Chuyện xúc động ở bệnh viện dã chiến, khu cách ly

Thứ Tư, 02/02/2022, 16:39

Mùa Xuân mới đã đến nhưng làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 và dư âm của nó vẫn để lại những nốt trầm buồn. Công tác phòng, chống dịch vẫn còn bộn bề khó khăn phía trước. Gác lại riêng tư, suốt thời gian qua, các cán bộ, chiến sĩ (CBCS), công nhân viên Cục Hậu cần (Bộ Công an) vẫn miệt mài làm nhiệm vụ, đảm bảo “hậu phương” vững chắc trong công tác phòng, chống dịch ở các bệnh viện dã chiến, khu cách ly.

Có rất nhiều câu chuyện cảm động về những chiến sỹ Công an, xuất hiện nhiều gương sáng - những bông hoa đẹp trên tuyến đầu chống dịch.

10-1.jpg -0
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn kiểm tra các cơ sở, địa điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bộ Tư lệnh CSCĐ.

Vững vàng “hậu phương” nơi “điểm nóng”

Chúng tôi còn nhớ mãi hình ảnh xúc động vào ngày 22/8/2021, khi cả nước hướng về miền Nam ruột thịt, lãnh đạo Cục Hậu cần cùng các CBCS trong đơn vị bịn rịn, chúc 31 nhân viên chi viện cho Bệnh viện dã chiến (xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè) và phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Công an tại TP Hồ Chí Minh “chân cứng đá mềm”, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

“11 đầu bếp và 20 nhân viên phục vụ, được tăng cường để phục vụ bếp ăn tại Bệnh viện dã chiến, nhà công vụ Phước Lộc, Nhà khách Phương Nam. Đợt này đi chưa biết khi nào trở lại Hà Nội nhưng chúng tôi luôn mang trong mình quyết tâm vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, khi nào chiến thắng đại dịch thì về”, chị Nguyễn Kim Oanh, nhân viên Phòng Quản lý công tác nhà khách, nhà công vụ và nhà ăn (Phòng 8, Cục Hậu cần) đã chia sẻ như vậy với PV trước lúc bước chân lên máy bay vào TP Hồ Chí Minh.

Trong đoàn còn có cô gái trẻ Nguyễn Thị Huyền (nhân viên Phòng Quản lý công tác nhà khách, nhà công vụ và nhà ăn) với thân hình nhỏ nhắn và nước da trắng ngần cũng xung phong tham gia trận tuyến. “Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng vào TP Hồ Chí Minh, lúc đầu tôi cũng hơi “choáng” trước những gì đang diễn ra. Phố xá vắng hoe, xe cấp cứu chạy trên nhiều ngả đường, còi hú inh ỏi”, Huyền nhớ lại. Tuy nhiên, không nao núng, Huyền cùng 3 đồng chí trong đoàn đã nhanh chóng bắt tay vào nhiệm vụ cấp dưỡng, không kể giờ giấc, ngày đêm, phục vụ Bộ Chỉ huy tiền phương của Bộ Công an tại phía Nam mà không để xảy ra sơ suất gì.

Thiếu tướng Lê Văn Hải, Cục trưởng Cục Hậu cần cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Hậu cần đã khẩn trương xây dựng kế hoạch đảm bảo hậu cần phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Công an tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; báo cáo, đề xuất lãnh đạo Bộ các phương án triển khai công tác hậu cần phục vụ Bệnh viện dã chiến Phước Lộc và công tác vệ sinh phòng dịch; phối hợp với các đơn vị thi công đảm bảo nguồn điện, nước, internet, phục vụ ăn nghỉ đối với số công nhân lắp đặt bệnh viện, đảm bảo công tác hậu cần phục vụ Bệnh viện dã chiến đi vào hoạt động từ ngày 1/9/2021. Gấp rút hoàn thành việc cải tạo Nhà Công vụ Phước Lộc kịp thời đảm bảo chỗ nghỉ cho đội ngũ y bác sĩ bệnh viện với hơn 130 người. Chỉ trong thời gian ngắn, từ ngày 31/8/2021 đến ngày 10/10/2021, bếp dã chiến tại Nhà Công vụ Phước Lộc do đơn vị xây dựng đã phục vụ khoảng 60.000 suất ăn bảo đảm dinh dưỡng cho đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế, nhân viên phục vụ và bệnh nhân điều trị COVID-19.

Khu cách ly đặc biệt và “đội quân thầm lặng”

Đến tháng 5/2021, Cục Hậu cần có thêm nhiệm vụ mới, tổ chức đảm bảo khu cách ly tập trung tại Nhà khách số 10 Nguyễn Quyền (Hà Nội) đến nay đã đón tiếp 180 đồng chí trong diện cách ly; Nhà nghỉ dưỡng 378 (Nha Trang, Khánh Hòa) đã đón tiếp và phục vụ cách ly đối với 122 đồng chí…Bên cạnh đó, các nhà nghỉ dưỡng luôn sẵn sàng chuẩn bị các phương án trong trường hợp được trưng dụng làm cơ sở cách ly phòng, chống dịch COVID-19 theo kế hoạch của Bộ Công an cũng như kế hoạch của UBND các tỉnh, thành phố… -Thiếu tướng Lê Văn Hải chia sẻ thêm.

