Làm gì để dọn sạch “rác” trên môi trường mạng?

Thứ Ba, 11/06/2019, 18:33
Sau Facebook, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa công bố các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của Google và Youtube. Câu chuyện này một lần nữa cho thấy, quản lý các dịch vụ xuyên biên giới, đặc biệt là việc đẩy lùi thông tin xấu độc trên môi trường mạng đang là bài toán không dễ.


Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT vừa công bố các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của Google và Youtube. Theo đó, ba sai phạm chính của Google ở Việt Nam được chỉ ra là cơ chế quản lý nội dung đăng tải lỏng lẻo; không kiểm soát được hoạt động đăng phát quảng cáo trên các clip YouTube và mạng lưới quảng cáo Google Adsense; cho phép người dùng mua quảng cáo trực tiếp với Youtube, Google không thông qua đại lý quảng cáo trong nước. 

Google hiện nay không có biện pháp ngăn chặn người dùng đăng lại những clip vi phạm đã bị bóc gỡ theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Ngoài ra, Google vẫn cho phép bật tính năng suggest (gợi ý) cho những kênh, clip xấu độc, khiến các nội dung xấu độc chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên Youtube (0.1%) nhưng lại bị phát tán, lan truyền rất mạnh mẽ...

 Qua rà soát của Bộ TT&TT, hiện trên YouTube có khoảng 55.000 video clip có nội dung xấu độc vi phạm pháp luật. Dù thời gian qua, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video clip xấu độc trên Youtube theo yêu cầu của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử. 

Tuy nhiên, do cơ chế quản lý nội dung trên YouTube còn nhiều bất cập nên việc ngăn chặn gỡ bỏ này còn hạn chế. Trước đó, mặc dù Facebook cũng đã phối hợp gỡ bỏ khoảng 3.000 đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Tuy vậy, kết quả rà soát của Bộ TT&TT cho thấy, Facebook đang vi phạm pháp luật Việt Nam ở 3 lĩnh vực lớn là Quản lý nội dung thông tin, Quảng cáo trên mạng bất hợp pháp và chưa thực hiện nghĩa vụ thuế.

Trước những sai phạm của Google và Youtube, đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT cho biết: Hiện cơ quan này đang xây dựng một số giải pháp như yêu cầu YouTube, Google phải định danh các kênh YouTube tiếng Việt, chỉ kênh được định danh và không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật thì mới có thể xem xét chia sẻ số tiền quảng cáo; bổ sung cơ chế không cho người dùng đăng lại clip vi phạm đã bị gỡ bỏ. 

Cùng với đó, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan quản lý chặt chẽ dòng tiền quảng cáo trên YouTube, Google;  đưa ra các quy định cụ thể với người mua quảng cáo, đại lý quảng cáo, người sáng tạo nội dung, đơn vị quản lý kênh trong nước để làm “sạch” môi trường mạng.

Sự ra đời của Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia được kỳ vọng sẽ góp phần “dọn” rác trong môi trường mạng (ảnh minh họa).

Mới đây nhất, ngay trong ngày 10-6, Cục Phát Thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã có văn bản đề nghị 21 doanh nghiệp, các thương hiệu lớn ngừng quảng cáo trên các kênh Youtube có nội dung xấu độc, phản động và vi phạm pháp luật Việt Nam. 

Đặc biệt, trong giai đoạn 2019-2021, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đã thực thi từ năm 2018 như đồng bộ đấu tranh với Facebook, Google và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới, yêu cầu phải có đầu mối tiếp nhận thông tin vi phạm tại Việt Nam giúp quy trình xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm được nhanh và hiệu quả hơn.

Mặc dù những giải pháp mà Bộ TT&TT đưa ra được xem là những bước đi cứng rắn, cần thiết trong cuộc đấu tranh với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Youtube nhằm yêu cầu các ông lớn này tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. 

Tuy vậy, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, đây vẫn là những giải pháp tình thế. Thực tế cho thấy, hiện nay các giải pháp kỹ thuật hiện có chưa cho phép tách riêng nội dung vi phạm trên Facebook và Youtube để chặn mà chỉ có thể chặn toàn bộ website vi phạm. 

Vì vậy, trong nhiều trường hợp cần cân nhắc, nếu áp dụng việc chặn triệt để sẽ gây phản ứng của dư luận trong nước do nước ta chưa có dịch vụ tương tự để thay thế được Facebook, Google. Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có giải pháp để ngăn chặn dòng tiền quảng cáo phục vụ cho các mục đích xấu trêm trên Facebook và Google, Youtube. 

Ngoài ra, việc xác định đối tượng vi phạm trên môi trường mạng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các mạng xã hội nước ngoài do đối tượng vi phạm còn ẩn danh, gây khó khăn trong công tác điều tra. 

Cùng với đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý Internet và thông tin mạng còn chưa theo kịp với sự phát triển do đặc thù phát triển quá nhanh của công nghệ, của dịch vụ và nội dung thông tin.

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội internet Việt Nam cho rằng: Về lâu dài, việc xây dựng mạng xã hội của người Việt là rất cần thiết vì trước hết nhằm đáp ứng nhu cầu online của xã hội, vừa góp phần xây dựng văn hóa, văn minh vừa là môi trường tương tác cho người Việt Nam và người nước ngoài quan tâm Việt Nam. 

Cùng với đó, phát triển mạng xã hội của người Việt cũng là phương thức tạo điều kiện cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D), sáng tạo, phát triển công nghệ. 

Tuy nhiên, để các mạng xã hội trong nước tồn tại được, ông Liên cho rằng, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có chính sách thuế. Vì nếu Nhà nước không hỗ trợ thì mạng xã hội trong nước sẽ thất bại trước các mạng xã hội nước ngoài, không thể tồn tại được chứ chưa nói là cạnh tranh. Tất  nhiên, những ưu đãi này không được vi phạm cam kết quốc tế.

Nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng mạng xã hội thuần Việt song Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý đến các giải pháp đồng bộ khác. 

Theo quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong thế giới thực có hệ thống pháp luật, chính quyền trung ương, địa phương, lực lượng để duy trì sự lành mạnh của xã hội, nhưng trên không gian mạng lại chưa có những điều như vậy. Do đó, giải pháp để ngăn chặn cũng như kiểm soát những mặt trái trên mạng xã hội là hệ thống pháp luật, chính quyền, lực lượng chức năng phải nhanh chóng đi vào không gian mạng để duy trì sự lành mạnh. 

Giải pháp lâu dài là phải đưa giáo dục, kỹ năng sống trong không gian mạng vào giáo dục từ phổ thông. “Đầu tiên từng người tham gia mạng xã hội phải không xả “rác” và dọn “rác” của chính mình. Một bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng đang được Bộ soạn thảo và sẽ ban hành. Thứ hai là các nhà mạng phải có bộ lọc để dọn rác và Bộ sẽ ra yêu cầu cụ thể về vấn đề này. 

Thứ ba, các cơ quan, bộ ngành cung phải dọn "rác" của chính mình, cái này phải dùng công nghệ. Bộ đã có một trung tâm giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia, cơ bản đã có thể đánh giá, phân tích, phân loại. 

Sau khi các bộ, ngành phát hiện đây là rác thì thông tin đến  Bộ TT&TT. Bộ sẽ yêu cầu các mạng thực hiện yêu cầu gỡ bỏ, kể cả các mạng xã hội nước ngoài”- Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Hùng Quân
.
.
.