Chuyển đổi số: Muốn đi nhanh, Chính phủ phải đi đầu

Thứ Sáu, 04/10/2019, 08:14
Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019 với chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia CMCN 4.0”.


Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) và ICE Group tổ chức, diễn ra sáng 3-10.

Việt Nam còn nhiều điểm yếu

Là đơn vị đứng ra tổ chức Diễn đàn, có am hiểu sâu sắc về những tác động và sự thích ứng của cuộc CMCN 4.0 đối với nền kinh tế Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá, mức độ chủ động tham gia CMCN 4.0 của nước ta còn thấp, thể chế chính sách còn nhiều bất cập, xếp hạng chung về đổi mới thể chế của Việt Nam còn ở mức trung bình. Năm 2018, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá Việt Nam đạt 50/100 điểm, xếp hạng 94/140 quốc gia.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, hiện còn nhiều vấn đề đang tồn tại, như thể chế cho các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo chưa được hình thành đồng bộ; chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các sản phẩm, mô hình kinh doanh dịch vụ mới của CMCN 4.0; chưa xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho ứng dụng và phát triển các công nghệ nền tảng của CMCN 4.0 trong sản xuất và đời sống; còn thiếu các quy định về bảo vệ cơ sở dữ liệu, thông tin dữ liệu cá nhân.
Các đại biểu dự phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về CMCN 4.0.

Không những thế, “cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế-xã hội, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả; quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, chưa chủ động, nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ số còn thấp; kinh tế số có quy mô còn nhỏ; việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức phức tạp”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nói.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình cho biết, từ thực tế trên, để nắm bắt và tận dụng các cơ hội của cuộc CMCN lần này, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0”.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề án, ngày 27-9 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 (Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay còn gọi là Cuộc CMCN 4.0). Trên cơ sở Nghị quyết này, tới đây Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cụ thể trên các lĩnh vực.

Cách mạng 4.0: Cần đào tạo lại khoảng 5 triệu người

Tham luận tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị đã định hướng cho chuyển đổi số Việt Nam. Tinh thần của Nghị quyết là đặt mục tiêu cao, nhất là mục tiêu kinh tế số chiếm tới 30% GDP, để từ đó phải đổi mới tư duy, tạo thuận lợi cho cái mới phát triển, giải pháp phải đột phá, Việt Nam sẽ bứt phá vượt lên.

“Chuyển đổi số quốc gia bao gồm chuyển đổi số chính phủ, chuyển đổi số doanh nghiệp và chuyển đổi số xã hội. Muốn đi nhanh thì chính phủ phải đi đầu. NQ 52 đã yêu cầu Chính phủ phải đi tiên phong trong chuyển đổi số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói. Để chuyển đổi số, Việt Nam có thể chọn chiến lược 3 bước. Bước một, đẩy nhanh việc số hoá và ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực. Bước hai, sử dụng chuyển đổi số như một lợi thế cạnh tranh trong từng lĩnh vực.

Bước ba, tiến tới nền kinh tế số toàn diện, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. “Lời giải để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam là dựa trên các Platforms- nền tảng. Chuyển đổi số thì khó nhất là toàn dân và toàn xã hội. Nhưng chuyển đổi số chỉ phát huy hết sức mạnh của nó khi toàn dân, toàn xã hội kết nối số.

Sức mạnh của kết nối không phải cấp số cộng mà là cấp số nhân, là hàm số mũ. Một nền tảng Platform có thể kết nối hàng triệu người, hàng ngàn doanh nghiệp. Platform văn minh ở chỗ giá trị tạo ra được chia sẻ giữa người tham gia và người tạo Platform nên sẽ thúc đẩy tất cả các bên”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tham luận.

Theo đánh giá, Việt Nam chỉ mới đang tiếp cận với cuộc cách mạng lần thứ 3 và đã buộc phải chuyển sang CMCN4.0. Hiện, năng suất lao động ở nước ta thấp so với các nước trong khu vực, trình độ công nghệ thấp, máy móc thuộc thế hệ cũ, nguồn nhân lực hầu hết vẫn chưa qua đào tạo. Ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam ước tính chỉ có khoảng 30% lao động đã qua đào tạo, đồng thời Việt Nam cũng thiếu các chuyên gia trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao.

Do đó, các ngành sản xuất đang có những áp lực, sức ép rất lớn phải thay đổi và thích ứng với các xu hướng mới. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay lại đang "loay hoay" trong công cuộc chuyển đổi số và có đến 80% doanh nghiệp hiện nay chưa quan tâm đến chuyển đổi số cũng như chưa chuẩn bị nguồn nhân lực trình độ cao cho chuyển đổi số.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của McKinsey & Company (một trong những công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tư vấn quản lý và chiến lược kinh doanh), cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang tới 216 - 627 tỷ USD cho khu vực ASEAN, tuy nhiên, hiện có khoảng 79% số doanh nghiệp đã có nhận thức, 52% doanh nghiệp đã lên lộ trình cơ bản, nhưng chỉ có 13% doanh nghiệp đã bắt tay có những hành động cụ thể.

Đại diện McKinsey & Company nhận định, điểm nghẽn trong việc đón làn sóng CMCN 4.0 của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực ASEAN ngoài vấn đề cơ sở hạ tầng, trở ngại lớn nhất chính là chất lượng và kỹ năng nguồn nhân lực. McKinsey & Company ước tính, từ nay đến năm 2030, riêng tại Việt Nam sẽ có khoảng 4 – 5 triệu người cần đào tạo lại để thích ứng được với CMCN 4.0.

Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị là một Nghị quyết toàn diện tổng thể đầu tiên của Đảng về chủ trương, chính sách của Việt Nam tham gia CMCN 4.0, được hệ thống chính trị và toàn xã hội đón nhận tích cực, nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước đánh giá cao. Nghị quyết đã thể hiện rõ quan điểm và sự quyết tâm của Đảng khi coi chủ động tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời nhận thức đầy đủ đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc CMCN 4.0 để có quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp, là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế xã hội. (B.K)
Hà An
.
.
.