Về Hòn Đá Bạc nghe kể chiến công năm xưa

Thứ Hai, 12/03/2018, 10:48
Hòn Đá Bạc (ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, là cụm đảo đẹp: hòn Ông Ngộ, hòn Đá Lẻ và hòn Đá Bạc nằm sát bờ biển Tây. Không chỉ là điểm du lịch nổi tiếng ở Cà Mau, Hòn Đá Bạc còn ghi dấu chiến thắng vang dội Kế hoạch phản gián CM12 của lực lượng An ninh nhân dân (ANND) Việt Nam; đập tan âm mưu của bọn phản động do Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy cầm đầu...

Sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, chúng tôi hòa cùng đoàn du khách thập phương có mặt tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Hòn Đá Bạc. Dẫn chúng tôi tham quan Nhà trưng bày Kế hoạch phản gián CM12, Thượng úy Lý Phương Lam, cán bộ thuyết minh Khu di tích lịch sử Quốc gia Hòn Đá Bạc tự hào: “Là một người con của quê hương Cà Mau, khi làm nhiệm vụ thuyết minh về Kế hoạch phản gián CM12, tôi rất vui mừng và tự hào vì đã truyền tải đến cho mọi người về những chiến công đặc biệt xuất sắc của lực lượng CAND Việt Nam nói chung, Công an tỉnh Cà Mau nói riêng”.

Kế hoạch CM12 là một trong những chiến công xuất sắc nhất và đáng tự hào của lực lượng CAND, một chiến dịch phản gián có quy mô lớn cả về thời gian, không gian và bố trí lực lượng đấu tranh. Đối tượng đấu tranh trong kế hoạch này là bọn gián điệp biệt kích, các tổ chức phản động lưu vong. Trong quá trình đấu tranh, lực lượng ANND đã thực hiện chủ trương chiến lược vừa triệt phá âm mưu, hoạt động lật đổ chính quyền cách mạng của bọn Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh, vừa phát hiện âm mưu, ý đồ đen tối của các thế lực phản động quốc tế và các cơ quan tình báo nước ngoài.

Khách tham quan chụp hình lưu niệm cùng cán bộ quản lý và thuyết minh Khu di tích lịch sử Quốc gia Hòn Đá Bạc.

Theo thuyết minh từ Thượng úy Lý Phương Lam, năm 1979, tổ chức phản động của Túy, Hạnh được chính quyền cực hữu của một quốc gia trong khu vực cho mượn đất và tạo điều kiện hoạt động. Chúng thành lập trụ sở gọi là “Tổng hành dinh”, có sự liên lạc chặt chẽ với bọn phản động quốc tế và các căn cứ, các lực lượng phản động trong nước, lập hai mật cứ có tên “Tự thắng” và “Quyết tiến”, đủ sức huấn luyện, thao diễn và làm doanh trại. Đội tàu của chúng gồm 4 chiếc, dùng để đưa bọn gián điệp biệt kích cùng với các phương tiện, vũ khí xâm nhập về nước.

Cuối năm 1980, Túy, Hạnh tung toán gián điệp biệt kích đầu tiên gồm 23 tên xâm nhập vào nước ta bằng đường bộ, qua Campuchia vào tỉnh An Giang. Tuy nhiên, toán biệt kích mang mật danh “Minh Vương I” này bị ta phát hiện, truy lùng, bắt gần hết (trong đó 1 tên bị tiêu diệt) và thu giữ điện đài, vũ khí cùng nhiều phương tiện hoạt động khác. Qua phân tích, nhận định tình hình, ta xác định có rất nhiều khả năng bọn phản động này thay đổi hướng xâm nhập.

Đúng như dự đoán, chiều 15-5-1981, trinh sát kỹ thuật phát hiện làn sóng lạ ở bờ biển tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu). Nhờ sự cảnh giác, sự giúp đỡ tích cực của nhân dân, lực lượng làm nhiệm vụ đã nhanh chóng bắt gọn toán xâm nhập gồm 8 tên, diệt 1 tên, thu toàn bộ vũ khí, phương tiện hoạt động khi chúng chưa kịp liên lạc về trung tâm. Đây là toán xâm nhập mở đầu cho một “Kế hoạch lớn” của Túy, Hạnh cùng bọn phản động quốc tế.

Từ ngày 9-9-1981 đến ngày 9-9-1984, bọn phản động xâm nhập 17 chuyến bằng tàu biển vào huyện Trần Văn Thời. Mỗi chuyến xâm nhập đều mang theo hàng chục tấn vũ khí, thuốc nổ cực mạnh, cùng gián điệp biệt kích nhưng đều bị lực lượng An ninh của ta tóm gọn. Sau khi hầu hết số gián điệp biệt kích đã được huấn luyện với vũ khí, phương tiện được “quan thầy” cung cấp về nước, lực lượng ANND quyết định kết thúc Kế hoạch phản gián CM12 bằng trận đánh cuối cùng đúng vào đêm 9-9-1984 tại Hòn Đá Bạc.

