Trực diện nhóm sát thủ bắn chết Giám đốc doanh nghiệp

Thứ Hai, 31/10/2016, 10:55
Bóng tối lúc này đã ngập tràn, nhưng trên những căn phòng của tầng 4, nơi làm việc của Phòng 5 và Phòng 8, hai đơn vị tham gia chuyên án vụ "bắn chết GĐ ở Hà Nam" đèn vẫn sáng trưng. Lúc chúng tôi đến, các trinh sát, điều tra viên đang bề bộn với hàng núi công việc…

Một tháng sau khi vụ bắn người xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, cướp đi mạng sống của nạn nhân Lê Hữu Trí, Giám đốc Công ty TNHH Hữu Trí (ở Phủ Lý, Hà Nam), những thông tin về việc Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và Công an tỉnh Hà Nam triệu tập 3 nghi can liên quan đến vụ việc gây xôn xao dư luận bắt đầu lan truyền râm ran trong báo giới. Song, đó có phải là những đối tượng gây án hay không thì chưa có một phát ngôn chính thức từ cơ quan điều tra.

Khoảng 18h30 ngày 6-8-2016, tôi đang trực duyệt bài ở đơn vị thì nhận được điện thoại của Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự thông báo và cho vào chụp ảnh 3 đối tượng bị bắt giữ trong vụ sát hại Giám đốc Lê Hữu Trí. Nhưng với điều kiện phải đến ngay, nếu không, đêm đó, các đối tượng sẽ được chuyển vào trại tạm giam…

Còn bề bộn bài vở nhưng những thông tin nóng hổi khiến tôi không khỏi bồn chồn. Sau khi gọi điện cho phóng viên Xuân Mai theo dõi địa bàn Hà Nam lên cơ quan, tôi báo cáo anh Phạm Khải, Phó Tổng Biên tập trực nội dung báo hôm đó xin phép sang C45. Rất vui vẻ anh Phạm Khải nhận kiêm luôn nhiệm vụ biên tập của lãnh đạo Ban Thời sự - Chính trị- Nghiệp vụ!

Hai chị em phóng sang trụ sở Cục C45 trong con ngõ nhỏ của đường Hoàng Hoa Thám (quận Tây Hồ, Hà Nội). Bóng tối lúc này đã ngập tràn, nhưng trên những căn phòng của tầng 4, nơi làm việc của Phòng 5 và Phòng 8, hai đơn vị tham gia chuyên án đèn vẫn sáng trưng. Lúc chúng tôi đến, các trinh sát, điều tra viên đang bề bộn với hàng núi công việc…

Thời điểm chúng tôi có mặt, hai đối tượng Duy và Hoàn đã khai nhận, song kẻ chủ mưu là Nguyễn Sỹ Đạt thì vẫn khăng khăng không nhận. Đạt thể hiện đúng “bản lĩnh” của một côn đồ máu lạnh từng ra tù vào tội, có kinh nghiệm đối phó với cơ quan điều tra và đổ hết tội lỗi cho Hoàn, kẻ trực tiếp dùng súng bắn anh Lê Hữu Trí. Vì đã từ lâu như “người nhà” và rất tin tưởng nên các trinh sát, điều tra viên để chúng tôi tiếp xúc với các đối tượng gây án vào thời điểm hiếm hoi đó…

Đối tượng đầu tiên chúng tôi tiếp xúc là Lê Việt Hoàn, đã nhận hợp đồng bắn người và cũng là kẻ trực tiếp bắn chết nạn nhân. Hoàn tỏ ra khá bình thản. Những câu trả lời của một sát thủ máu lạnh khiến chúng tôi gai người và cũng phần nào cho thấy tính cách của gã - một kẻ giang hồ, dám làm dám chịu. Gã kể khá rành mạch về từng chi tiết vụ việc, được Đạt cho tập bắn thế nào, hôm gây án đã phục đợi Trí ở đâu, ra tay thế nào?

Cục C45 lấy lời khai của 3 đối tượng Đạt, Duy và Hoàng.

Chỉ khi chúng tôi hỏi về nguyên nhân sâu xa của vụ án, vì sao Đạt muốn sát hại Trí thì Hoàn tìm cách lảng tránh: “Đấy là việc của anh Đạt. Chị chỉ cần biết nguyên nhân do mâu thuẫn cá nhân, còn cụ thể thế nào đã có trong lời khai của tôi”.

