Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn (23-1-1916 - 23-1-2016):

Những kỷ niệm sâu sắc về đồng chí Trần Quốc Hoàn ở nhà ngục Sơn La

Thứ Ba, 12/01/2016, 07:54
Hoàng Cương, Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hungary: Tháng 6 năm 1942, đế quốc Pháp đày tôi lên nhà ngục Sơn La. Qua mười ba ngày đi bộ gian khổ, với tay bị xích, đôi chân không giày dép, đường đi gồ ghề, sỏi đá sắc cạnh làm nhức nhối gan bàn chân, rồi cuối cùng 100 người tù chúng tôi cũng đến được Sơn La...


Tháng 6 năm 1942, đế quốc Pháp đày tôi lên nhà ngục Sơn La. Qua mười ba ngày đi bộ gian khổ, với tay bị xích, đôi chân không giày dép, đường đi gồ ghề, sỏi đá sắc cạnh làm nhức nhối gan bàn chân, rồi cuối cùng 100 người tù chúng tôi cũng đến được Sơn La. Đế quốc Pháp tổ chức nhà ngục Sơn La với chế độ dã man, ác độc, khắc nghiệt, hòng làm suy sụp tinh thần, tiêu hao sức lực làm ốm yếu, giết dần những người cộng sản, những chính trị phạm. Nhưng những chiến sĩ cách mạng ở đây đã đấu tranh đòi tổ chức tự quản, giành con đường sống, biến nhà ngục thành trường học, đào tạo nên những cán bộ cung cấp cho phong trào cách mạng.

Tháng đầu, tôi ở Trại lớn mới, sau chuyển sang Trại lớn cũ, được đồng chí Lê Thanh Nghị, Bí thư Chi bộ giới thiệu sinh hoạt Đảng ở tổ đồng chí Trần Quốc Hoàn và tham gia các hoạt động khác.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bí thư Chi bộ Nhà tù Sơn La (7-1943 - 3-1945).

Đồng chí Trần Quốc Hoàn nhận nhiệm vụ Bí thư Chi bộ từ cuối năm 1943 đến gần giữa năm 1945 khi giải thể nhà ngục Sơn La. Do hoàn cảnh lúc bấy giờ, công tác của chi bộ nhà ngục có mấy phần việc phải lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể về tổ chức chung của việc tự quản nhà ngục có ban lãnh đạo chung do các chính trị phạm bầu cử dân chủ. 

Tiếp đó có các ban chuyên môn phục vụ công tác đối nội, đối ngoại. Về đối nội có Ban kinh tế; Ban cứu tế và bộ phận y tế của ta; Ban tuyên huấn; Ban văn hoá, văn nghệ; Ban trật tự trong. Về đối ngoại có Ban dân vận; Ban binh vận; Ban địch vận; Ban trật tự ngoài. Văn phòng của nhà ngục có đảng viên tin cậy được cử vào làm. Đồng chí Trần Quốc Hoàn trực tiếp làm trưởng một số ban do tính chất quan trọng và cần giữ bí mật như: Ban dân vận, Ban binh vận, Ban địch vận, Ban tuyên huấn.

Để giữ vững mối liên hệ với Đảng cấp trên, chi bộ nhà ngục đã liên hệ được với Trung ương Đảng, Xứ uỷ Bắc kỳ và được công nhận là Đảng bộ trực thuộc Xứ uỷ. Đồng chí Bí thư Trần Quốc Hoàn phải nghiên cứu, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, Xứ uỷ, vận dụng vào hoàn cảnh của Đảng bộ nhà ngục Sơn La. 

Thời gian này, nhà ngục có hơn 300 tù chính trị, song chi bộ chỉ có hơn năm chục, rồi hơn sáu chục đảng viên. Xây dựng Đảng ở đây, lấy chất lượng là quan trọng nhất. Không kể đảng viên là thành viên Trung ương, Xứ uỷ, Thành uỷ, Tỉnh uỷ,… hoặc đảng viên thường, khi đến nhà ngục này đều phải có thời gian xem xét lại để chia làm 3 loại: loại đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đảng viên cho tiếp tục sinh hoạt Đảng; loại xem xét kỹ, thử thách một thời gian mới cho sinh hoạt Đảng hoặc kết nạp lại; loại hư hỏng không cho sinh hoạt Đảng và sử dụng bình thường. Ngoài ra do nhà ngục phát sinh những vấn đề phải giải quyết  và do tình hình trong nước có diễn biến, có chỉ thị của Trung ương, Xứ uỷ giao việc nên khối lượng công việc nói trên nặng nề hơn và có nhiều việc mới so với những bí thư chi bộ trước.

Một góc Nhà tù Sơn La. Ảnh: Báo Sơn La.

