Báo CAND 70 năm xây dựng và trưởng thành (1-11-1946 - 1-11-2016)

Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an và Báo An ninh Thế giới

Thứ Tư, 19/10/2016, 08:06
Vào giữa những năm chín mươi của thế kỷ trước, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đang phát triển mạnh, nhiều cơ quan báo chí đã liên tiếp xin ấn hành thêm kỳ, như ra thêm những số Cuối tuần, số Chủ nhật… nhằm đáp ứng nhu cầu nắm bắt thông tin cũng như nhu cầu giải trí, thư giãn của người đọc trong những ngày nghỉ.


Điểm lại, ở thể loại báo in, đến thời điểm tháng 1-1995, trong lực lượng Công an chỉ có 6 đơn vị báo chí, kể cả ở Trung ương và địa phương. Đó là các báo: CAND, Công an TP Hồ Chí Minh, An ninh Thủ đô, An ninh Hải Phòng, Công an Nghệ An và Công an TP Đà Nẵng.

Nhìn sang phía Quân đội, ngoài lực lượng hùng hậu các ấn phẩm ở Trung ương và các quân khu, còn có tờ báo chuyên trách về mảng văn học nghệ thuật với một bề dày gần bốn mươi năm tồn tại và phát triển là tờ Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Việc Lực lượng Công an cần có một tờ báo chuyên sâu về lĩnh vực này là một đòi hỏi chính đáng và bức thiết.

Khi đề xuất ra tờ tạp chí, nhà văn Hữu Ước - là cán bộ thuộc biên chế Văn phòng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND (nay là Cục Tham mưu chính trị - Tổng cục Chính trị CAND).

Mặc dù trong các cấp lãnh đạo, không phải không có ý kiến băn khoăn về việc Lực lượng Công an sao lại có tờ báo về văn hóa - văn nghệ, nhưng với sự tự tin và quyết tâm cao độ, nhà văn Hữu Ước đã thuyết phục được lãnh đạo Bộ rằng anh sẽ gây dựng tờ báo tới nơi tới chốn, dù phải "độc lập tác chiến".

Thiếu tướng Phạm Văn Dần, Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi Giải Cây bút vàng lần thứ nhất tại cuộc họp báo công bố kết quả cuộc thi (tháng 8-1998).

Số 1 của Văn hóa - Văn nghệ Công an đã ra mắt bạn đọc vào tháng 2-1995. Đây là số báo mang tính thể nghiệm, với chủ biên Hữu Ước và một hội đồng biên tập do anh "mượn tạm" ở bên ngoài, trong đó các nhà văn, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phan Tường Niệm được giao phụ trách trang thơ, chuyện làng văn; Nguyễn Thị Thu Huệ phụ trách trang truyện ngắn; Nguyễn Quang Thiều phụ trách trang văn học dịch; Nguyễn Như Phong, Xuân Ba, Huy Bảo phụ trách trang phóng sự, ghi chép; Hoàng Nhuận Cầm phụ trách trang điện ảnh, sân khấu. Họa sĩ trình bày báo cũng là người được "mượn tạm" từ  báo Công an TP Hồ Chí Minh. Tên của tất cả những người này được đề ở góc phải trang đầu tiên của tờ tạp chí.

Ở vị trí trước đó, thay vì ghi tên của Tổng Biên tập như ta thường thấy, tạp chí cho in dòng chữ "Chịu trách nhiệm xuất bản: Tổng cục Xây dựng lực lượng - CAND". Điều này cho thấy, mặc dù chưa kiện toàn bộ máy, tờ tạp chí vẫn quyết tâm ra mắt bạn đọc.

Với khuôn khổ 20cm x 28cm, dày 60 trang, giá bán 4.000 đồng/cuốn và số lượng in 5.000 bản, Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an số "trình làng" đã hội tụ được một đội ngũ đông đảo các cộng tác viên là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong cả nước. Các tác giả đang công tác tại một số đơn vị báo chí, xuất bản của Lực lượng Công an đều có bài tham gia.

Bám sát đời sống văn hóa văn nghệ trong nước và quốc tế, các sự kiện đáng chú ý liên quan đến vấn đề an ninh trật tự, đồng thời triệt để khai thác mảng "Văn nghệ sĩ với Lực lượng Công an" - đó là hướng đi được vạch ra ngay từ số tạp chí đầu tiên.

Bên cạnh những sáng tác mới của các nhà văn, nhà thơ, bạn đọc còn được tiếp xúc với các phóng sự xã hội nóng hổi hơi thở đời sống, các chuyện ly kỳ, thuộc loại "thâm cung bí sử" trong "hậu trường chính trị" thế giới… Tất cả những điều ấy được thể hiện qua cách hành văn mạch lạc, qua cách trình bày trang nhã, dễ đọc đã khiến tờ tạp chí ngày càng thu hút sự chú ý của độc giả.

Hướng đi ban đầu của tờ tạp chí cũng chính là hướng đi chủ đạo của Chuyên đề ANTG sau này. Nó tạo cho tờ tạp chí một dung mạo độc đáo so với các ấn phẩm văn nghệ khác, và phần nào thể hiện được dấu ấn "văn Bắc, báo Nam".

