Tham mưu xây dựng, phổ biến và thi hành pháp luật là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của lực lượng CAND thời kỳ chủ động hội nhập quốc tế

Thứ Sáu, 04/11/2016, 07:59
Với chức năng là lực lượng vũ trang nhân dân nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ ANTT, trong thời gian qua, lực lượng Công an nhân dân (CAND) đã thực hiện tốt công tác tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước trong việc ban hành, chỉ đạo thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật, chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm...

1. Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của pháp luật đối với quản lý nhà nước và xã hội nói chung, sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT), đấu tranh phòng, chống tội phạm nói riêng, trong các giai đoạn cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết định hướng cho công tác này, làm cơ sở chính trị cho việc thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tăng cường pháp chế trong lĩnh vực ANTT.

Với chức năng là lực lượng vũ trang nhân dân nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ ANTT, trong thời gian qua, lực lượng Công an nhân dân (CAND) đã thực hiện tốt công tác tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước trong việc ban hành, chỉ đạo thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật, chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đó là Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25-10-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 18-8-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay, Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22-6-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm ANTT; Luật Phòng, chống ma túy, Luật An ninh quốc gia, Luật Cư trú, Luật Đặc xá, Luật Thi hành án hình sự, Luật Phòng, chống khủng bố, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật CAND, Luật Căn cước công dân; Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, Pháp lệnh Cảnh vệ, Pháp lệnh Công an xã, Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, Pháp lệnh Cảnh sát môi trường... Đồng thời, tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ và thi hành Hiến pháp năm 2013, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Có thể khẳng định, cùng với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, quan điểm, thể chế về Nhà nước pháp quyền XHCN có bước tiến quan trọng, pháp luật về bảo đảm ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm ngày càng hoàn thiện, là biểu hiện sinh động, đáng ghi nhận trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Quán triệt quan điểm, chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước, với vai trò “đi trước, mở đường”, lực lượng CAND đã tăng cường hoạt động thiết lập, nâng tầm quan hệ với các nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chủ động tham gia các cơ chế hợp tác an ninh khu vực và toàn cầu, hạn chế những tác động tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế; thực hiện tốt công tác đàm phán, ký kết, gia nhập nhiều điều ước quốc tế đa phương, song phương trong hợp tác quốc tế đấu tranh phòng, chống tội phạm, khủng bố, bảo đảm ANTT…

Công tác phổ biến, giáo dục và thi hành pháp luật có bước chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, nề nếp với nhiều nội dung, hình thức sáng tạo, thiết thực, có sức lan tỏa rộng lớn và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

2. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục và thi hành pháp luật về bảo vệ ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm vẫn còn có những hạn chế, thiếu sót, bất cập, cụ thể là:

(1). Ở phương diện nhận thức lý luận, công tác này chưa dựa trên nền tảng lý luận thực sự vững chắc; chưa làm rõ những đặc điểm đặc trưng của công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục và thi hành pháp luật về bảo vệ ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm so với các lĩnh vực pháp luật khác trong hệ thống pháp luật cũng như các quá trình kinh tế, xã hội trong đổi mới.

(2). Một số quy định “đi trước” nhưng chưa dựa trên cơ sở dự báo có tính vĩ mô, chiến lược; nhiều quy định không còn phù hợp với cuộc sống và thực tiễn công tác, chiến đấu nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; còn có những “khoảng trống” về pháp luật.

(3). Một số văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật chưa rõ ràng, cụ thể, dẫn đến việc áp dụng thiếu thống nhất, tác động tiêu cực đến công tác bảo vệ ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm, là kẽ hở để tội phạm có thể lợi dụng hoạt động phạm tội.

(4). Hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, nội luật hóa các quy định của điều ước quốc tế còn có những vấn đề đáng băn khoăn, suy nghĩ, chưa phúc đáp đầy đủ yêu cầu bảo đảm ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

(5). Việc chấp hành pháp luật về ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có một bộ phận cán bộ, chiến sĩ CAND chưa nghiêm, một số vụ việc vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội và quần chúng nhân dân.

Thực trạng nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do: (1). Công tác nghiên cứu, hoàn thiện lý luận chưa đặt trong bối cảnh đổi mới toàn diện đất nước, chủ động hội nhập quốc tế và sự vận động nhanh chóng, phức tạp, khó lường của xu hướng thời đại, trong khu vực, trên thế giới và tình hình trong nước. (2).

