Vai trò quan trọng, đóng góp to lớn của Đảng bộ Công an Trung ương trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Ký ức chi viện chiến trường miền Nam qua lời kể của cựu trinh sát kỹ thuật
- Xung phong vào tuyến lửa chi viện chiến trường miền Nam
Bài 1: Lãnh đạo chính trị, tư tưởng, bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự miền Bắc
Trong 75 năm xây dựng và phát triển (1945-2020), nhiều lần thay đổi về tên gọi, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, Đảng bộ Công an Trung ương ngày càng khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo, quyết định mọi thắng lợi của lực lượng CAND trên mặt trận bảo vệ ANTT.
Quá trình phát triển của Đảng bộ Công an Trung ương cũng là quá trình hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của các tổ chức Đảng trong CAND, từ lãnh đạo chính trị, tư tưởng, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chính trị đến lãnh đạo toàn diện, mọi mặt công tác công an.
Lớp lớp cán bộ Công an Hà Nội hăng hái lên đường chi viện cho An ninh miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu |
Ở giai đoạn từ tháng 7-1954 đến tháng 4-1975, Đảng bộ cơ quan Bộ Công an đã lãnh đạo chính trị, tư tưởng, bảo vệ ANTT miền Bắc và tham gia đấu tranh đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, góp phần quan trọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Xây dựng tổ chức đảng vững mạnh
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược giành được những thắng lợi to lớn, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ mới với nhiều thuận lợi nhưng cũng đầy khó khăn thử thách: Đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ.
Tháng 9-1954, Bộ Chính trị ra nghị quyết về "Tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng", vạch rõ những đặc điểm của cách mạng nước ta, trong đó đặc điểm quan trọng nhất là đất nước tạm thời chia cắt hai miền, đề ra nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Ngày 6-9-1954, Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng ủy tiếp quản TP Hà Nội, do đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an làm Bí thư. Được sự lãnh đạo của Trung ương và thực hiện 8 chính sách, 10 điều kỷ luật của bộ đội, cán bộ và nhân viên Công an khi vào thành phố do Hội đồng Chính phủ ban hành, Bộ Công an xây dựng kế hoạch tiếp quản, chỉ đạo Công an các tỉnh lập kế hoạch tiếp quản và tổ chức lớp huấn luyện quán triệt yêu cầu, nhiệm vụ, chính sách và kỷ luật về tiếp quản cho cán bộ, đảng viên tham gia công tác này.
Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, lực lượng Công an đã nhanh chóng triển khai nhiệm vụ tiếp quản và đảm bảo ANTT tại các thành phố, thị xã; tiếp thu các cơ quan mật thám, cảnh sát, trại giam; bảo vệ kho tàng, bảo vệ tài liệu; kịp thời trấn áp những phần tử chống đối, truy quét các đối tượng chạy trốn; phát động quần chúng thu hồi vũ khí, chất cháy, chất nổ do địch để lại; phát động quần chúng đấu tranh chống tội phạm hình sự, trấn áp các đối tượng lưu manh, côn đồ, tích cực giải quyết các tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại, đảm bảo các yêu cầu sinh hoạt bình thường của nhân dân.
Sau khi tham gia tiếp quản 17 thành phố, thị xã, lực lượng Công an nhanh chóng triển khai các biện pháp nghiệp vụ, quản lý người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh, quản lý vũ khí, trật tự an toàn giao thông..., đặc biệt là quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, đăng ký trình diện đối tượng trong quân đội và chính quyền cũ, trấn áp các tổ chức, phần tử phản cách mạng, góp phần ổn định trật tự trị an trên toàn miền Bắc, phục vụ công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội sau chiến tranh. Bộ Công an nhanh chóng củng cố tổ chức, bố trí lại lực lượng và xác định rõ nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của các đơn vị.
Tháng 4-1955, Đại hội đại biểu Đảng bộ cơ quan Bộ Công an lần thứ I được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Bộ Công an khóa I, đồng chí Ngô Ngọc Du được bầu làm Bí thư. Đại hội đã đánh dấu bước phát triển mới của Đảng bộ cơ quan Bộ Công an về tổ chức và trong công tác lãnh đạo đảm bảo về chính trị, tư tưởng cho đảng viên để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
Ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ đã quán triệt, triển khai tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, lần thứ 8, lần thứ 9 của Trung ương Đảng khóa II, các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư… để mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức rõ lập trường, quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn này cũng như nhiệm vụ của ngành Công an trong đấu tranh đảm bảo trật tự trị an ở miền Bắc sau giải phóng.
Cùng với công tác lãnh đạo đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyên môn, Đảng bộ cơ quan Bộ Công an đặc biệt chú trọng đến công tác phát triển đảng viên và củng cố các tổ chức đảng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhất là sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 05-CT/TW (tháng 2-1957) về phát triển đảng.
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Công an, ngày 30-10-1956, Ban Bí thư ra Nghị quyết số 13 –NQ/TW quyết định thành lập Đảng đoàn Bộ Công an gồm 8 đồng chí, đồng chí Trần Quốc Hoàn được chỉ định làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Ngọc làm Phó Bí thư.
Đảng đoàn Bộ có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Đảng, Chính phủ những chủ trương, chính sách về công tác Công an; quán triệt và tổ chức lãnh đạo thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về ANTT; tổ chức lãnh đạo, xây dựng lực lượng CAND phù hợp với điều kiện, tình hình mới.
Thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 3-8-1957; Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 13-9-1957 của Ban Bí thư, Đảng đoàn Bộ Công an yêu cầu Công an các cấp tích cực triển khai các biện pháp quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý đặc doanh, trấn áp lưu manh, côn đồ, cướp của giết người... kết hợp với phát động quần chúng đề cao cảnh giác, tố giác tội phạm và tham gia giữ gìn trật tự trị an; phối hợp với các ngành liên quan giải quyết các tệ nạn do xã hội cũ để lại.
Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 BHC Trung ương Đảng khóa II (họp từ ngày 19 đến 21-2-1957), tháng 4-1958, Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an tổ chức Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ XII, Hội nghị tổng kết công tác Công an trong 3 năm (1955 - 1957), đề ra nhiệm vụ trong 3 năm (1958 - 1960) phục vụ kế hoạch cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế văn hóa ở miền Bắc.
Hội nghị cũng đề ra những nhiệm vụ mới để xây dựng lực lượng CAND vững mạnh, trở thành công cụ bảo vệ tin cậy của Đảng và Nhà nước. Triển khai nội dung Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 12, đồng thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Đảng đoàn Bộ Công an đã chỉ đạo kiện toàn tổ chức trong cơ quan Bộ Công an…
Dưới sự chỉ đạo của Đảng đoàn Bộ Công an, lực lượng Công an huy động cán bộ tham gia công tác cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh.
Thông qua công tác nghiệp vụ, Công an phát hiện và ngăn chặn kịp thời âm mưu, hoạt động của các đối tượng gián điệp, phản động và giai cấp tư sản phá hoại công cuộc cải tạo XHCN; đồng thời cũng phát hiện, giải quyết kịp thời những hoạt động của số tư sản định mua chuộc cán bộ của ta trong các cơ quan Nhà nước và những cán bộ tham gia công tác cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh.
Trong giai đoạn cả nước tiến hành hai chiến lược cách mạng là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng đoàn Bộ Công an đã có nhiều chủ trương kiện toàn tổ chức bộ máy của Công an, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm cho lực lượng Công an hoàn thành nhiệm vụ.
Sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 109-NQ/TW (ngày 31-3-1960), về việc thành lập Đảng ủy CAND vũ trang, tháng 7-1960, Đại hội Đảng bộ cơ quan Bộ Công an lần thứ IV được tổ chức tại hội trường cơ quan Bộ Công an với bốn nhóm nhiệm vụ chính, trong đó đề ra nhiệm vụ nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, đảng viên; tăng cường công tác chính trị, tư tưởng; phê phán các tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, địa vị cầu an, hưởng lạc...
Đánh thắng chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ ở miền Nam
Trong bối cảnh miền Bắc hoàn thành kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, mở đầu thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, ở miền Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn áp dụng chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" tăng cường đàn áp phong trào cách mạng. Trong hai ngày 25-26/11/1961, Đại hội đại biểu Đảng bộ cơ quan Bộ Công an lần thứ V đã được tổ chức tại Hà Nội. Bên cạnh những ưu điểm, Đại hội cũng chỉ ra những khuyết điểm, thiếu sót cần khắc phục.
Đến năm 1963, miền Bắc đã giành được những thắng lợi to lớn trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, đế quốc Mỹ và tay sai ra sức khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng, đồng thời tăng cường hoạt động phá hoại.
Trong bối cảnh đó, Đại hội Đảng bộ cơ quan Bộ Công an lần thứ VI được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội (ngày 18 - 19-5-1963), khẳng định trong công tác chi viện cho tiền tuyến, Đảng ủy cơ quan Bộ Công an đã làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, chiến sỹ với khẩu hiệu thi đua "Mỗi người làm việc bằng hai". Trong năm 1962, đã có 260 đồng chí lên đường chi viện an ninh cho các tỉnh Trị Thiên, Khu 5 và Nam Bộ.
Nhằm đối phó với cơ quan tình báo Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm tăng cường đưa gián điệp, biệt kích phá hoại miền Bắc, tháng 6-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Đảng đoàn Bộ Công an chỉ đạo công tác chống gián điệp, biệt kích. Thực hiện huấn thị của Người, Đảng đoàn Bộ Công an đã lãnh đạo lực lượng Công an làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy đảng các địa phương và là lực lượng nòng cốt, xung kích trong cuộc đấu tranh chống gián điệp, biệt kích.
Chỉ trong thời gian ngắn năm 1963, các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh... đã bắt hơn 30 toán gián điệp, biệt kích đưa ra xét xử công khai, có tác động tuyên truyền rộng rãi trong nước và quốc tế, tác động mạnh vào hàng ngũ kẻ thù, làm cho chúng hoang mang lo sợ, một số tên gián điệp, biệt kích hoạt động ở miền Bắc đã ra hàng.
Thực hiện Cuộc vận động "3 xây, 3 chống" do Bộ Chính trị phát động và Chỉ thị số 08-CT/ĐƯ về nhiệm vụ công tác đảng ở các cơ quan Trung ương của Đảng bộ các cơ quan dân, chính, đảng Trung ương, Đảng ủy cơ quan Bộ Công an đã xây dựng kế hoạch thực hiện, đẩy mạnh công tác xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên và xây dựng đoàn thể vững mạnh; chăm lo đời sống cho cán bộ, đảng viên, chiến sỹ trong toàn Đảng bộ. Qua đó góp phần giữ vững trật tự trị an ở miền Bắc, tích cực tình nguyện chi viện cho chiến trường miền Nam, đóng góp xứng đáng trong việc hoàn thành kế hoạch nhà nước năm 1964. (Còn nữa)