Trong những ngày đầu, bên cạnh những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất (trụ sở chỉ là căn phòng vẻn vẹn chưa đầy 8m2 "mượn tạm" của Văn phòng đại diện Báo Công an TP Hồ Chí Minh ở số nhà 70 Trần Quốc Toản, Hà Nội), Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an còn gặp những khó khăn về mặt nhân lực.

Tiếng là có cả một hội đồng biên tập gồm toàn những cây bút tên tuổi, song thực tế như nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nhận định, vai trò của họ đa phần chỉ là "đánh trống ghi tên". Một mình chủ biên kiêm biên tập viên Hữu Ước phải lo chạy bài, biên tập bài, lo in ấn lẫn phát hành.

Tiếp theo đồng chí Doãn Quang Thảo, đến số thử nghiệm thứ tư, nhà văn Nguyễn Như Phong, phóng viên Báo CAND đã chính thức được lãnh đạo Tổng cục giao về phụ giúp chủ biên Hữu Ước tổ chức bài vở và làm công tác Thư ký tòa soạn.

Ngay từ số đầu tiên, Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ hết sức nhiệt tình và hiệu quả của đồng chí Hà Phi Long, Tổng Biên tập Báo Công an TP Hồ Chí Minh - một tờ báo có lượng phát hành lớn trên thị trường lúc bấy giờ.

Báo Công an TP Hồ Chí Minh đã giúp Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an toàn bộ khâu kỹ thuật, từ trình bày, dàn trang, sửa lỗi đến in ấn. Thậm chí, thời gian đầu, Báo Công an TP Hồ Chí Minh còn bỏ tiền ra mua hầu hết các số tạp chí để phát cho Công an các đơn vị.

Đến hết năm 1995, Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an đã ra được 6 số thể nghiệm. Uy tín của tờ tạp chí ngày càng được nâng cao trong văn giới. Những nỗ lực của những người thực hiện đã được lãnh đạo cơ quan chủ quản ghi nhận.

Đó là lý do để ngày 23-12-1995, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ra Quyết định số 1017, sau đó là Quyết định số 258, qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an "là diễn đàn văn hóa - văn nghệ của Lực lượng Công an nhân dân". Bắt đầu từ tháng 1-1996, tạp chí được phép phát hành chính thức.

Bộ máy được hoàn thiện, với việc đồng chí Phạm Văn Dần, bấy giờ là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng Lực lượng CAND kiêm Tổng Biên tập, nhà văn Hữu Ước được bổ nhiệm Phó Tổng Biên tập (một năm sau, nhà văn Hữu Ước giữ cương vị Tổng Biên tập), nhà văn Nguyễn Như Phong là Thư ký tòa soạn. Lực lượng phóng viên, biên tập viên được tăng cường, lần lượt là các nhà thơ Phan Quế, Trương Nam Hương, Đặng Vương Hưng…

Sau này, khi tạp chí ra thêm các chuyên đề: ANTG (tuần), ANTG cuối tháng thì lực lượng phóng viên, biên tập viên đã được bổ sung các nhà báo, nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Hồng Lam, Vũ Cao, Sỹ Tuấn, Đặng Vương Hạnh, Đặng Huyền, Đỗ Hoàng Anh, Phạm Khải, Hồng Thanh Quang, Như Bình, Đỗ Doãn Hoàng, Nguyễn Quyến… 

Xác định truyện ngắn, bút ký văn học là một thể tài "chủ công" của tờ tạp chí, với mục đích thu hút bạn đọc, bạn viết cả nước đến với Tạp chí, ngay sau khi ổn định bộ máy, lãnh đạo Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an đã tư vấn cho lãnh đạo Bộ quyết định phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc thi truyện ngắn và ký mang tên Giải Cây bút vàng.

Trại viết Giải Cây bút vàng đã nhận được sự quan tâm chặt chẽ của các đồng chí lãnh đạo Bộ. Đích thân Bộ trưởng Lê Minh Hương đã đến dự và phát biểu với các nhà văn tham gia trại viết ở khu vực phía Bắc và nguyên Bộ Trưởng  Mai Chí Thọ đã đến phát biểu và tâm sự với các nhà văn tham gia trại viết ở khu vực phía Nam. Đây là một sự động viên lớn đối với Ban Tổ chức cũng như toàn thể anh chị em nhà văn tham gia cuộc thi.

Kể từ khi thông báo mở cuộc thi cho đến khi kết thúc hạn nhận bài, Ban tổ chức cuộc thi Giải Cây bút vàng đã nhận được gần 1.000 tác phẩm tham gia của hơn 400 tác giả ở khắp mọi miền Tổ quốc gửi về hưởng ứng.

285 bài đã được giới thiệu trên Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an trong suốt 3 năm 1996 - 1998. Cao điểm, có số tạp chí đã tuyển in tới chục truyện ngắn và bút ký dự thi.