Và Hoàn chỉ thực sự mềm lòng khi chúng tôi nhắc đến gia đình anh ta, về những đứa con. Hoàn cảm thấy có lỗi với gia đình, anh ta tự nhận là một người đàn ông vô trách nhiệm vì suốt ngày lêu lổng. Hoàn nói rằng anh ta có hai đứa con, đủ cả nếp tẻ nhưng bao năm qua, kinh tế đều do người vợ lo toan...

Hoàn đã từng theo học tại Trường Trung cấp Y tế Cầu Bươu (Thanh Trì, Hà Nội). Sau khi ra trường, Hoàn làm quản lý tại một số khách sạn và nhà nghỉ trên địa bàn nhưng lối sống buông thả đã khiến anh ta dần sa ngã. Hoàn chia sẻ rằng, sau khi gây án, anh ta thường xuyên theo dõi trên các báo Công an và Truyền hình ANTV và mơ hồ nghĩ sẽ “nổi tiếng” một cách bất đắc dĩ và đầy đau xót.

Vào thời điểm bị bắt giữ, Lê Thái Duy vẫn đang làm nhân viên tại một quán cà phê  ở Phủ Lý. Khi nhận lời của Hoàn, Duy biết rõ sự việc và hậu quả sẽ xảy ra. Duy khai rằng, anh ta được Hoàn cho biết sẽ “xử lý” Lê Hữu Trí, theo ý hiểu của Duy, có nghĩalà giết Trí. Duy vẫn nhận lời là vì anh ta với Hoàn là anh em, chứ không phải vì số tiền 500 triệu đồng. Duy cho biết anh ta là con thứ 3 trong gia đình, mẹ Duy buôn bán tại chợ Cốc Lếu (Lào Cai), còn bố cũng là người lao động tự do. Duy học hết lớp 6 thì bỏ học, sau đó lang bạt vào Tây Nguyên và các tỉnh miền Nam làm phụ hồ.

Khoảng năm 2011, Duy trở lại Lào Cai làm ăn, sau đó có quan hệ với đối tượng Hoàn... Duy nói, biết rằng sẽ có một ngày tra tay vào chiếc còng số 8 nhưng anh ta vẫn làm điều này vì nghe theo lời của Hoàn. Trên thực tế, vụ án sau khi được khám phá, Duy vẫn chưa nhận được “tiền công” theo “hợp đồng giết người”.

Khi chúng tôi tiếp xúc với đối tượng cuối cùng của vụ án, đồng thời là kẻ chủ mưu Nguyễn Sĩ Đạt thì đồng hồ đã chỉ 20h. Trên bàn làm việc những hộp cơm đã bắt đầu nguội ngắt nhưng cán bộ đơn vị vẫn chưa nghỉ tay. Thấy chúng tôi vào, anh em chỉ tạm dừng công việc để trao đổi. Sự gần gũi, gắn bó của những người lính hình sự vào thời điểm đó giúp chúng tôi xua đi cảm giác mệt mỏi.

Với sự giúp đỡ của các trinh sát dày dạn kinh nghiệm, chúng tôi bắt đầu tiếp cận với Đạt. Đúng như những lời đã cảnh báo của trinh sát, Đạt vô cùng lỳ lợm. Đạt chỉ trả lời ngắn gọn những câu hỏi của chúng tôi về gia đình, về công việc. Nhưng khi chạm đến nội dung vụ án thì anh ta thể hiện sự lọc lõi của một kẻ từng ra tù vào tội. Đạt nói rằng giữa anh ta và giám đốc Trí là chỗ họ hàng, chẳng có một mâu thuẫn gì với nhau.

“Tôi còn là anh họ của Trí, ở cùng làng, đám ma nó tôi còn phải đến lo. Làm sao tôi có thể là người giết nó?” – Đạt cứ một mực khai như vậy và phủ nhận hoàn toàn những lời khai của Hoàn và Duy.

Chả thế, các trinh sát kể chuyện, khi đến nhà thực hiện lệnh bắt Đạt, anh ta còn bình tĩnh pha trà, rót nước mời các trinh sát, điều tra viên vì “Chắc có sự nhầm lẫn nào đó thôi”.