Bản thân tôi được giao những công việc phục vụ chung như: Trưởng ban kinh tế, Trưởng ban cứu tế, Trưởng ban trật tự trong, Trưởng ban trật tự ngoài, thành viên trong Ban tuyên huấn, thành viên trong Ban binh vận. Được đồng chí Bí thư chi bộ tin cậy giao riêng một số việc đặc biệt. Do đó, tôi cộng tác mật thiết với đồng chí Trần Quốc Hoàn, hiểu rõ đồng chí Hoàn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể về các mặt công tác cũng như những trọng điểm. 

Ngoài ra, đồng chí Hoàn và tôi rất thân nhau vì đồng chí Hoàn là công nhân thợ in, tôi là công nhân thợ điện. Khi tôi bị đế quốc Pháp bắt, tra tấn đã không khai báo gì. Đồng chí Hoàn biết rõ gia đình tôi là gia đình công nhân sớm theo Đảng Cộng sản làm cách mạng; cha, chú tôi là đảng viên Cộng sản trước và khi thành lập Đảng Cộng sản năm 1930. Trong khi những anh em khác có gia đình gửi tiền, quà qua bưu điện thì đồng chí Hoàn và tôi là vô sản, chẳng có ai gửi cho thứ gì, chỉ sống bằng vật chất, tinh thần của tập thể nhà ngục. Qua thực tế công tác, hai chúng tôi đã hiểu nhau, tin cậy nhau.

Đồng chí Hoàn luôn luôn nắm vững lập trường, quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, nguyên tắc của Đảng, chỉ thị của Trung ương, Xứ uỷ từng thời gian để vận dụng thi hành vào thực tiễn. Đồng chí lãnh đạo chung toàn diện nhanh, đi sâu, đi sát thực tế, chỉ đạo cụ thể từng bộ phận công tác. Đặc biệt, đồng chí có nhạy cảm chính trị rất nhanh. Đồng chí sống bình dân, giản dị, hoà mình với quần chúng, có tác phong quần chúng, lúc đồng chí làm việc thì nghiêm, tổ chức kỷ luật chặt chẽ, giữ vững nguyên tắc nhưng sống đời thường đồng chí rất vui vẻ, thân mật, cười đùa thoải mái, xưng hô mày tao, cậu tớ không phân biệt đẳng cấp. 

Về mặt chỉ đạo cụ thể của đồng chí Hoàn, nếu đi vào từng việc của những phần việc đối nội, đối ngoại, đột xuất… nói trên thì rất dài. Từng phần việc, tôi chỉ nêu lên một vài việc mà tôi có quan hệ mật thiết với đồng chí Hoàn để làm ví dụ:

Là người luôn luôn quan tâm đến đời sống của anh em, đồng chí. Khi tôi làm Trưởng ban kinh tế, đồng chí Hoàn đã lưu ý tôi ở mấy bộ phận chuyên môn. Bộ phận bếp nấu ăn phải đạt: cơm dẻo, thức ăn ngon, cơm không bao giờ để sống, khê. Hàng ngày, mấy trăm con người trông vào miếng ăn, nước uống của mình, phải làm cho chu đáo. Bộ phận xay giã thóc, sàng sẩy gạo phải làm sạch, không được để nhiều thóc trấu; lấy tấm cộng với nước gạo của nhà bếp đưa xuống vườn tù cung cấp thức ăn cho chăn nuôi. 

Bộ phận vườn tù phải trồng rau bắp cải, su hào, cà chua… tuỳ theo loại rau của từng mùa vì miền núi rất khan hiếm rau; tăng cường chăn nuôi lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng…, vừa thêm chất đạm cho anh em nói chung, vừa thêm trứng gà bồi dưỡng cho anh em ốm. Bộ phận làm hàng thủ công nghiệp phải làm sản phẩm nhẫn gáo dừa, đồ dùng và trang sức bằng bạc… để đưa vào các bản làng bán, có hiện vật dùng trong dân vận, vừa tăng thu nhập về tài chính cho quỹ nhà ngục, vừa gây quan hệ tốt với đồng bào thiểu số miền núi.

Làm công tác binh vận, đồng chí Hoàn phân công một số đồng chí và tôi cùng làm, bám sát từng người lính gác đi theo chúng tôi hàng ngày. Nhìn số lính ghi ở báng súng của người ấy để nhớ thay cho nhớ tên. Hàng tuần, nói những gì để giác ngộ yêu nước, giác ngộ cách mạng cho từng người lính, đồng chí Hoàn đều hướng dẫn chúng tôi. Hàng tháng phải nâng dần từ mức thấp, trung bình đến mức giác ngộ cao. Còn khi giao công việc cho người lính nào thì do đồng chí Hoàn quyết định. Nếu người lính chuyển trông coi từ kíp làm việc này sang kíp làm việc khác, chúng tôi phải báo cáo để đồng chí Hoàn báo cho đồng chí ta ở kíp mới tiếp tục tuyên truyền, nói chuyện với người lính chuyển đến. Hàng ngày, chúng tôi phải báo cáo việc làm của mình và nhận xét, đánh giá về chuyển biến của từng người lính đối với đồng chí Hoàn.