Chúng tôi có mặt khi thành phố đã lên đèn, chứng kiến cảnh anh em vừa nhận suất cơm hộp chưa kịp ăn, nghe tiếng xe ô tô dừng ở sảnh nhà khách Nguyễn Quyền, vốn đã được trưng dụng thành Khu cách ly đặc biệt, không ai bảo ai, từ Giám đốc nhà khách đến nhân viên lễ tân thuộc Phòng 8 Cục Hậu cần đều vào vị trí làm nhiệm vụ. Lúc này, các nhân viên y tế của Bệnh viện 19-8 và Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an cũng bắt tay vào công tác lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho những thành viên trong tổ công tác vừa từ nước ngoài trở về.

“Trung bình mỗi ngày, nhà khách phục vụ khoảng 300 suất ăn cho những người cách ly và CBCS, nhân viên trực chiến chống dịch. Các suất ăn được nhân viên nhà khách mang đến tận cửa phòng vào một giờ nhất định còn nóng hổi, thường xuyên được đổi món. Mỗi CBCS, nhân viên nhà khách số 10 Nguyễn Quyền đều không quản ngại thức khuya, dậy sớm để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình, dù họ biết, nếu trong đoàn cách ly có người bị F0 thì nguy cơ lây nhiễm cũng rất cao, nhưng chúng tôi đều ý thức và thực hiện nghiêm túc 5K”. -Trung tá Vương Đăng Thuận, Giám đốc Nhà khách Nguyễn Quyền chia sẻ.

Có chứng kiến những công việc của “đội quân thầm lặng” này mới hiểu thêm phần nào những khó khăn, vất vả, những công việc mà họ đã trải qua. Chứng kiến nỗi nhớ nhà quay quắt của những nữ nhân viên trẻ khi hết giờ làm việc vừa gọi điện thoại về hỏi thăm bố, mẹ già, con nhỏ, vừa lặng lẽ gạt nước mắt vì không muốn để người thân lo lắng. Có trường hợp như đầu bếp trưởng nhiều tháng vẫn bám trụ tại nhà khách không về vì lo cơm dẻo, canh ngọt, phục vụ chăm sóc sức khỏe người đến cách ly để họ sớm trở về gia đình và yên tâm công tác.

10-2.jpg -0
Cán bộ, chiến sĩ Cục Hậu cần chuẩn bị các suất ăn phục vụ Bệnh viện dã chiến Phước Lộc (TP Hồ Chí Minh).

Những chuyến xe nghĩa tình

Lâu nay, chuyện cảm động về những lái xe xuyên ngày đêm, liên tỉnh, phục vụ chống dịch cũng chưa được nhiều người biết đến.  

Lái xe, Thượng úy Đặng Văn Quyết kể lại một kỷ niệm khó quên với anh khi đón đoàn y, bác sĩ CAND từ Bệnh viện dã chiến số 2 Bắc Giang hoàn thành nhiệm vụ về cách ly tại khu vực cách ly tập trung thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Hà Nội). Trên xe, một bác sĩ đã chủ động gọi cho con gái và dặn dò: “Mẹ đã về đến Hà Nội rồi, xe ô tô sắp đi qua cửa nhà mình, con hãy ra ngoài để mẹ được nhìn thấy con. Con nhớ kỹ là xe số 3, BKS…nhé. Mẹ sẽ vẫy tay qua cửa sổ để con dễ nhận ra”.  Nhìn thấy nhau từ xa mừng mừng tủi tủi, khoảnh khắc ấy, không nén được cảm xúc, hai mẹ con họ và cả nhiều y, bác sĩ trên xe cũng xúc động rơi lệ. Thượng úy Quyết lúc ấy đã lái xe chậm lại để cho mẹ con họ có thể nhìn nhau được lâu hơn…

Nhìn vào những con số biết nói mới thấy để có những chuyến đi an toàn, những chiến sỹ Công an cầm vô lăng cũng đã hy sinh thầm lặng, tận tụy với công việc, góp công sức nhỏ bé trên tuyến đầu chống dịch. Chỉ tính riêng từ ngày 15/8/2021 đến ngày 9/11/2021, Cục Hậu cần đã bố trí 1.499 chuyến xe, phục vụ 4.144 lượt đưa, đón các đoàn bác sỹ, y tá, điều dưỡng, cán bộ chiến sĩ các đơn vị tham gia công tác phòng, chống dịch và đưa đón cán bộ chiến sĩ đi cách ly y tế tập trung phía Bắc và phía Nam… Những việc làm thầm lặng, đáng trân trọng của CBCS Cục Hậu cần đã động viên, tiếp thêm sức mạnh, bảo đảm sức khỏe cho những CBCS, y, bác sỹ trên tuyến đầu chống dịch.

Anh Hiếu- Vũ Linh
.
.