Doanh nghiệp CNTT phải liên kết trong Cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ Tư, 06/09/2017, 11:20
Sáng 6-9 đã diễn ra Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam 2017 (Vietnam ICT Summit 2017) đã khai mạc mang chủ đề “Việt Nam – Chuyển đổi số trong CMCN lần thứ tư”.


Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Ứng dụng CNTT, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cho biết từ giữa năm 2017, Việt Nam đã đón nhiều thông tin vừa mừng vừa lo. 

Mừng vì năng lực đổi mới sáng tạo Việt Nam tăng 12 bậc, lần đầu đứng thứ 47 trên thế giới, trong đó có phần đóng góp của giới CNTT. Nhưng cùng đó, thông tin gây lo lắng đó là Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về vấn nạn spam, mã độc tấn công mạnh trong các doanh nghiệp, cơ quan…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn. 

“Chúng ta đã nói rất nhiều tới cách mạng công nghiệp 4.0. Chắc chắn trong cuộc cách mạng này chúng ta phải kết nối chặt chẽ hơn giữa nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp. Chúng ta phải cởi mở, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Trong CNTT phải kết nối, chia sẻ với nhau”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3, Việt Nam đã đi thẳng vào lĩnh vực kỹ thuật số và có nhiều thành quả. Còn thời điểm hiện nay, cần tập trung vào những việc với tâm thế mới, phải xây dựng hạ tầng CNTT thật mạnh.

Phó Thủ tướng lưu ý, cần phải có sự thay đổi từ cộng đồng CNTT bởi đây là vấn đề rất quan trọng. Thay vì trước đây làm những dịch vụ nhỏ, làm được ngay thì nay phải làm bài bản, chuyên nghiệp hơn.

VINASA đã tiến hành khảo sát nhanh gần 250 doanh nghiệp, tổ chức tham gia sự kiện hôm nay, kết quả đem lại những thông tin hết sức tích cực: 35.2% tổ chức đã chuẩn bị và sẵn sàng cho CMCN lần thứ 4, 58.7% đã tìm hiểu nhưng chuẩn bị sẵn sàng hoặc chưa biết chuẩn bị gì, chỉ có 6.1% là không hiểu gì và chưa biết chuẩn bị như thế nào.

Khảo sát cũng chỉ ra những lợi thế, những giải pháp hiệu quả và những ngành Việt Nam có thể tiếp cận hiệu quả và thành công CMCN 4.0. Theo đó, những doanh nghiệp, tổ chức cho rằng nguồn nhân lực (77.7%), Nhận thức & Quyết tâm hành động của Chính phủ (70.4%), và Hạ tầng CNTT & Viễn thông (59.1%) là những lợi thế lớn của Việt Nam trong cuộc cách mạng này.

Có thể thấy, cuộc CMCN 4.0 đang hiện hữu ngày càng rõ nét hơn với những tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu cũng như tại Việt Nam.

Tại Diễn đàn, TS. Võ Chí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế TW và lãnh đạo Microsoft Việt Nam cũng có các báo cáo chủ chốt về sự bùng nổ của CMCN 4.0 trên thế giới, những tác động tới Việt Nam và những giải pháp hiệu quả giúp Việt Nam tiếp cận, tiến nhanh, tiến mạnh trong cuộc cách mạng này. 

Đặc biệt, với vai trò là nhà tiên phong về phát minh Công nghệ, cùng bề dày và kinh nghiệm chuyên sâu về giải pháp và ứng dụng CNTT, trí tuệ nhân tạo AI cũng như xử lý dữ liệu lớn, đại diện Microsoft đã chia sẻ về những thách thức khi đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4  đó là: dữ liệu và thông tin tăng tốc kỷ lục; Giải pháp điều khiển dữ liệu trở nên tiềm năng để chuyển đổi mọi lĩnh vực hoặc nền công nghiệp; điện toán đám mây trở thành xu hướng tất yếu với mọi tổ chức và doanh nghiệp. 

Tiên An
.
.
.