Khi 4 đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu vượt ngục thành công, bọn thống trị ở tỉnh và bọn cai trị ở nhà ngục khủng bố, hành hạ, bớt xén quyền lợi… đối với chính trị phạm đi làm ngoài trời cũng như lúc ở trại giam. Thời gian ấy, tôi làm Trưởng ban trật tự ngoài và Trưởng ban trật tự trong. Đồng chí Hoàn đã hướng dẫn tập thể và tôi đấu tranh. Bọn thống trị đã giam đồng chí Hoàn và tôi xuống xà lim hầm tối gần một tuần lễ. Xà lim sâu dưới đất có một lỗ tròn để đưa nắm cơm, bơ nước, một thùng sắt nhỏ để đi đại tiện, tiểu tiện nên kín, đen tối hơn xà lim thường trên mặt đất. 

Có tấm gỗ lim làm giường để hai chúng tôi nằm chật hẹp, đồng chí Hoàn bàn với tôi phải chia thời giờ hoạt động đều trong ngày: sáng chia nhau tập thể dục trên sàn nằm và trước cửa lỗ tròn thông hơi, sau đó có thời gian trao đổi về nội dung những vấn đề về chính trị, kinh nghiệm công tác nói chung, công tác bí mật nói riêng, công tác vận động quần chúng,…; có thời gian cùng hát ôn lại bài ca cách mạng: “Thanh niên xích vệ”, “Cùng nhau đi hồng binh”, “Kêu gọi công nông”… Trong tuần lễ bị giam, hai chúng tôi hoạt động đều về thể lực, trí lực, sống vui, không để thời gian nhàn rỗi.

Như trên, tôi đã nói chỉ kể một số việc để làm ví dụ, trong lãnh đạo chung cũng như chỉ đạo cụ thể của đồng chí Hoàn về các mặt công tác. Nếu nói về công tác dân vận kết hợp với việc thi hành chỉ thị của Trung ương, Xứ ủy xây dựng cơ sở Đảng, cơ sở tổ chức đoàn thể quần chúng, cơ sở Việt Minh cho tỉnh Sơn La; công tác của Ban văn hóa, văn nghệ... thì còn phải nói thêm nữa. Do quan hệ mật thiết với nhau trong nhà ngục Sơn La đã thành nếp và tình cảm sâu sắc nên khi cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công cũng như trong hòa bình thống nhất đất nước, đồng chí Hoàn và tôi vẫn giữ mối liên hệ thân mật với nhau.

Khi đồng chí Hoàn là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, tôi thường đến thăm, có lúc báo trước, có khi bất thường. Nhưng lúc nào đồng chí Hoàn cũng niềm nở tiếp tôi ở phòng làm việc riêng. Lúc đồng chí Hoàn ốm nặng, nằm điều trị tại nơi dành riêng cho các Ủy viên Bộ Chính trị và được Trung ương Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Sao vàng, tôi đến thăm đồng chí mấy lần. 

Ôn lại những kỷ niệm đã qua, tôi hỏi đồng chí Hoàn có nhớ lần bị giam ở hầm tối nhà ngục Sơn La không? Đồng chí Hoàn vẫn minh mẫn trả lời: “Nhớ chứ, chúng nó giam anh và tôi năm ngày, năm đêm”. Nói đến đây tôi lại nhớ đến ngày 18-9-1989, hôm ấy tôi đi trong đoàn 49 người, gồm có các chiến sĩ cách mạng qua các thế hệ đã bị tù đày tại nhà ngục Sơn La, thăm lại nơi xưa chốn cũ. Khi tham quan đến khu vực hầm tối, tôi cảm xúc bật ra một bài thơ :

Nhớ lại hầm tối

Hầm tối nơi đây ta bị giam

Cùng bạn thân yêu Trần Quốc Hoàn

Năm bốn ba (1943), một tuần lễ ấy,

Căm thù đế quốc khó mà quên!

Nay, đồng chí Hoàn đã đi vào cõi vĩnh hằng. Tôi không bao giờ quên được đồng chí Trần Quốc Hoàn, một người anh, một đồng chí chân thành, đáng kính, một đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta; là Bí thư Chi bộ xuất sắc nhà ngục Sơn La.

H.C.
.
.