Kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số
- Chuyển đổi số mở ra cơ hội phát triển chưa từng có
- Chuyển đổi số – Lối thoát cho du lịch trong đại dịch
- Đẩy mạnh chuyển đổi số và đảm bảo an toàn mạng
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi cho biết, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với hơn 5,3 triệu người đang sinh sống, làm việc và học tập tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các chuyên gia, trí thức kiều bào đã nhiệt tình hưởng ứng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho các vấn đề lớn, thời sự của đất nước, tích cực tham gia các hoạt động giao lưu, hợp tác về học thuật, khoa học công nghệ trong nước thông qua các hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, vai trò của công cuộc chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đây có thể được coi là đòn bẩy giúp tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Các đại biểu dự hội nghị. |
Đóng góp ý kiến cho hội nghị, GS Trần Ngọc Anh (kiều bào Mỹ) cho rằng, sự thay đổi công nghệ dẫn đến tự động hóa thay thế lao động, mở ra cơ hội tiến nhanh vào công nghệ mới. Bên cạnh đó, chiến tranh công nghệ gay gắt cùng với làn sóng nhà đầu tư rời Trung Quốc, sắp xếp lại chuỗi cung ứng, dịch COVID-19 làm suy giảm thị trường nhưng sẽ đa dạng chuỗi cung ứng. Công nghiệp Việt nam có thế mạnh tiếp cận, thu hút đầu tư các ngành như điện, cơ khí, thiết bị văn phòng... và có cơ hội xuất khẩu các dịch vụ viễn thông, y tế...
TS Nguyễn Trí Hiếu (kiều bào Mỹ) đánh giá, dư địa của chính sách tài khóa và tiền tệ để ứng phó với tác động của dịch COVID-19 hiện không còn nhiều bởi bội chi đã ở mức cao, nguồn thu thuế bị giảm. Trong khi đó, lãi suất ngày càng giảm và nếu giảm thêm nữa, nền kinh tế sẽ rơi vào bẫy thanh khoản, tức khách hàng sẽ rút tiền khỏi ngân hàng để đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro như: vàng, bất động sản, tín dụng đen...
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nền kinh tế Việt Nam phải trở thành nền kinh tế kỹ thuật số theo xu hướng của toàn cầu. Chính sách tài khóa và tiền tệ không còn nhiều dư địa nhưng các ngân hàng còn nhiều dư địa, cần thành lập tổ hợp tín dụng để hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ vay vốn, vực dậy sau ảnh hưởng bởi đại dịch. Nhà nước xây dựng Quỹ bảo lãnh tín dụng Quốc gia để đảm bảo cho ngân hàng.
TS Trần Kim Hồng (kiều bào Úc) nêu ý kiến, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, cần quan tâm đến lao động phi chính thức, những người buôn gánh bán bưng. Công nhân mất việc có thể tham gia vào lĩnh vực phi chính thức. Phải nhận diện được khu vực phi chính thức vì đóng góp khoảng 25 – 30% tổng giá trị nền kinh tế.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, để phục vụ nhu cầu chuyển đổi số, chúng ta hiện còn thiếu ít nhất 400.000 nhân lực công nghệ thông tin, trong khi đó, các chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Cần có giải pháp và trực tiếp đào tạo, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, TP Hồ Chí Minh phải đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới dựa trên tri thức, tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Đây là một trong những quan điểm và phương hướng phát triển mang tính đột phá của TP Hồ Chí Minh đã được thông qua tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI vừa qua.
TP Hồ Chí Minh luôn giữ vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của cả nước. Với tỷ trọng kinh tế đóng góp trên 22,7% kinh tế của cả nước, TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế, là nơi hoạt động kinh tế năng động nhất và cũng là trung tâm lớn về khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo của cả nước. Từ năm 2018, TP Hồ Chí Minh đã triển khai Đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP Hồ Chí Minh, hướng tới trở thành TP Thủ Đức, để hình thành trung tâm động lực tăng trưởng mới trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.