VNPT - 20 năm đồng hành cùng Internet Việt Nam

Chủ Nhật, 19/11/2017, 09:17
Chính thức kết nối mạng mạng toàn cầu từ ngày 19-11-1997, sau 20 năm phát triển, Internet Việt Nam đã đạt được nhiều bước phát triển ấn tượng. Trong hành trình 20 năm đó, VNPT đã luôn tiên phong trong việc xây dựng, phát triển hạ tầng mạng lưới, dịch vụ, góp phần phổ cập sâu rộng Internet tại Việt Nam.

Tiên phong, đặt những nền móng đầu tiên

Năm 1997, khi Việt Nam chính thức kết nối Internet toàn cầu, Tập đoàn VNPT (lúc đó là Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam) là đơn vị duy nhất lúc đó được Nhà nước tin tưởng giao trọng trách xây dựng hệ thống đường trục kết nối Internet quốc gia và đi quốc tế. 

Hạ tầng mạng Internet ở Việt Nam được xây dựng bằng những viên gạch đầu tiên với 64kbps kết nối quốc tế cho khoảng 300 người sử dụng với hai hướng kết nối chủ yếu: Mỹ và Australia. VNPT không chỉ là nhà cung cấp cổng truy nhập Internet duy nhất mà còn là 1 trong 4 nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đầu tiên của Việt Nam lúc bấy giờ. 

Năm 2003, VNPT đã tiên phong triển khai Mạng viễn thông Thế hệ mới (Next Generation Network) trên mạng đường trục, cho phép triển khai nhiều dịch vụ tích hợp; đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của Internet và các ứng dụng trên nền băng rộng.

Tháng 5-2003, VNPT chính thức cung cấp dịch vụ Internet băng rộng ADSL trên quy mô toàn quốc với thương hiệu MegaVNN. Đây được xem là dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao đầu tiên tại Việt Nam, đưa Internet Việt Nam bước sang một giai đoạn phát triển mới. Số lượng người dùng tăng nhanh, Internet đã thay đổi từ một dịch vụ xa xỉ nhưng hạn chế về nội dung trở thành dịch vụ phổ biến. 

Dấu ấn VNPT trong hành trình 20 năm phát triển
Internet Việt Nam

1997: Là đơn vị duy nhất được Nhà nước tin tưởng giao trọng trách xây dựng hệ thống đường trục kết nối Internet quốc gia và đi quốc tế.

2003: Chính thức cung cấp MegaVNN - Dịch vụ truy nhập Internet tốc độ độ cao đầu tiên tại Việt Nam, cú huých giúp lượng người dùng Internet gia tăng nhanh chóng.

2009: Tiên phong cung cấp dịch vụ internet băng rộng di động (3G) tới người dùng Việt Nam.

2010: Tiên phong đầu tiên thử nghiệm công nghệ băng rộng di động thế hệ thứ 4 (4G).

2016: Tiên phong cung cấp dịch vụ internet băng rộng di động 4G tới người dùng, chính thức ghi tên Việt Nam vào bản đồ 4G thế giới.

2017: Tiên phong cung cấp các gói dịch vụ tích hợp (internet cáp quang, di động, 3G, truyền hình) với giá cước tiết kiệm, mở ra xu hướng tiêu dùng mới cho người Việt.

Bắt nhịp với xu hướng chuyển dịch từ cáp đồng sang cáp quang trên thế giới, năm 2009 các ISP trong nước cũng bắt tay vào triển khai công nghệ mới này. VNPT cũng là một trong những doanh nghiệp tiên phong bắt tay vào triển khai nhanh chóng mạng internet băng rộng cáp quang trên diện rộng.

Bên cạnh Internet băng rộng cố định, VNPT còn tập trung phát triển Internet băng rộng di động, đáp ứng nhu cầu ngày càng càng cao của xã hội. Ngay sau khi chính thức nhận giấy phép 3G của Bộ TT&TT, tháng 12-2009, cả 2 mạng di động của VNPT lúc đó là VinaPhone và MobiFone đã nhanh chóng triển khai dịch vụ 3G tại tất cả các tỉnh, thành phố.

Năm 2010, VNPT tiếp tục trở thành doanh nghiệp tiên phong về băng rộng di động khi triển khai thử nghiệm công nghệ 4G (LTE) tại Hà Nội, cho phép tốc độ tải xuống lớn nhất lên tới 100 Mbps. 

Tháng 11-2016, VNPT cũng là doanh nghiệp viễn thông tiên phong cung cấp dịch vụ 4G, chính thức ghi tên Việt Nam lên bản đồ 4G thế giới. Tốc độ download dữ liệu trung bình ghi nhận cao gấp từ 7-10 lần, độ trễ giảm tới 3 lần so với dịch vụ 3G.

Trải qua 20 năm, VNPT đã không ngừng đầu tư, hiện đại hóa hạ tầng mạng lưới, mở rộng các hướng kết nối nhằm cung cấp dịch vụ Internet với chất lượng tốt nhất. 

Đến nay, mạng lưới Internet của VNPT đã kết nối tới toàn bộ 63 tỉnh/thành phố, tổng lưu lượng đường Internet đi quốc tế lên tới gần 1.700 Gbps. Mạng băng rộng di động 3G, 4G phủ sóng khắp cả nước. Mạng cáp quang FTTH của VNPT hiện đã phủ sóng tới 97% số xã trên cả nước.