Hoạt động tổng kết thực tiễn chưa thật sự sâu sắc, toàn diện và đầy đủ, còn có biểu hiện hình thức, chưa bám sát mục đích, yêu cầu đặt ra. (3).

Công tác tổ chức xây dựng và thi hành pháp luật về bảo vệ ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm chưa được làm tốt, có biểu hiện nóng vội, chủ quan, một số quy định tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp… chưa được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng, có tính thuyết phục.

3. Thời gian tới, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi khi Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực với việc tham gia hình thành Cộng đồng ASEAN, triển khai Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, chúng ta đang phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức đan xen, tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Trước bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước ta đã tiếp tục xác định việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN là nhiệm vụ chính trị trọng yếu, phải tiến hành đồng bộ cả trong công tác lập pháp, hành pháp và tư pháp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội.

Để góp phần thực hiện thắng lợi Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, thể chế hóa các quy định của Hiến pháp đòi hỏi lực lượng CAND cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt trong việc tham mưu thực hiện tốt một số công tác sau đây:

Một là, cần thống nhất nhận thức, pháp luật về bảo vệ ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong thời kỳ chủ động hội nhập quốc tế vừa là công cụ quản lý nhà nước, vừa là công cụ để nhân dân kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CAND.

Theo đó, mọi hoạt động của lực lượng CAND phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, có cơ sở pháp luật và không được đứng ngoài pháp luật, đứng cao hơn pháp luật.

Hai là, bám sát hơn nữa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.

Trước mắt, tập trung tham mưu thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm; tham gia nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ bản, toàn diện Bộ luật Hình sự năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan…

Chủ động nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài, tránh rập khuôn, máy móc; tiếp tục đàm phán, ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế đa phương, song phương, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc và đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Trong xây dựng và hợp tác quốc tế về pháp luật cần “tuyệt đối không mơ hồ, mất cảnh giác để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá chúng ta bằng cách hướng lái hệ thống luật pháp của chúng ta đi con đường khác, nhất là trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay”(1)

Về lâu dài, để đưa công tác pháp luật về bảo vệ ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, các cơ quan có trách nhiệm trong CAND cần nghiên cứu, báo cáo Đảng ủy Công an Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ, Quân ủy Trung ương, các Ban cán sự đảng: Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao xây dựng, hoàn thiện, trình Bộ Chính trị ban hành Chiến lược về xây dựng, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Ba là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kết luận số 04-KL/TW ngày 19-4-2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

 Yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân, hướng tới mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND phải là tấm gương trong xây dựng, bảo vệ và chấp hành Hiến pháp, pháp luật.

Bốn là, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn; việc tổ chức hoạt động nghiên cứu lý luận cần bảo đảm tính khoa học, quy mô, khách quan, trí tuệ trên cơ sở lý luận, thực tiễn phù hợp.

Chú trọng công tác tổng kết ở các cấp độ (cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở) gắn với từng loại quy phạm trong các lĩnh vực cụ thể, coi đây là thước đo kiểm nghiệm tính đúng đắn, sát hợp, hiệu quả, khả thi, phát hiện những hạn chế, thiếu sót cũng như những vấn đề mới về pháp luật do thực tiễn đặt ra để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Theo đó, việc tổ chức nghiên cứu các chuyên đề cơ bản về pháp luật theo Kế hoạch số 238 ngày 22-8-2016 đã thể hiện tính chủ động, sáng tạo trong tham mưu chiến lược, góp phần cung cấp những luận cứ khoa học, thực tiễn phục vụ công tác lãnh đạo xây dựng, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm, là hoạt động cần khuyến khích.

Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức xây dựng, phổ biến, giáo dục và thi hành pháp luật của công an các đơn vị, địa phương.

Cốt lõi là phải có sự gắn bó thực chất, hiệu quả giữa cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp, giữa hoạt động xây dựng pháp luật với phổ biến, giáo dục, thi hành pháp luật và thực hiện quy chế dân chủ trong CAND.

Tăng cường quan hệ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong công tác xây dựng, thẩm định, thẩm tra, đánh giá tác động về chính trị, xã hội, pháp luật, đối ngoại đối với các dự án luật có liên quan đến ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Sáu là, quan tâm kiện toàn tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật về bảo vệ ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm Công an các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế, cải cách hành chính, tư pháp trong CAND, coi đây là hướng ưu tiên trong công tác tổ chức cán bộ của Công an các đơn vị, địa phương; có chính sách bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cho công tác này.

(1) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.

Thượng tướng, GS, TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.
.
.