Kết quả: Giải đặc biệt Giải Cây bút vàng thuộc về nhà văn Ma Văn Kháng với truyện ngắn "San Cha Chải". Ba giải nhất của cuộc thi thuộc về các nhà văn: Nguyễn Khải (truyện ngắn "Đàn bà"); Nguyễn Quang Sáng (truyện ngắn "Về lại bức tranh xưa"); Nguyễn Hồng Thái (truyện ngắn "Đối mặt").

Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 3 giải nhì, 4 giải ba và 8 giải khuyến khích cho các tác giả có tác phẩm tham gia cuộc thi, trong đó có một số tác giả đang công tác trong Lực lượng Công an như nhà văn Văn Phan, các cây bút trẻ: Nguyễn Tuấn, Trần Hồng Long…

Phát biểu tại Lễ tổng kết và trao giải Giải Cây bút vàng được tổ chức long trọng vào ngày 15-8-1998 tại Trung tâm Báo chí Quốc tế 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Minh Hương khẳng định: "Sự có mặt của đông đảo các nhà văn tên tuổi tham gia cuộc thi, thể hiện sự quan tâm của giới văn học nghệ thuật đối với đề tài Vì an ninh Tổ quốc và ngược lại, đề tài Vì an ninh Tổ quốc đã thực sự trở thành lực hấp dẫn đối với cảm xúc của những người làm văn học nghệ thuật". 

Chưa đầy một năm sau khi được ấn hành chính thức, vào đúng dịp kỷ niệm 51 năm Ngày Truyền thống của Lực lượng CAND (19-8-1996), Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an đã trở thành "bà đỡ" cho Chuyên đề ANTG, để rồi, Chính chuyên đề ANTG lại góp phần quan trọng cho Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an tồn tại và phát triển.

Với số lượng in 10.000 bản/kỳ ở những số đầu tiên, chỉ trong một thời gian ngắn, Chuyên đề ANTG đã có những bước tiến nhảy vọt, trở thành một trong những tờ báo có số lượng phát hành lớn trên cả nước, với hơn nửa triệu bản/kỳ.

Ấn phẩm cũng nhanh chóng được bà con Việt kiều đón nhận và trở thành cầu nối văn hóa quan trọng giữa những người xa xứ với quê hương đất nước.

Sau 5 năm kể từ ngày Chuyên đề ANTG ra số đầu tiên, trên đà không ngừng củng cố và phát triển, lãnh đạo Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an tiếp tục đề xuất với cơ quan chủ quản cho ra đời Chuyên đề ANTG cuối tháng.

Số đầu tiên của ANTG cuối tháng đã ra mắt bạn đọc vào cuối tháng 9-2001, với dung lượng 32 trang, khổ lớn (29 x 42 cm). Ngay từ số báo đầu tiên, ANTG cuối tháng đã gây ấn tượng mạnh bởi cách trình bày hiện đại và cách khai thác đề tài độc đáo, hấp dẫn.

ANTG cuối tháng là một sự bổ sung hợp lý giữa ANTG (tuần) và Văn hóa - Văn nghệ Công an, trong đó, báo thiên về mảng văn hóa, chính trị với những phân tích, bình luận sắc sảo.

Ngay sau khi Chuyên đề ANTG cuối tháng được ấn hành, kể từ ngày 12-10-2001, Chuyên đề ANTG (tuần) cũng được tăng lên mỗi tuần hai kỳ, phát hành vào ngày thứ tư và thứ bảy hằng tuần.

Thoạt đầu, số báo ra ngày thứ bảy có khuôn khổ 28x40cm, dung lượng 8 trang. Sau một đôi lần tăng trang, thay đổi khuôn khổ, cuối cùng ấn phẩm này trở lại khổ nhỏ truyền thống như hiện nay.

Do ảnh hưởng to lớn của Chuyên đề ANTG đối với xã hội, lãnh đạo Bộ Công an và các cơ quan quản lý báo chí đã quyết định: Nâng Chuyên đề ANTG thành Tuần báo; chuyển Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an thành “phụ trương của Báo ANTG”.

Trong thực tế, từ khi Chuyên đề ANTG được nâng cấp lên thành tuần báo cho đến trước thời điểm sáp nhập với Báo CAND, đã có hai ấn phẩm của một cơ quan báo chí có tên gọi được duy trì song song: Đó là Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an và Báo ANTG.

Tính từ khi ra số thử nghiệm đầu tiên vào tháng 2-1995 cho đến khi sáp nhập, trở thành chuyên đề của Báo CAND vào tháng 11-2003, Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an đã ra mắt bạn đọc chẵn 100 số; Chuyên đề ANTG (tuần) ra mắt bạn đọc được 362 số và Chuyên đề ANTG cuối tháng ra mắt bạn đọc được 26 số.

Đã không ít lần Tạp chí  Văn hóa - Văn nghệ Công an thay đổi khuôn khổ, cải tiến cả nội dung lẫn hình thức. Và đội ngũ cộng tác viên thì không ngừng phát triển, mở rộng.

CAND
.
.