Đại úy Nguyễn Thành Hưng, Phó Phòng 5, nháy chúng tôi ra ngoài để trực tiếp Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến vào quy phục đối tượng. Chất giọng xứ Nghệ sang sảng của người chỉ huy mà có lẽ dân giang hồ, tội phạm như Đạt đều biết tiếng, đã khiến Đạt chột dạ.

Biết Đạt rất quý và thương Hoàn, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến quyết định cho thực hiện “bài tâm lý”, cho Đạt gặp Hoàn để đối chất. Khi gặp Đạt, Hoàn đã khóc ngay và nói: “Anh à, những gì anh làm cho em em nhận hết. Nhưng em đã khai hết rồi, kể cả chỗ vứt súng. Em xin lỗi anh!”.

Đạt ngồi im, hắn đang bị đòn cân não khi thấy Hoàn xuất hiện. Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến tiếp tục khuyên hắn khai báo thành khẩn, thể hiện bản lĩnh “dám làm dám chịu”. Đạt im lặng một lúc rồi ngẩng lên nhìn mọi người, đôi mắt anh ta hơi hoe đỏ.

Lúc đó, các cán bộ Công an và chúng tôi hiểu rằng, anh ta đã bị quy phục. Đạt chỉ xin các cán bộ Công an ít phút nói với Hoàn: “Hoàn à, anh không trách gì em. Anh làm anh đã xác định có ngày hôm nay, anh làm thì anh chịu…”.  Sau đó, Đạt xin khai nhận và khai rất tường tận các chi tiết trong vụ án. Chúng tôi nhìn đồng hồ, thời gian đã cận kề lúc nửa đêm nhưng ai nấy đều thở phào vì trút được gánh nặng và áp lực dồn nén trong một tháng trời.

Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát: Báo CAND góp phần xây dựng hình ảnh người chiến sỹ Cảnh sát vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Tất cả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Bộ Công an đều được thông tin rất đầy đủ trên Báo CAND... Các bạn thực sự là những người đồng hành với lực lượng Cảnh sát, đặc biệt là các đơn vị chiến đấu mũi nhọn trong từng chiến công. 

Việc đưa tin kịp thời, trung thực của các bạn về việc khám phá các vụ án, đặc biệt là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đã khiến người dân hiểu thêm về công việc vất vả, gian khổ của lực lượng Cảnh sát.

Đồng thời, cũng khiến ổn định dư luận xã hội, giúp người dân có cái nhìn đúng nhất về nguyên nhân các vụ án, cũng như cách phòng ngừa các vụ việc tương tự xảy ra. 

Thông qua các bài báo, các bạn còn giúp các cơ quan có trách nhiệm xem xét lại các “lỗ hổng” trong công tác quản lý trật tự xã hội, kinh tế, văn hóa…, góp phần tích cực vào việc ổn định an ninh trật tự và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Với cách thông tin chân thực, khách quan, kịp thời, có tính định hướng, chính các bạn đã góp phần khắc họa hình ảnh người chiến sỹ Công an nói chung, người chiến sỹ Cảnh sát nói riêng mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng vì nước quên thân, vì dân phục vụ; kịp thời biểu dương, nhân rộng những nhân tố mới, điển hình tiên tiến  trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Nhật Quang (thực hiện)

Xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân của Nguyễn Sĩ Đạt với anh Lê Hữu Trí, Đạt đã lên kế hoạch và thuê Lê Việt Hoàn giết anh Trí với giá 500 triệu đồng. Đạt trực tiếp mua súng, đưa Hoàn vào khu vực Ba Sao để tập bắn và theo dõi Trí vào các ngày nạn nhân thường đi lễ để Hoàn và Duy thực hiện “Hợp đồng giết người”.

Khoảng 15h ngày 4-7-2016 (tức ngày mùng 1 âm lịch), Đạt nhắn tin cho Hoàn báo tin anh Trí đã vào miếu Thổ Thần... Theo kế hoạch đã chuẩn bị, Hoàn và Trí phục sẵn tại khu vực miếu chờ khi anh Trí lễ xong thì ra tay. Hoàn đã trực tiếp dùng súng K54 bắn liên tiếp vào người anh Trí cho đến khi hết đạn rồi bỏ chạy đến chỗ Duy đã đi xe máy chờ sẵn, nhanh chóng tẩu thoát khỏi hiện trường.

Thu Hòa - Xuân Mai
.
.