ta, ngoại trừ bản thân mình". Nhưng ông cũng thừa nhận rằng bản thân ông rất lo ngại chuyện bệnh nhân sẽ mất phương hướng và rồi lại tái nghiện khi họ quay về nhà mình. Hòa thượng Vijit Akarajitto không thống kê được tỷ lệ thành công sau điều trị cai nghiện vì chùa không có người theo sát các bệnh nhân cũng như không có bệnh nhân nào sau điều trị lại quay trở về chùa lần hai. 

Một bài báo đăng hồi năm 2015 trên tạp chí VICE trích dẫn một nghiên cứu trên 65 bệnh nhân nghiện ma túy tại thiền viện Thamkrabok: 90% trong số họ đã hoàn tất chương trình chữa bệnh, và 60% hết nghiện 1 năm sau đó. Theo Viện nghiên cứu lạm dụng ma túy quốc gia Mỹ (NIDA) thì cũng có khoảng từ 40% đến 60% tái nghiện trong số các bệnh nhân.

Bệnh nhân Alexandra Sheichuk kể rằng cô đã khóc khi lần đầu tiên trị liệu tâm linh Sacaat. "Tôi chưa bao giờ thực hiện việc giải độc hay đến một trung tâm điều trị đại loại như vậy. Ở đây không cần dùng đến thuốc, chỉ là dùng năng lượng nội sinh để tự chữa trị cho chính mình. Lúc đầu, tôi không tin, và nhiều người phương Tây có lẽ cũng cho rằng đó là chuyện tầm phào".

Hải Thanh (tổng hợp)
.
.
.