FBI nhờ Apple mở khóa iPhone để điều tra khủng bố

Thứ Tư, 08/01/2020, 21:22
Sau rất nhiều lần đưa ra yêu cầu cứng rắn buộc Apple phải mở khóa iPhone phục vụ điều tra nhưng đều bị khước từ, FBI đã phải xuống nước khi gửi thông báo nhờ Apple giúp mở khóa 2 chiếc iPhone có thể thuộc về nghi phạm trong vụ xả súng tại căn cứ hải quân ở Mỹ.

Thông tin đăng tải trên tờ Cnet đưa tin nhà chức trách Mỹ mà cụ thể là Cục điều tra liên bang Mỹ FBI hôm 7-1 đã gửi một thông báo mới tới hãng công nghệ Apple với nội dung đề nghị hãng này giúp đỡ mở khóa 2 chiếc iPhone được tình cho là của nghi phạm khủng bố.

Cụ thể, theo thông báo mà FBI gửi tới Apple, 2 chiếc iPhone được cho thuộc về nghi phạm có tên Mohammed Saeed Alshamrani, tay súng gây ra vụ xả súng tại căn cứ hải quân ở Pensacola, bang Florida, Mỹ hồi tháng 12-2019 vừa qua khiến nhiều người thiệt mạng. Hung thủ sau đó cũng bị lực lượng an ninh Mỹ tiêu diệt.

Sau vụ xả súng, FBI đã tìm nhiều biện pháp để mở khóa 2 chiếc iPhone thu được từ hung thủ nhưng đều bất lực khiến cơ quan an ninh này phải tìm tới Apple như một phương án cuối cùng.

Tuy nhiên, phản hồi trước thông báo của FBI, hãng công nghệ Apple cho biết rằng họ đã cung cấp tất cả các dữ liệu mà mình được phép cung cấp, của chủ sở hữu những chiếc iPhone từ tháng trước. Ngoài ra sẽ không có gì bổ sung thêm. Phản hồi này được cho là sự khước từ của Apple trước những yêu cầu của FBI.

Được biết, trong quá khứ đã có không ít lần các nhà chức trách Mỹ đưa ra yêu cầu mở khóa thiết bị tương tự tới Apple nhưng tất cả đều chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối từ hãng công nghệ Mỹ.

Có thể kể tới như vụ tên khủng bố Farook  bắn chết 14 người vào ngày 2-12-2017 tại San Bernardino, California. Tên khủng bố Farook sau đó cũng bị cảnh sát bắn chết.

Trong quá trình tìm kiếm chứng cứ tại căn nhà của Farook, lực lượng cảnh sát đã tìm thấy một chiếc iPhone 5c nhưng máy đã được khóa bảo mật, và ở thời gian đầu ngay cả FBI cũng bó tay nếu không có sự trợ giúp của Apple.

Tòa án Mỹ ra lệnh cho Apple mở khóa điện thoại, nhưng Apple đã từ chối việc này. CEO Tim Cook cho rằng việc tạo "cửa sau" trên iPhone để giúp FBI nếu rơi vào tay kẻ xấu sẽ làm ảnh hưởng tới sự riêng tư và bảo mật của khách hàng trên toàn thế giới.

Trong những tuần sau đó, Apple, cơ quan chính phủ và các cơ quan điều tra đã có rất nhiều buổi họp mặt nhưng kết quả Apple vẫn từ chối hợp tác mặc dù có cả sự tham gia của Donald Trump.

B.Thắng (t/h)
.
.
.