Ứng dụng công nghệ hiện đại… để tiết kiệm cát
Các đập thủy điện trên thượng nguồn dòng chính Mekong đang ngăn chặn trầm tích đổ xuống hạ du, khiến cát về ĐBSCL ngày càng khan hiếm. Giá cát, khai thác cát, vấn nạn sạt lở bờ sông cùng gia tăng… khiến cho ĐBSCL ngày càng mong manh. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại sản xuất cát sạch, tiết kiệm tài nguyên cát trở nên cần thiết hơn bao giờ hết…
- Cát tặc đang làm “rỗng ruột” sông Lô
- Hai lần nổ súng truy bắt “cát tặc” trong đêm
- Vĩnh Long có 25 mỏ cát đang hoạt động, cấp phép khai thác
Tại Cần Thơ, kỹ sư “vườn” Võ Tấn Dũng, với ý tưởng chế tạo máy sàng rửa cát san lấp thành cát sạch… đang rất cần cho ngành xây dựng hiện nay. Mấy chục năm gắn bó trong ngành xây dựng, ông Dũng nhận thấy nhu cầu sử dụng cát sạch ngày càng nhiều. Điều đó thôi thúc ông phải chế tạo ra thiết bị sản xuất cát sạch. Ít ai nghĩ một giám đốc công ty xây dựng với chuyên ngành tài chính như ông Dũng lại đi chế tạo máy, trong khi đây là lĩnh vực hoàn toàn mới đối với ông.
Ông Võ Tấn Dũng - Giám đốc Công ty Phan Thành, chia sẻ: “Mục đích của thiết kế là loại bỏ bùn, tạp chất hữu cơ và các chất có hại khác để đạt tiêu chuẩn cát xây dựng góp phần tăng tuổi thọ công trình, tận thu nguồn cát mỏ dưới lòng sông, tiết kiệm nguồn tài nguyên cát”.
Trung bình mỗi ngày, dây chuyền sản xuất cát sạch đưa ra thị trường trên 1.000 m3 cát sạch. |
Để làm được điều đó, ông Dũng mất 6 năm với 6 lần thay đổi thiết kế và đầu tư hàng tỷ đồng để chế tạo máy. Giờ thiết bị sàng lọc, rửa sạch cát của ông đã được tối ưu hóa. Trung bình mỗi ngày Công ty của ông đưa ra thị trường trên 1.000 m3 cát sạch. So với hình thức thủ công thì cần ít nhất một tuần mới sàng lọc xong nhưng chất lượng cát lại không cao.
Với thiết bị này, cát được rửa, loại bỏ các tạp chất quá kích cỡ để tạo ra nguồn cát sạch. Thiết bị sẽ phân ra 3 loại, gồm: cát to dùng cho bê tông, cát mịn cho xây tô và cát nhỏ dùng san lấp. Bên cạnh đó, thiết bị còn cho ra một số sản phẩm công nghiệp, như: cát bán sét, cát lọc nước, cát sản xuất gạch không nung, sỏi dùng trang trí nội, ngoại thất.
Ông Võ Tấn Dũng (bên phải), chỉ đạo công nhân vận hành dây chuyền sản xuất cát sạch. |
Được biết, cuối năm 2016, Bộ KH&CN chính thức cấp Bằng sáng chế độc quyền công nghệ sản xuất cát sạch đầu tiên tại Việt Nam cho ông Võ Tấn Dũng. Công nghệ này đã được triển khai tại nhà máy chế biến cát sạch của ông Dũng ở Cần Thơ.
Hiện ông Dũng đang tập trung chế tạo máy, đầu tư mở rộng hệ thống sàng rửa cát tại Tiền Giang, Long An, TP Hồ Chí Minh... Nếu nhân rộng giải pháp này, mỗi năm có thể sản xuất trên 17 triệu m3 cát mịn mà ĐBSCL đang khai thác để san lấp thành cát sạch sử dụng cho sản xuất bê tông, vữa xây dựng, thay thế trên 11 triệu m3 cát thô. Từ đó giải quyết tình trạng khan hiếm cát xây dựng, giảm áp lực khai thác cát thô cùng tình trạng nạn sạt lở ở các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long.
Ứng dụng công nghệ hiện đại để sản xuất cát sạch, giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên cát hiện nay. |
Hồi cuối tháng 2 vừa qua, Chính phủ và Bộ Xây dựng, chính thức công bố rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, khẳng định việc ứng dụng công nghệ chế biến cát sạch của ông Võ Tấn Dũng vào thực tiễn sẽ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, kỹ thuật và xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng cát xây dựng ngày càng tăng là rất cần thiết.
Bộ Xây dựng cũng ủng hộ, tạo điều kiện để doanh nghiệp quảng bá công nghệ, nhằm tìm kiếm các nhà đầu tư có năng lực triển khai ứng dụng thực tế. Đồng thời đề nghị ông Dũng gửi hồ sơ sáng chế đã được công nhận và liên hệ với Bộ Xây dựng để có cơ sở giới thiệu tới các đơn vị có năng lực tham gia hợp tác đầu tư, sớm đưa công nghệ vào sản xuất.