Truy tìm tội phạm qua những trang hồ sơ

Chủ Nhật, 22/01/2017, 09:57
Mỗi chuyên án đấu tranh chống tội phạm thành công đều có dấu ấn của các chiến sỹ hồ sơ nghiệp vụ. Các anh âm thầm góp sức làm nên các chiến công, góp phần trả lại công bằng, nghiêm minh của pháp luật. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu vai trò và nhiệm vụ cũng như đóng góp lớn lao của các chiến sỹ hồ sơ nghiệp vụ - những người phá án không tên.

Có mặt tại Phòng Hồ sơ nghiệp vụ (PV27) Công an tỉnh Hòa Bình vào những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận không khí làm việc khẩn trương của từng cán bộ, chiến sỹ. 

Vừa nhâm nhi chén trà nóng, Đại tá Lê Việt Kỳ, Trưởng phòng chia sẻ: Thực tế cho thấy, kết quả các yêu cầu tra cứu tại cơ quan hồ sơ góp phần quan trọng vào việc khai thác thông tin về thủ phạm gây án, chỉ rõ quan hệ và nơi ẩn náu của đối tượng sau khi gây án thông qua trích lục tiền án, tiền sự hay các quan hệ gia đình, xã hội, góp phần rút ngắn thời gian phá án, truy bắt đối tượng, tiết kiệm chi phí trong quá trình điều tra. 

Nhiều chuyên án lớn và nhiều vụ án phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều đối tượng ở nhiều địa bàn khác nhau, nhưng nhờ có cơ sở dữ liệu của cơ quan hồ sơ nghiệp vụ đã tra cứu xác định chính xác rất nhiều đối tượng khai man họ tên, quê quán nhằm trốn tránh hành vi phạm tội của mình và đồng bọn. Ngoài ra còn xác định chính xác nhiều nạn nhân chết chưa rõ tung tích hay giúp người bị thất lạc đoàn tụ gia đình sau nhiều năm xa cách…

Cán bộ, chiến sĩ Hồ sơ nghiệp vụ Công an Hòa Bình tra cứu tàng thư phục vụ công tác phòng, chống tội phạm.

Trong số hàng trăm vụ án phức tạp mà các chiến sỹ hồ sơ nghiệp vụ tham gia phá án, vụ giết người, sau đó đẩy nạn nhân xuống hầm mỏ khiến các anh tốn khá nhiều công sức. 

Trong quá trình khai thác than tại xóm Mường Vọ, xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi (Hòa Bình), những người công nhân đã phát hiện dưới đáy hầm sâu gần 100m có một xác người đang phân hủy. Việc xác định tung tích nạn nhân rất khó khăn, phức tạp vì không thể nhận dạng với các thông tin như vậy. 

Những thông tin quan trọng được cập nhật qua hệ thống dữ liệu hồ sơ nghiệp vụ. Các chiến sỹ hồ sơ được giao nhiệm vụ phải khẩn trương xác định chính xác danh tính nạn nhận, phân tính, đánh giá các mối quan hệ xã hội và định hướng công tác điều tra. 

Trên cơ sở thông tin thu được và công tác nghiệp vụ, Ban chuyên án xác định nạn nhận là chị Quách Thị Vẹn, 31 tuổi, ở xã Cuối Hạ, Kim Bôi. Tiến hành điều tra, xác minh các mối quan hệ của chị Vẹn, chỉ 2 ngày sau, cơ quan điều tra đã làm rõ đối tượng phạm tội là tên Bùi Văn Cường, 54 tuổi, ở xóm Mòi, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình).

Theo Đại úy Trần Đăng Hải, Giám đốc Trung tâm Thông tin tội phạm Công an tỉnh, công tác hồ sơ còn phục vụ đắc lực trong việc tìm tung tích nạn nhân mà các biện pháp nghiệp vụ khác khó thực hiện được. 

Mới đây, các anh tiếp nhận yêu cầu tra cứu từ Công an tỉnh Sơn La về một nạn nhân chết do tai nại rủi ro. Do tác động ngoại lực mạnh, tử thi bị biến dạng, hơn nữa, nạn nhân không có giấy tờ tùy thân. Cơ quan chức năng không có cơ sở để xác định danh tính nạn nhân xấu số. Việc xác định tung tích nạn nhân tưởng rơi vào ngõ cụt. Lúc này, chỉ còn biện pháp duy nhất là tra cứu tàng thư công dân.

Các chiến sỹ hồ sơ nghiệp vụ thận trọng đối chiếu, so sánh mẫu vân tay do Công an tỉnh Sơn La cung cấp, từ đó xác định nạn nhân là người ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ngay sau đó, cơ quan chức năng thông tin để người nhà nạn nhân nhận tử thi về mai táng tại địa phương.

Những con số, những con chữ, hình ảnh từ những trang hồ sơ là ẩn chứa cả hành trình dài sa vào bóng tối của nhiều đối tượng, trong đó có không ít đối tượng giang hồ cộm cán… 

Kho tàng thư căn cước tội phạm là cả câu chuyện dài mà nhiều người khi nghe phải giật mình. Tất cả thông tin, dữ liệu công dân toàn tỉnh đều được các chiến sỹ hồ sơ nghiệp vụ bảo quản, lưu giữ cẩn thận, khoa học, là cơ sở làm sáng tỏ những vụ án uẩn khúc hay giúp gia đình nọ đoàn tụ.

Như Hùng
.
.