Nhức nhối nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng

Thứ Tư, 12/04/2017, 09:38
Báo cáo của các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Công an tại Hội thảo Quốc gia về An ninh Bảo mật 2017 (Security World 2017) vừa diễn ra tại Hà Nội cho thấy, an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam đang diễn biến hết sức phức tạp.

Trong đó, đáng chú ý là tình trạng nhiều thông tin sai lệch được phát tán, gây  nhiễu loạn thông tin, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống an toàn của người dân. Cùng với đó là việc tội phạm công nghệ cao đang tiếp tục hoành hành người dùng Internet với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.

Nhiều thông tin sai lệch được phát tán trên không gian mạng

Theo Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an, không gian mạng phức hợp hình thành từ sự kết hợp của những công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo, Internet của vạn vật, máy tính lượng tử, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, dữ liệu nhanh… đã làm thay đổi thế giới, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, mọi hệ thống sản xuất, biến những điều tưởng chừng không thể trở thành có thể.

Tuy nhiên, khả năng kết nối vô hạn, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian và bản chất xã hội của không gian mạng cũng đang đặt ra những thách thức toàn cầu như chiến tranh mạng, khủng bố mạng, tội phạm mạng, nhiễu loạn thông tin. Trong đó, sự  nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng đang đe dọa đến cuộc sống an toàn của mỗi người dân, làm mất an ninh, trật tự xã hội.

Nhiễu loạn thông tin mạng đang trở thành thách thức mang tính toàn cầu. (Ảnh minh họa)

“Hiện nay, bên cạnh hệ thống cơ quan thông tấn, báo chí, trang thông tin điện tử được cấp phép và hoạt động tuân thủ quy định của pháp luật thì vẫn còn tồn tại một số lượng lớn trang web, blog, mạng xã hội… của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đăng tải hàng triệu thông tin, bài viết, ý kiến trao đổi, bình luận ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, dưới nhiều góc độ, nhiều khía cạnh, mục đích khác nhau mà không đảm bảo tính chính xác, khách quan của thông tin. Nhiều thông tin sai lệch được phát tán trên không gian mạng đã xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm, khủng bố tinh thần của công dân, gây hoang mang dư luận”, Trung tướng Hoàng Phước Thuận cho biết.

Cũng theo chia sẻ của Trung tướng Hoàng Phước Thuận, vừa qua, để ứng phó với tình trạng nhiễu loạn thông tin trên mạng Internet, Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu các công ty như Facebook, Twitter, Google  áp dụng các biện pháp ngăn chặn những thông tin lừa đảo, gian lận xuất hiện trên các trang mạng này.

Đức dự kiến phạt các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tới 500.000 euro nếu không gỡ bỏ thông tin sai sự thật trong vòng 24 giờ sau khi có yêu cầu của chính quyền. Đáp lại, Facebook đã nêu ra những sáng kiến chống tin giả trước thềm bầu cử Tổng thống Pháp và Quốc hội Đức sắp diễn ra.

“Cũng giống như các quốc gia khác, Việt Nam mong muốn các hãng công nghệ hàng đầu thế giới khi hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xuyên biên giới vào Việt Nam như Google, Facebook… phải tuân thủ pháp luật Việt Nam; đồng thời hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam phòng, chống tấn công mạng, phòng chống tội phạm mạng và ngăn chặn thông tin sai lệch”, Trung tướng Hoàng Phước Thuận đặt vấn đề.

“Núp bóng” câu lạc bộ từ thiện, nhân đạo để lừa đảo

Đại tá Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm và công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: Tội phạm công nghệ cao hoạt động trên không gian mạng ngày càng trở nên phức tạp và tinh vi, trong đó, hoạt động kinh doanh đa cấp đang biến tướng trên mạng nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ngày càng gia tăng. Các hệ thống giao dịch này có xu hướng nở rộ ở các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là vùng sâu, vùng xa nơi trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế đặc biệt là có tâm lý “muốn giàu nhanh nhưng dễ dàng”.

Lợi dụng lòng tham, các đối tượng đã lôi kéo được nhiều khách hàng tham gia đầu tư với hứa hẹn lợi nhuận cao. Tuy nhiên, các đối tượng này kinh doanh các mặt hàng sinh lời không cao nên không thể tạo ra lợi nhuận như cam kết. Tiền hưởng lợi của người tham gia chủ yếu lấy từ tiền của khách hàng góp sau trả cho người nộp trước cho đến khi không còn khả năng thanh toán, hoặc đã gom được một số tiền lớn, chủ các trang web đa cấp trá hình này sẽ đánh sập và bỏ trốn.

Thậm chí, một số đối tượng núp bóng câu lạc bộ từ thiện, nhân đạo xóa đói giảm nghèo… để lừa đảo cũng đang dần được manh nha.

Cũng theo Đại tá Đỗ Anh Tuấn, trong lĩnh vực thương mại điện tử, tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet cũng đang diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, nổi lên là tình trạng người nước ngoài cấu kết với đối tượng trong nước gọi điện, giả danh công an, viện kiểm soát, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để phục vụ công tác điều tra, sau đó chúng sẽ thực hiện hành vilừa đảo.

Thậm chí, các đối tượng còn làm giả website, giả mạo thông tin khuyến mại dưới nhiều hình thức của nhà mạng viễn thông để dụ dỗ, lôi kéo người sử dụng nạp thẻ nhằm chiếm đoạt tài sản; tạo ra các diễn dàn thu hút người tham gia rồi phát tán các nội dung lừa đảo; sử dụng mạng Internet để đăng tin cho thuê nhà đất ảo, yêu cầu đặt cọc tiền hay giả mạng người nước ngoài để kết bạn, gửi quà sau đó giả làm nhân viên hải quan yêu cầu nộp phí; lập tài khoản email giống hệt email đối tác kinh doanh đề nghị chuyển tiền theo hợp đồng kinh doanh nhưng thay đổi tài khoản thụ hưởng và chiếm đoạt.

Huyền Thanh
.
.
.