Với 4 triệu thuê bao, VNPT hiện là nhà cung cấp dịch vụ chiếm tới tới gần 50% thị phần thuê bao Internet băng rộng cố định cả nước (tính tới cuối năm 2016 là 46,1% - Nguồn Sách trắng CNTT&TT 2017).

Đoàn viên Thanh niên VNPT phổ cập tin học và Internet cho các em học sinh trường THPT Sìn Hồ, Lai Châu

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ GTGT trên nền Internet

Song song với việc phát triển hạ tầng mạng lưới, VNPT luôn nhận thức rõ vai trò của việc phát triển các ứng dụng, dịch vụ giá trị gia tăng trên nền mạng băng rộng.

Tháng 3-2009, VNPT đã được Thủ tướng Chính phủ tin tưởng giao nhiệm vụ cung cấp hạ tầng mạng phục vụ phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Đến nay, VNPT đã triển khai Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ cho công tác điều hành của các cơ quan Đảng và Nhà nước tới các cấp địa phương; Cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho nhiều Hội nghị truyền hình trực tuyến của các cơ quan ban, ngành trong cả nước.

Hiện nay, khi mà hạ tầng Internet đã tương đối đầy đủ, cả xã hội đang hướng tới đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp CNTT trên nền Internet để nâng cao hiệu quả hoạt động, VNPT tiếp tục khẳng định vai trò của mình với nhiều giải pháp CNTT đang được tin tưởng sử dụng trên khắp cả nước, trong mọi lĩnh vực.

Ví dụ, trong lĩnh vực Giáo dục, hơn 12.000 trường học trên cả nước hiện đang sử dụng Hệ thống quản lý trường học VnEdu của VNPT để quản lý điểm, quản lý các kỳ thi, lập thời khóa biểu, trao đổi với phụ huynh học sinh…. 

Trong lĩnh vực Y tế, phần mềm quản lý khám chữa bệnh VNPT-HIS hiện đang giúp giảm đáng kể thời gian chờ khám, chờ làm thủ tục của bệnh nhân, đơn giản và minh bạch hóa việc thanh toán bảo hiểm y tế tại hơn 7.000 cơ sở y tế, bệnh viện đa khoa trên cả nước.

Nhận xét về quá trình tái cấu trúc tại VNPT hồi đầu năm 2017, Thủ tướng đánh giá cao việc VNPT đã phát triển một hệ sinh thái Chính phủ điện tử hoàn chỉnh và xây dựng một hạ tầng mạnh, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng Chính phủ điện tử. 

Bộ Giải pháp Chính phủ điện tử của VNPT đang được triển khai tại rất nhiều tỉnh thành phố trên cả nước. Ví dụ: Hệ thống một cửa điện tử liên thông (VNPT-iGate) đang triển khai ở gần 1.300 đơn vị, Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (VNPT-iOffice) đang được triển khai ở gần 2.000 đơn vị, …

Trên nền mạng di động, hiện cũng có hàng trăm dịch vụ, tiện ích được cung cấp tới người dùng như: Mobile TV, Video Call, Mobile Internet…

Đồng hành đưa Internet tới cộng đồng

Bên cạnh việc kinh doanh dịch vụ, VNPT cũng là một trong các doanh nghiệp đi đầu trong việc phổ cập, đưa Internet đến mọi vùng miền của đất nước.

Trong 20 năm qua, VNPT đã triển khai rất nhiều hoạt động cộng đồng để thực hiện mục tiêu đó. Ví du như triển khai đưa Interrnet về nông thôn qua hơn 2.000 điểm BĐ-VH xã; Xây dựng và đưa vào hoạt động các “Vườn tri thức VNPT” - Mô hình kết hợp của phòng máy tính được kết nối mạng Internet băng rộng cùng với các thiết bị phụ trợ như máy in, webcam, tủ sách kiến thức với khuôn viên cây xanh tạo nên không gian học tập, giải trí cho thanh thiếu niên nông thôn.

Tháng 6-2011, VNPT và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp triển khai xây dựng thí điểm 62 “Điểm Internet thanh niên” cho 62 huyện nghèo. 

Cùng với đó, VNPT còn tích cực triển khai các hoạt động phổ biến, phổ cập kỹ năng CNTT và Internet cho thanh niên và người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa với các chương trình: "Một triệu giờ đồng hành"; "Tuổi trẻ VNPT nối mạng tri thức"; "Hành trình Tuổi trẻ nhiệt huyết"… nhằm phổ cập tin học và Internet cho thanh niên, đoàn viên, chiến sỹ… tại nhiều địa phương trên cả nước.

Có thể nói, trong 20 năm qua, những nỗ lực trong phát triển hạ tầng, dịch vụ cũng như các triển khai các chương trình đồng hành cùng cộng đồng của VNPT đã góp phần không nhỏ đưa Internet Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Xuất phát sau các quốc gia khác khoảng 7 năm song hiện Việt Nam đang nằm trong top đầu những quốc gia có lượng người dùng Internet nhiều nhất trong khu vực và trên thế giới (thứ 6 khu vực châu Á và thứ 12 toàn thế giới - Nguồn Internetworldstas). 

Mới đây nhất, tại Hội thảo quốc tế “Quản lý Cạnh tranh và Giá cước viễn thông”, chuyên gia của một số tổ chức viễn thông quốc tế và của một số nước tỏ ra khá bất ngờ sự phát triển nhanh chóng của internet cáp quang tại Việt Nam, không chỉ về số lượng người dùng mà cả độ rộng vùng phủ sóng của mạng.

An An

.
.