Hoàn thiện pháp luật, tăng nặng hình phạt để phòng ngừa, đẩy lùi tội phạm

Thứ Ba, 20/08/2019, 08:19
Thời gian qua, khi tiếp xúc, giải quyết công việc với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ CAND luôn thể hiện rõ thái độ ứng xử có văn hóa, tôn trọng, khiêm tốn, bình tĩnh, tận tình, chu đáo; thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, của ngành CAND; nêu cao tinh thần trách nhiệm, không sách nhiễu, gây phiền hà.



Kỳ 2: Thi hành công vụ chuẩn mực để người vi phạm “tâm phục, khẩu phục”

Với các đối tượng vi phạm pháp luật, cán bộ, chiến sĩ CAND luôn giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; có thái độ ứng xử đúng mực; không có lời nói, hành vi xúc phạm, phân biệt đối xử. Riêng với CSGT, do đặc thù công việc, bên cạnh chuẩn mực cơ bản vừa kể, để đảm bảo ATGT, an toàn cho mình và đồng đội, các anh còn thực hiện nghiêm túc nhiều quy trình, quy định khi tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, không ngừng trau dồi kỹ năng ứng xử trước nhiều tình huống, trong đó có thái độ hung hăng, xem thường pháp luật của đối tượng vi phạm pháp luật...

Nhắc tới thái độ hung hăng chống đối, cù nhây của người điều khiển phương tiện khi bị dừng xe kiểm tra, một cán bộ Đội CSGT Cát Lái – Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh kể: Chiều 23-7, tổ CSGT Cát Lái làm nhiệm vụ trên xa lộ Hà Nội (đoạn gần cầu Sài Gòn, quận 2) thì phát hiện 2 xe ôtô dừng đỗ trên đường nên yêu cầu kiểm tra giấy tờ. Hai tài xế trên 2 xe cố thủ bên trong không chịu hợp tác.

Trên xe Mercedes, người đàn ông trên 40 tuổi nói mình là chủ xe, còn nguyên nhân anh ta không thể rời xe là do trên xe đang chở nhiều tỷ đồng (?). Sự cù nhây của người này kéo dài đến 18h cùng ngày, buộc tổ tuần tra phối hợp mới có thể niêm phong phương tiện đưa về trụ sở.

Một trường hợp người vi phạm “cù nhây” khiến tổ CSGT thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh phải mất nhiều giờ mới có thể xử lý.

Trung tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, người có thái độ cù nhây là người ngồi trên xe, không phải là người tham gia giao thông vi phạm - đối tượng xử lý của CSGT. “Bởi vậy, việc cù nhây của người đàn ông này đã gây cản trở công tác của tổ CSGT đang làm nhiệm vụ. Đối với trường hợp này, CSGT chỉ có thể dùng biện pháp vận động để người này chấp hành theo yêu cầu của mình thôi”, Trung tá Bình nói.

Theo chân các tổ CSGT thuộc các trạm, đội thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ, PV Báo CAND ghi nhận có nhiều trường hợp chống đối, manh động, không chấp hành hiệu lệnh thường là những người đã sử dụng bia rượu, chất kích thích khi điều khiển phương tiện trên đường. Khi gặp tổ CSGT kiểm tra, những người vi phạm thường xin xỏ, nếu không được chấp thuận sẽ “giở luật”, viện các lý do hết sức… “trời ơi” hoặc bỏ luôn phương tiện.

Trung tá Trương Tiến Sĩ, Đội phó Đội CSGT tuần tra dẫn đoàn kể, trong đợt kiểm tra nồng độ cồn trên Đại lộ Phạm Văn Đồng, đoạn qua phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, tổ công tác dừng phương tiện xe gắn máy do người đàn ông tên T. (quê Nam Định) điều khiển khi T. lưu thông vào làn ôtô. Thấy T. có dấu hiệu say xỉn, tổ công tác yêu cầu T. thổi vào máy đo nồng độ cồn nhưng T. không tuân thủ. T. lý giải: “Tôi biết tôi sai nhưng nhiều người cũng chạy xe máy vào làn ôtô giống tôi sao không xử lý. Xử là phải xử hết!”.

Một trường hợp khác, khi bị máy đo báo nồng độ cồn là 0,614 mg/lít khí thở, ông N.V.H., (56 tuổi, ngụ Tân Bình) không chịu ký vào biên bản chỉ vì lý do chẳng có liên quan gì, đó là “sao CSGT không đeo camera khi làm nhiệm vụ”. Theo Trung tá Trương Tiến Sĩ, không phải chỉ không chấp hành theo yêu cầu của người thi hành công vụ, nhiều người còn dùng lời lẽ lăng mạ, hăm dọa và liên tục gọi điện thoại kêu gọi người đến dằn mặt, đòi “xử” CSGT.