Đêm 9-9-1984, với chuyến xâm nhập thứ 17 do Mai Văn Hạnh cầm đầu cùng 5 tên gián điệp biệt kích, chuyên chở 10 tấn vũ khí từ nước ngoài về điểm tập kết tại Hòn Đá Bạc, Ban Chuyên án CM12 quyết định kết thúc Kế hoạch chuyên án CM12 với chiến thắng trọn vẹn, đập tan mưu đồ phá hoại của bọn phản động. Bắt gọn tên Mai Văn Hạnh, một trong hai thủ lĩnh cầm đầu của tổ chức phản động người Việt lưu vong với danh xưng “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”.

Lực lượng Công an đã bắt và diệt 146 tên gián điệp biệt kích xâm nhập (trong đó có 2 tên đầu sỏ); thu trên 300 tấn vũ khí (trong đó có 3.679 súng các loại, 90 tấn đạn, 1.200kg chất nổ…); 116 triệu đồng, trên 10 tấn tiền Việt Nam giả bằng 371.750.000 đồng; nhiều tài liệu, thuốc chữa bệnh; 2 tàu xâm nhập. Trong nội địa, ta phá 10 tổ chức phản động, bắt 1.018 tên…

Khách tham quan nghe giới thiệu tại Khu di tích

Lần đầu tiên đến thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia Hòn Đá Bạc, sau khi nghe Thượng úy Lý Phương Lam thuyết minh lại trận đánh cuối cùng của Kế hoạch CM12, cựu chiến binh Nguyễn Tương (xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) đã thốt lên: “Thật đáng tự hào và khâm phục sự mưu trí, dũng cảm của lực lượng An ninh lúc bấy giờ. Các đồng chí đã làm nên một trong những chiến công đặc biệt xuất sắc để thế hệ sau học tập và noi gương. Chiến công ấy đã khẳng định tinh thần đấu tranh quyết liệt; sự mưu trí, dũng cảm; sự sáng tạo và trình độ nghiệp vụ xuất sắc của lực lượng CAND Việt Nam nói chung, lực lượng ANND nói riêng”.

Còn anh Phạm Minh Trung (du khách đến từ TP Cần Thơ) cho biết: “Kế hoạch phản gián CM12 có tầm vóc, ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Đánh dấu sự thất bại thảm hại của bọn phản động. Việc đập tan kế hoạch của bọn gián điệp biệt kích, các tổ chức phản động lưu vong do Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy cầm đầu là mốc son chói lọi của lực lượng CAND.

Đại úy Lê Văn Hiền, Phó Trưởng ban Quản lý Khu di tích lịch sử Quốc gia Hòn Đá Bạc chia sẻ: “Khi được lãnh đạo Công an tỉnh Cà Mau phân công đến nhận nhiệm vụ tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Hòn Đá Bạc, bản thân tôi vinh dự, tự hào khi được phục vụ tại nơi ghi đậm dấu ấn chiến công của lực lượng CAND, trong đó có sự đóng góp của cán bộ Công an và nhân dân tỉnh Cà Mau. Qua đó, tôi thấy trách nhiệm của mình là không ngừng phấn đấu, rèn luyện, học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, nâng cao văn hóa ứng xử đối với nhân dân và du khách đến tham quan Khu di tích”.

Trong lễ kỷ niệm 33 năm kết thúc thắng lợi Kế hoạch CM12 (9-9-1984 – 9-9-2017), Thượng tướng Bùi Văn Nam - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, thắng lợi của Kế hoạch CM12 có ý nghĩa vô cùng to lớn; góp phần đập tan kiểu “Chiến tranh phá hoại nhiều mặt” của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam; giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình cho đất nước; tiếp tục mở ra những kế hoạch nghiệp vụ mới, góp phần tích cực cho cuộc đấu tranh phản gián và chống phản động lưu vong người Việt sau này một cách có hiệu quả, bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới.

Với chiến công to lớn, Kế hoạch CM12 đã được Đảng, Nhà nước đánh giá cao và tặng nhiều phần thưởng cao quý; 2 đơn vị và 3 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cùng nhiều Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Bằng khen các loại. Nhiều CBCS tham gia Kế hoạch CM12 trưởng thành và sau này được giao những trọng trách cao hơn trong Lực lượng CAND.

Từ thực tiễn đấu tranh của Kế hoạch CM12, chúng ta đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, sáng tạo ra nhiều cách đánh mới, góp phần củng cố, phát triển và hoàn thiện lý luận nghiệp vụ về đấu tranh chống phản cách mạng nói chung, chống phản động người Việt lưu vong nói riêng trong bối cảnh tình hình mới.

Phát huy truyền thống vẻ vang của CAND và của chiến thắng Kế hoạch CM12, các thế hệ CBCS An ninh ngày nay nguyện không ngừng phấn đấu, học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, sức chiến đấu và năng lực công tác; luôn tỉnh táo, cảnh giác, xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tuyệt đối trung thành với Đảng với Tổ quốc và nhân dân. Quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; góp phần thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân” – Thứ trưởng Bùi Văn Nam nhấn mạnh.

Đức Văn
.
.