“Với những trường hợp này, cán bộ, chiến sĩ CSGT phải biết kiềm chế, nhã nhặn, giải thích, hướng dẫn cho người vi phạm hiểu. Đề phòng tình huống xấu hơn có thể xảy ra, chúng tôi thường phải nhờ đến sự trợ giúp của các lực lượng khác. Nhiều người vi phạm giao thông sau khi được đưa về trụ sở Công an phường, tới khi qua cơn say mới nhận thấy việc làm trước đó của mình là thiếu đúng đắn, thiếu kiềm chế vì quá say”, một cán bộ Đội CSGT Bến Thành kể.

Có một thực tế, vào giờ cao điểm, tại những nơi dễ xảy ra ùn tắc, khi bị CSGT tuýt còi, không ít người vi phạm giao thông thường tìm cách thoát thân hoặc có hành động bất chấp, thậm chí khiêu khích, thách thức lại người thi hành công vụ. “Để thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả, khi gặp các trường hợp có biểu hiện cù nhây, chống đối, cần có sự phối hợp hiệu quả với nhiều lực lượng khác. CSGT cần được trang bị công cụ hỗ trợ để trấn áp khi bị người vi phạm tấn công”, một CSGT chia sẻ và đề nghị.

Từng đi cùng các tổ CSGT làm nhiệm vụ trên mặt đường, PV Báo CAND nhiều lần ghi nhận được sự cố gắng và nguy hiểm mà các anh phải đối mặt. Ngoài việc phải đứng trong cái nắng cháy da hoặc dưới những cơn mưa rát mặt, kéo dài nhiều giờ đồng hồ để điều hòa giao thông, các anh còn phải đối mặt với những người vi phạm manh động, sẵn sàng phản ứng một cách tiêu cực.

“Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, trước tiên CSGT phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Để làm được điều đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ CSGT phải không ngừng học tập, nâng cao hiểu biết, nhận thức đầy đủ quy định pháp luật, đồng thời không ngừng trau dồi, nâng cao bản lĩnh, kỹ năng xử lý tình huống gặp phải trên đường. Lưu ý thực hiện các quy tắc, chuẩn mực ứng xử, tuyệt đối không để bị cuốn vào sự kích động từ phía người vi phạm”, một cán bộ thuộc Đội CSGT An Sương chia sẻ.

Khi thực hiện nhiệm vụ trên đường phố, CSGT rất thường xuyên nhắc nhỡ, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho người vi phạm. Tuy nhiên, không phải người vi phạm nào cũng chịu nghe hoặc tự nhận thức ngay hành vi của mình vừa bị CSGT phát hiện, chấn chỉnh, xử lý.

“Để tránh lời qua tiếng lại dông dài, gây hình ảnh không đẹp mắt trước đám đông, với những trường hợp như thế, chúng tôi thường phân công cán bộ có kinh nghiệm giải thích, phân tích cặn kẽ, đầy đủ quy định pháp luật về lỗi vi phạm của cá nhân đó. Nếu người vi phạm vẫn tỏ thái độ chống người thi thi hành công vụ, chúng tôi kết hợp với Công an phường mời đối tượng về trụ sở để giáo dục thêm. Với những thắc mắc, khiếu nại sau đó của chính bản thân hoặc thân nhân người vi phạm, chúng tôi sẵn sàng cho xem lại tư liệu video được chúng tôi ghi lại toàn bộ sự việc xảy ra trước đó”, Trung tá Hồ Văn Hồng, Đội trưởng CSGT An Sương chia sẻ thêm.

Thời gian qua, tuy không gặp những đối tượng chống đối manh động như các địa phương khác nhưng CSGT làm nhiệm vụ trên mặt đường tại địa bàn thành phố có hơn chục triệu dân như TP Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên gặp những trường hợp cù nhây, chống đối...

“Thời gian qua, đơn vị thường xuyên quán triệt các thông tư, qui định, qui trình tuần tra kiểm soát, qui trình xử lý vi phạm giao thông đến cán bộ, chiến sĩ các đội, trạm trực thuộc. Đơn vị còn liên tục tập huấn các lớp văn hóa ứng xử, các lớp nghiệp vụ võ thuật để cán bộ, chiến sĩ có đủ kỹ năng xử lý tình huống khi làm nhiệm vụ”, Thượng tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết thêm.

Th.Bình – M.Đức
.
.